Đức tìm cách 'vá lỗ thủng' phòng không cho Ukraine khi Mỹ ngưng viện trợ
Đức xác nhận đang thảo luận về việc mua thêm hệ thống phòng không Patriot của Mỹ và chuyển giao cho Ukraine, động thái diễn ra trong bối cảnh Washington đang đình chỉ viện trợ.
Phát ngôn viên chính phủ Đức Stefan Kornelius ngày 4/7 cho biết, có "nhiều phương pháp khác nhau" để giải quyết nhu cầu về tổ hợp phòng không Patriot của Ukraine, trong đó một phương án đang được cân nhắc là mua thêm các hệ thống này từ Washington và chuyển cho Kiev.
"Tôi có thể xác nhận rằng đang diễn ra các cuộc thảo luận sâu rộng về vấn đề trên", ông Kornelius nói hôm 4/7/2025.
Tờ Bild của Đức hôm 3/7 cho biết, Berlin cách đây vài tuần đề xuất mua hai tổ hợp Patriot của Mỹ để viện trợ cho Ukraine và đang chờ phản hồi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth.
Hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot
"Ukraine trước đó cố gắng tìm cách mua trực tiếp từ Mỹ nhưng không thành công và đã nhờ chính phủ Đức", tờ báo cho hay.
Sau khi Mỹ hôm 1/7 thông báo đình chỉ một số hàng viện trợ quân sự cho Ukraine, chính phủ Đức lo ngại Washington có thể sẽ từ chối đề nghị mua Patriot từ Berlin.
Bild cho biết vấn đề này đã được thảo luận tại cuộc họp nội các của Đức hôm 2/7, trong đó các quan chức kết luận rằng việc Mỹ ngừng chuyển giao vũ khí cho Ukraine là tổn thất "không thể bù đắp".
"Dù vậy, Đức và một số đồng minh khác đang tìm cách cung cấp ít nhất một số hệ thống Patriot từ kho dự trữ của mình", tờ báo viết.
Hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot
Mỹ không nêu danh sách vũ khí bị hoãn chuyển giao, song truyền thông nước này cho biết chúng gồm hơn 20 đạn PAC-3 của tổ hợp Patriot, khoảng 20 tên lửa phòng không vác vai Stinger, tên lửa chống tăng Hellfire và hơn 90 quả AIM-120 AMRAAM trang bị cho tiêm kích F-16. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3/7 nói rằng, Mỹ đã "chuyển quá nhiều" viện trợ quân sự cho Ukraine dưới thời chính quyền tiền nhiệm và hiện cần ưu tiên bổ sung kho vũ khí.
Trong cuộc tấn công quy mô lớn của Nga rạng sáng nay, phòng không Ukraine gần như để lọt toàn bộ tên lửa của đối phương, khi chỉ tuyên bố đánh chặn được hai trên tổng số 11 quả đạn. Kiev cũng không chặn được 63 trên tổng số 539 máy bay không người lái do Moskva phóng.

Hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot
Hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo Patriot PAC-3 được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống Nike Hercules (là hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao của Lầu Năm Góc) và thay thế hệ thống MIM -23 Hawk (hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung của quân đội Mỹ).
Cho đến nay, nó là một trong những hệ thống phòng không được phổ biến rộng rãi nhất thế giới (sau S300 của Nga) khi có tới 16 quốc gia đang sử dụng. Khác với S300 chưa một lần ghi nhận thực chiến chính thức, hệ thống Patriot PAC-3 đã nhiều lần tham chiến và từng ghi nhận bắn hạ các máy bay và tên lửa của đối phương. Hiện nay phiên bản mới nhất của hệ thống này có có khả năng tiêu diệt mục tiêu với phương thức "Hit-to-Kill" tức truy đuổi và tiêu diệt mục tiêu bằng động năng thay vì dùng đầu đạn nổ mảnh.
