Ông Trump thừa nhận 'lạm phát trở lại', nhưng đổ lỗi cho ông Biden
'Tôi chẳng lạm gì khiến lạm phát trở lại cả. Những người đã điều hành đất nước trước tôi, họ chi tiêu nhiều hơn bất kỳ ai trước đây'...

Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ nhậm chức của ông Trump hôm 20/1/2025 - Ảnh: Reuters.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh Fox News mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận lạm phát ở Mỹ đang tăng trở lại, đi ngược lại lời hứa mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống là sẽ kéo giá cả xuống ngay sau khi lên cầm quyền. Tuy nhiên, ông Trump nói rằng việc chính quyền của người tiền nhiệm, ông Joe Biden, chi tiêu quá mức là nguyên nhân khiến lạm phát nóng lên.
“Lạm phát đã trở lại”, ông Trump nói. “Tôi chẳng lạm gì khiến lạm phát trở lại cả. Những người đã điều hành đất nước trước tôi, họ chi tiêu nhiều hơn bất kỳ ai trước đây”.
Theo hãng tin CNN, ông Trump đã đúng khi nói rằng lạm phát đã trở lại. Số liệu thống kê từ Bộ Lao động Mỹ vào tuần trước cho thấy giá tiêu dùng tháng 1 tăng mạnh hơn dự báo, một phần do giá xăng và giá trứng tăng mạnh. Nếu so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2023. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số này tăng 3%, mạnh nhất kể từ tháng 6/2024.
Ông Trump cũng đúng khi nói rằng phần lớn sự trở lại của lạm phát này không phải do lỗi của ông: cựu Tổng thống Biden đã nắm Nhà Trắng 19 ngày rưỡi trong số 31 ngày của tháng 1 - kỳ báo cáo lạm phát mới nhất.
TRANH CÃI VỀ NGUYÊN NHÂN LẠM PHÁT TRƯỚC ĐÂY
Tuy nhiên, lập luận của ông Trump cho rằng ông Biden khiến lạm phát tăng cao vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Giới chuyên gia kinh tế đến nay vẫn chưa thống nhất được đâu là nguyên nhân thực sự khiến lạm phát ở Mỹ leo thang sau khi ông Biden trở thành tổng thống, rồi giảm trở lại gần mức bình thường. Giá cả ở Mỹ đã rục rịch leo thang trong năm đầu tiên cầm quyền của ông Biden, rồi bùng nổ trong năm thứ hai, lập đỉnh của 40 năm vào tháng 6/2022, rồi quay đầu đi xuống.
“Họ đã được trao 9 nghìn tỷ USD để ném qua cửa sổ. 9 nghìn tỷ USD, họ đã tiêu cả vào cái mà tôi gọi là ‘Green New Scam’ (tạm dịch: ‘Vụ lừa đảo Xanh Mới’). Đó là vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử đất nước chúng ta”, ông Trump nói. Tuy nhiên, không ai rõ “Vụ lừa đảo Xanh Mới” mà ông Trump nói tới cụ thể là gì, và trong nhiệm kỳ của ông Biden, chưa có một dự luật nào như vậy được thông qua.
Trên thực tế, ông Biden đã ký một dự luật hạ tầng bao gồm các dự án năng lượng xanh, trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD vào năm 2021 và các chương trình kích cầu thời Covid-19 với tổng trị giá 3,4 nghìn tỷ USD. Tổng cộng, các chương trình này khiến thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ tăng thêm khoảng 5 nghìn tỷ USD trong 2 năm đầu cầm quyền của ông - theo Ủy ban Ngân sách Liên bang có trách nhiệm (CRFB).
Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) - một đạo luật mang tính dấu ấn của ông Biden, bao gồm sự kết hợp giữa tín dụng thuế và chi tiêu - thực ra đã giúp tiết kiệm 240 tỷ USD ngân sách thông qua tăng cường thực thi công tác thu thuế và tiết kiệm các khoản chi cho thuốc kê đơn, theo CRFB. Sau khi Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện từ tay Đảng Dân chủ vào năm 2023, ông Biden đã không thông qua được dự luật nào lớn trong 2 năm cầm quyền sau của ông.
