'Ông vua tango' Hoàng Trọng

Nhiều năm tôi đã nghe lại rồi đi tìm dòng nhạc trước 1975 mà một thời những kẻ 'trưởng giả học làm sang' đã gán cho nó nào là vàng, sến, não tình… nhưng từ lâu, tôi đã vô tình khi viết về âm nhạc mà không nhắc tới nhạc sĩ Hoàng Trọng.

Người đã đi rồi, nhưng nhạc và tiếng hát vẫn còn ở lại mãi mãi… Boléro có Trúc Phương, slow có Đoàn Chuẩn, slow rock có Lam Phương và… tango nhất định phải là Hoàng Trọng!

Lẽ tất nhiên, trong hàng trăm nhạc sĩ của miền Nam trước 1975, cũng có rất nhiều nhạc sĩ sáng tác giai điệu boléro, slow, tango… nhưng để làm nên “thương hiệu” này thì chỉ có những nhạc sĩ kể trên mà mỗi lần nhắc đến, người yêu mến âm nhạc không bao giờ quên những giai điệu ấy, giai điệu của một thời làm say mê, thổn thức hàng triệu con tim, làm say đắm trong niềm thương, nỗi nhớ khi chiến tranh là Những nỗi chết không rời (tên một truyện ngắn của Thế Uyên).

Nói đến nhạc sĩ Hoàng Trọng là phải nói đến tango, mặc dù ông có rất nhiều nhạc phẩm hay mang giai điệu khác. Nhưng chỉ có tango mới làm nên tên tuổi ông từ những năm tháng còn chiến tranh khói lửa. Ông từng gia nhập quân đội từ thập niên 1950 và là Trưởng ban quân nhạc Bảo Chính Đoàn trong chương trình phát thanh Hà Nội, và từ những ngày tháng này ông đã sáng tác Nhạc sầu tương tư (lời nhạc sĩ Hoàng Dương) và Dừng bước giang hồ.

Hai nhạc phẩm này cho đến nay nghe lại vẫn thấy mới rười rượi! Điều đặc biệt, trong 200 tác phẩm của ông tìm đỏ mắt không thấy bản nhạc nào dính đến chính trị, mặc dù ông cũng như nhiều nhạc sĩ khác sống ở miền Nam, có một vài nhạc sĩ vì hoàn cảnh phải sáng tác nhạc “ca ngợi lính cộng hòa”, “chiêu hồi”, “chống cộng”...

Nhạc sĩ Hoàng Trọng (1922 - 1998) và ban Tiếng Tơ Đồng.

Nhạc sĩ Hoàng Trọng (1922 - 1998) và ban Tiếng Tơ Đồng.

Lúc nhạc tango Hoàng Trọng đã nổi tiếng thì tôi chỉ là một cậu bé ở vùng quê nghèo đầu đội trời chân đạp đất (đúng nghĩa vì không có dép, nón) đi học trường làng vui chơi bằng mấy bài hát câu được câu mất. Hoàng Trọng nổi tiếng về tango, nhưng bản nhạc đầu tiên của Hoàng Trọng làm tôi mê, để những năm tháng sau này tôi đi tìm nhạc ông lại là bài hát Chiều tha hương ra đời năm 1946, Quách Đàm viết lời trong cái buồn muôn thuở của slow:

... Chiều nay mưa rơi ướt vai người dưới quán vắng
Chàng niên thiếu miền xa thân dầm sương
Đời phiêu lưu mang máu giang hồ đi bốn phương
Chí lớn say sưa cuộc đời mưa nắng…

Năm 2007, nhờ sự giới thiệu của nhạc sĩ Từ Vũ, tôi đến thăm ca sĩ Tâm Vấn, chị là con chim đầu đàn của nền tân nhạc Việt Nam. Cũng theo nhạc sĩ Từ Vũ, chỉ có Tâm Vấn mới ca Gái xuân của anh “đạt yêu cầu”, cho nên trong lần xuất bản đầu tiên tháng 11.1954 nhạc phẩm Gái xuân có in hình nữ danh ca Tâm Vấn ngoài bìa.

Ca sĩ Tâm Vấn là chỗ thân tình với nhạc sĩ Hoàng Trọng, nên trước khi sang Mỹ định cư, Hoàng Trọng đã tặng chị một tập nhạc do chính Hoàng Trọng chép tay, chữ viết và nốt nhạc nắn nót rất đẹp, chứng tỏ rằng Hoàng Trọng quý Tâm Vấn lắm mới tặng, cho nên chị xem đây là một kỷ vật luôn giữ bên mình. Vì thấy tôi mê nhạc Hoàng Trọng, chị cho tôi mượn để photo. Ngoài ra, chị còn có Những tình khúc mang nhịp điệu tango của Hoàng Trọng gởi về cho chị từ “Thung lũng hoa vàng” khi Hoàng Trọng còn sống.

Trong tập này, nhạc sĩ Hoàng Trọng đã ghi chú: “… Từ xưa những ca khúc với nhịp điệu tango thường chỉ được hát đơn ca, nhưng nay vì phong trào hợp ca đang được thịnh hành nên chúng tôi mạn phép ghi thêm vào một số bài với hình thức song ca, tam ca, đơn ca với phụ họa hoặc hợp ca bằng những nốt nhạc nhỏ thêm vào bên trên hoặc bên dưới bè chính để dành cho những ai muốn trình bày như vậy…”.

Và chúng ta hãy nghe nhạc sĩ Anh Việt nói về Hoàng Trọng: “… Tiếng nhạc hòa lẫn lời thơ, những thở than não nùng. Hoàng Trọng không lẫn tránh đau thương của tình yêu. Anh miên man đi trong cơn mê dài, ve vuốt, nâng niu thú đau thương đó. Anh đã nói lên tiếng nói trung thực của con người, nên anh đã được người đời đón nhận anh, yêu thích anh…”.

