OpenAI đang loay hoay với bài toán quản trị

Dù vẫn duy trì mô hình quản trị bởi một hội đồng phi lợi nhuận, OpenAI đang đối mặt với những mâu thuẫn nội tại và thách thức trong định hướng phát triển khi các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tiến gần đến mức độ tự chủ cao.

Financial Times nhận định các vấn đề gần đây, từ hiệu chỉnh "tính cách" của chatbot đến mô hình kinh doanh chưa bền vững, cho thấy việc cân bằng giữa sứ mệnh ban đầu và mục tiêu thương mại hóa ngày càng trở nên khó khăn.

Trong tháng trước, OpenAI đã tạm ngưng một bản cập nhật của ChatGPT sau khi nhận thấy phiên bản mới phản hồi quá thiên về khen ngợi, khiến tương tác trở nên thiếu tự nhiên. "Những phản hồi nịnh hót có thể gây khó chịu và làm giảm tính đáng tin cậy", công ty thừa nhận trong một bài đăng trên blog, và cam kết điều chỉnh lại.

Dù đây không phải là sự cố nghiêm trọng nhất, nhưng nó phản ánh một vấn đề rộng lớn hơn: làm thế nào để xây dựng một “tính cách” ổn định không chỉ cho sản phẩm mà còn cho toàn bộ doanh nghiệp. Những sự cố như vậy càng nổi bật khi đặt trong bối cảnh các thay đổi về định hướng chiến lược của công ty.

OpenAI đối mặt mâu thuẫn giữa sứ mệnh phi lợi nhuận và áp lực thương mại hóa trong bối cảnh AI ngày càng tự chủ - Ảnh: Reuters

OpenAI đối mặt mâu thuẫn giữa sứ mệnh phi lợi nhuận và áp lực thương mại hóa trong bối cảnh AI ngày càng tự chủ - Ảnh: Reuters

Chuyển đổi mô hình nhưng chưa giải quyết được gốc rễ

Gần đây, OpenAI đã hủy bỏ kế hoạch cải tổ thành công ty vì lợi nhuận đầy đủ, thay vào đó giữ lại mô hình công ty vì lợi ích công cộng, do một hội đồng phi lợi nhuận kiểm soát. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này chưa giải quyết được những mâu thuẫn cấu trúc sâu xa, đặc biệt là giữa mục tiêu phát triển AI an toàn phục vụ nhân loại và nhu cầu thu hút vốn để mở rộng quy mô.

Mâu thuẫn càng rõ rệt khi xét đến tranh chấp pháp lý đang diễn ra với Elon Musk - đồng sáng lập và là người từng hỗ trợ tài chính cho công ty. Tỷ phú Musk cáo buộc OpenAI đi chệch khỏi cam kết phi lợi nhuận ban đầu và đặt lợi ích thương mại lên trên sự an toàn của AI.

Khi thành lập năm 2015, OpenAI cam kết phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) vì lợi ích của nhân loại. Nhưng từ năm 2019, công ty đã chuyển sang mô hình lai, thành lập công ty con vì lợi nhuận để thu hút đầu tư và mở rộng hạ tầng tính toán. Thành công của ChatGPT đã khiến công ty trở thành một tên tuổi lớn, với định giá gần đây đạt 260 tỉ USD và khoảng 500 triệu người dùng hằng tuần.

Sam Altman - CEO của OpenAI, từng bị sa thải và sau đó được khôi phục chức vụ vào năm 2023, hiện đặt ra tham vọng xây dựng một "bộ não cho thế giới", có thể cần hàng trăm đến hàng nghìn tỉ USD đầu tư. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của công ty vẫn chưa rõ ràng. Năm 2023, OpenAI chi khoảng 9 tỉ USD nhưng lỗ tới 5 tỉ USD, một mức thâm hụt đặt ra câu hỏi về tính bền vững tài chính.

Bên cạnh đó, cách quản lý của OpenAI, với sự kiểm soát từ một hội đồng phi lợi nhuận nhưng hoạt động trong mô hình vì lợi nhuận, dẫn đến tình trạng thiếu rõ ràng về trách nhiệm. Điều này đặc biệt nghiêm trọng khi công nghệ của công ty ngày càng có ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Sự thiếu minh bạch trong việc ra quyết định, kết hợp với áp lực thương mại hóa từ các nhà đầu tư, có thể làm gia tăng nguy cơ triển khai các mô hình AI mạnh một cách vội vã. Trong bối cảnh đó, những vấn đề như "nịnh hót" trong phản hồi của ChatGPT chỉ là biểu hiện bề mặt của một mối lo lớn hơn về việc thiếu kiểm soát chặt chẽ đối với một công nghệ ngày càng tự chủ.

Định nghĩa về AGI ngày càng mơ hồ

Khái niệm AGI (trí tuệ nhân tạo tổng quát) vốn được hiểu là AI có thể vượt qua con người trong hầu hết các nhiệm vụ trí tuệ, đang trở nên thiếu thống nhất. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Altman thừa nhận thuật ngữ này gần như "mất giá trị", và đề xuất một định nghĩa hẹp hơn rằng hệ thống có khả năng viết mã như một lập trình viên con người.

Dù vậy, các công ty AI lớn dường như tin rằng họ đang tiến gần đến AGI. Từ năm 2011 đến 2024, 15 công ty AI hàng đầu tại Mỹ đã tuyển dụng tổng cộng 500.000 kỹ sư phần mềm. Tuy nhiên, hiện tại tốc độ tuyển dụng đang chững lại, phản ánh kỳ vọng rằng các tác nhân AI sẽ sớm thay thế một số vai trò kỹ thuật.

Đáng chú ý, một nghiên cứu gần đây từ Google DeepMind đã chỉ ra bốn nguy cơ chính khi các mô hình AI đạt mức độ tự động hóa cao hơn, bao gồm: khả năng bị lạm dụng bởi các tác nhân xấu, hành vi không đồng bộ với ý định của người dùng, sai sót dẫn đến hậu quả ngoài ý muốn và tương tác khó lường giữa các hệ thống AI khác nhau.

Những rủi ro này không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn liên quan đến đạo đức và chính sách công. Khi công nghệ AI đạt tới mức độ ảnh hưởng sâu rộng, các mô hình quản trị doanh nghiệp cần được thiết kế để phản ứng hiệu quả với các tình huống bất định.

OpenAI hiện đang đứng trước lựa chọn khó khăn giữa việc giữ đúng sứ mệnh phục vụ lợi ích chung của nhân loại và đáp ứng kỳ vọng từ thị trường đầu tư. Mô hình tổ chức vừa phi lợi nhuận vừa vì lợi nhuận mà công ty đang theo đuổi có thể không còn phù hợp với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của họ trong lĩnh vực công nghệ.

Khi trí tuệ nhân tạo tiếp tục phát triển nhanh chóng, vấn đề không chỉ là kiểm soát hành vi của chatbot mà còn là xây dựng một hệ thống quản trị rõ ràng, đáng tin cậy và có khả năng xử lý các rủi ro khó lường. Việc thiết kế lại mô hình quản trị, cả về pháp lý lẫn đạo đức, đang trở thành yêu cầu cấp thiết.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/openai-dang-loay-hoay-voi-bai-toan-quan-tri-232434.html