Một số nhà kinh tế, bao gồm cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke, cho rằng hoạt động chi tiêu mạnh tay của chính quyền ông Biden là một nguyên nhân khiến nền kinh tế Mỹ trở nên quá nóng.
“Phản ứng của Mỹ với đại dịch Covid-19 bao gồm hàng loạt sáng kiến liên bang, bao gồm Đạo luật CARES và Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ (ARP) có tổng mức chi gần 5 nghìn tỷ USD. Những chương trình này làm gia tăng mạnh mẽ nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, khiến thị trường lao động thắt chặt, gây áp lực tăng lên tiền lương và giá cả”, một báo cáo hồi tháng 9/2023 của Cục Nghiên cứu kinh tế Quốc gia (NBER) nhận định.
Tuy nhiên, cũng chính báo cáo này cho rằng lạm phát ở Mỹ tăng cao còn do các yếu tố như chi phí sản xuất tăng liên quan tới biến động nhu cầu, cuộc chiến tranh ở Ukraine, và những nút thắt chuỗi cung ứng thời đại dịch.
Một báo cáo vào tháng 1/2023 của Bộ Lao động Mỹ cho rằng lạm phát cao do “biến động giá năng lượng, nhiều đơn hàng dồn ứ do chuỗi cung ứng tắc nghẽn trong đại dịch, và biến động giá cả trong các ngành công nghiệp liên quan tới ô tô”.
Một báo cáo vào tháng 9/2024 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói các hiệu ứng kinh tế vĩ mô như chi tiêu của Chính phủ liên bang không phải là “thủ phạm” gây lạm phát, mà thay vào đó nguyên nhân khiến lạm phát ở Mỹ tăng cao là do tương quan cung - cầu truyền thống.
NHỮNG YẾU TỐ KHIẾN LẠM PHÁT NÓNG TRỞ LẠI
Như vậy, chưa có một đánh giá chắc chắn nào về việc liệu chi tiêu của chính quyền Biden có phải là nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát ở Mỹ tăng cao hay không. Ông Trump có thể đúng khi cho rằng chính quyền tiền nhiệm chi tiêu quá nhiều vào thời điểm không phù hợp. Nhưng các chuyên gia kinh tế lại cho rằng chỉ riêng việc chi tiêu đó không phải là nguyên nhân duy nhất khiến giá cả leo thang.
Và ở thời điểm hiện tại, chi tiêu của thời Biden chắc chắn không phải là nguyên nhân khiến lạm phát trở lại. Áp lực lạm phát tháng 1 của Mỹ một phần đến từ việc bệnh cúm gia cầm khiến giá trứng ở Mỹ tăng mạnh nhất 10 năm, bên cạnh giá xăng dầu tăng do các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga và Iran.
Ngoài ra, giá cả tiêu dùng ở Mỹ cũng tăng trên diện rộng trong tháng 1 chứ không riêng gì ở những nhóm hàng hóa khó kiểm soát như thực phẩm và năng lượng. Lạm phát cao dai dẳng chắc chắn sẽ khiến Fed phải trì hoãn việc giảm thêm lãi suất, và trong môi trường như vậy, lãi suất cho vay thế chấp nhà và giá cho thuê nhà ở Mỹ sẽ còn cao - lại là một nguyên nhân khiến lạm phát giữ ở mức cao.
Một yếu tố khác không có lợi cho tiến trình giảm lạm phát của Mỹ là thuế quan của ông Trump. Việc tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu rốt cục sẽ làm gia tăng giá cả tiêu dùng đối với người Mỹ - giới chuyên gia kinh tế nhận định. Hiệu ứng này có thể làm mất đi tác dụng giảm lạm phát từ kế hoạch của ông Trump về cắt giảm chi tiêu công và tăng sản lượng khai thác dầu để kéo giá dầu giảm xuống.