Nhạc sĩ Hoàng Trọng sinh năm 1922 tại Hải Dương và mất năm 1998 tại Hoa Kỳ. Ông có chừng 200 tác phẩm, trong số này ông chỉ đặt lời khoảng 40 bài, còn lại là lời của Hồ Đình Phương, Hoàng Dương, Nguyễn Túc, Quách Đàm, Vĩnh Phúc…

Giới yêu mến âm nhạc phong tặng Hoàng Trọng là “ông vua tango”. Vậy tango là gì? Là một điệu khiêu vũ chậm, xuất xứ từ Mexico, tiết điệu 2/4 giống như Habanera (theo Tự điển Âm nhạc của Tống Ngọc Hạp, Paris 1953). Nhạc Hoàng Trọng, riêng những tình khúc tango của ông là những bài ca vượt thời gian bất kể chính kiến cho dù ở giai đoạn lịch sử nào:

… Biết đến bao giờ gặp lại người em thời ấu thơ
Để đón tin mừng từ ngày thuyền xuân về bến mơ…

(Tiễn bước sang ngang - Hoàng Trọng
- Hồ Đình Phương 1958)

Và trong 3 nốt bémol mí, si, la, một bản tình ca đẹp đến ngỡ ngàng:

… Lòng muốn trao bằng tiếng nói
Bằng lá thư màu giấy mới
Bằng muôn cánh hoa tươi
Bằng môi hé duyên cười
Bằng đôi mắt lả lơi…

(Ngỡ ngàng - Hoàng Trọng
- Hồ Đình Phương 1958)

Cuộc đời trong mỗi chúng ta ai cũng có một mối tình đầu. Những năm tháng xa xưa ấy là những lá thư viết tay:

Bao nhiêu lá thư mầu, ngày nào vẫn khắc sâu ngàn câu mến thương nhau…

Đó là nhạc phẩm Tình đầu Hoàng Trọng sáng tác tại Sài Gòn năm 1962 do Hồ Đình Phương viết lời, NXB Minh Phát ấn hành. Bản nhạc này gamme sol thứ (Gm) đẹp như mối tình đầu:

… Vườn lòng vừa hé hoa yêu đời
Tình đầu đà chớm trên môi cười

Quê tôi miền Trung, nơi đây có hàng thùy dương trên động cát trắng, những làng chài thơ mộng với bờ biển thẳng tắp ngày đêm lao xao sóng nước… và từ năm 1957, tôi đã tình cờ nghe được Mộng ban đầu. Đây là bài thơ của Hồ Đình Phương, một bài thơ mà những con chữ của nó đủ để vẽ nên một bức tranh miền quê, được nhạc sĩ Hoàng Trọng phổ nhạc năm 1956. Có lẽ đây là một bản tango vượt trội trong những bản tango khác của ông, vì nó mang trọn vẹn tình yêu, tình đất, tình người, thấp thoáng một quê nghèo, một thứ nghèo muôn năm chỉ biết than trời trách đất mỗi khi thiên tai ập xuống, mất còn, còn mất… là một điệp khúc ngàn đời, nhưng họ vẫn hãnh diện về quê mình:

… Quê em miền thùy dương
Lúa ngọt ngào hoa mới
Gió mang mùa xuân tới
Hôn liếp dừa lên hương
Thơm thơm tràn muôn lối…
Anh nhớ về thăm em nhé
Đừng khinh mái lều tranh
Rau muối ấm tâm tình
Cơm ngô thắm no lành
Anh nhớ về anh nhé!...

Dù nói bao nhiêu cũng không hết “Tango một thời yêu dấu” của Hoàng Trọng. Ông mất nhưng nhạc ông còn và chắc chắn sẽ còn mãi mãi. Theo ca sĩ Tâm Vấn, Hoàng Trọng là một người tử tế. Để chứng minh cho điều này, tôi xin trích lại một đoạn trong CD Khi ánh chiều rơi mà Hoàng Trọng trước khi rời Việt Nam, nói về ca sĩ Mộc Lan:“… Hôm nay tôi xin kể lại lần gặp gỡ ca sĩ Mộc Lan trước khi tôi được sang đoàn tụ với các con tôi tại Hoa Thịnh Đốn vào tháng 2.1992. Hồi đó, Mộc Lan vẫn còn cư ngụ tại căn bếp của một biệt thự trong trại Lê Văn Duyệt cũ… Tôi đến thăm Mộc Lan để nhờ Mộc Lan hát vài bài nhạc của tôi để tôi giữ lưu niệm. Nhưng Mộc Lan không thể nào hát nổi vì đang mang bịnh phổi, ngày nào cũng phải đi bác sĩ chữa trị. Và trước khi lên đường sang Hoa Kỳ tôi cũng đã đến thăm Mộc Lan lần cuối, nhưng lúc đó thấy Mộc Lan yếu hơn và trong nhà chẳng có một ai chăm sóc… Tôi thật áy náy chẳng giúp được Mộc Lan thêm chút gì ngoài khả năng của tôi…”.

Vậy mà Hoàng Trọng ra đi về nơi xa lắm từ năm 1998, còn Mộc Lan đến 17 năm sau (2015) mới từ giã cõi đời.

Cuộc đời này có đôi lúc tưởng chết mà lại sống, tưởng sống mà lại chết, sống và chết là định mệnh của mỗi con người.

Trần Hữu Ngư

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ong-vua-tango-hoang-trong-43981.html