Nửa thế kỷ tiên phong của đội ngũ doanh nghiệp thành phố

Nắm giữ vai trò trụ cột của đầu tàu kinh tế cả nước, doanh nghiệp sản xuất TPHCM là đội ngũ quan trọng tạo ra của cải, việc làm, giá trị kinh tế và sự tăng trưởng liên tục trong suốt 50 năm qua của thành phố mang tên Bác.

Khối doanh nghiệp sản xuất tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Vũ

Khối doanh nghiệp sản xuất tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Vũ

Minh chứng của hành trình phát triển vượt bậc

Chia sẻ với Tạp chí KTSG, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết thành phố là một đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Với mật độ dân cư lớn nhất nước, TPHCM cũng thu hút rất nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế chiếm gần 30% số doanh nghiệp của cả nước.

“Trong 50 năm qua, doanh nghiệp sản xuất TPHCM đã khẳng định vai trò là trụ cột, lực lượng tiên phong và quan trọng nhất tạo ra của cải cho toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn diện của thành phố”, ông nhận định và dẫn chứng, trong thập niên gần nhất, từ 2014 - 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của TPHCM đạt mức tăng trưởng trung bình là 9,5%/năm, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của cả nước là 7,7%/năm. Cùng với đó là sự đóng góp quan trọng trong hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố trên trường quốc tế.

Cũng theo ông, không chỉ tạo ra giá trị kinh tế lớn với đóng góp hơn 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), đội ngũ doanh nghiệp TPHCM còn là động lực chính trong tạo việc làm cho người dân, chiếm khoảng 18,7% số lao động của cả nước và đứng thứ hai cả nước về mức thu ngân sách nhà nước. Đó là những con số “biết nói” về vai trò của lực lượng doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố và đã được minh chứng trong nửa thế kỷ vừa qua.

Đáng chú ý, một trong những thành tựu nổi bật của doanh nghiệp sản xuất TPHCM là quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đây không chỉ là cách thức nhận diện mà còn là giá trị cốt lõi giúp tạo sự khác biệt trên thị trường và nâng cao giá trị dài hạn của doanh nghiệp.

Tại TPHCM những thương hiệu mạnh như Vinamilk, Cadivi, Cholimex, Liksin, Việt Tiến, Bibica, Thiên Long, Bitis, đã vươn tầm quốc tế. Ngoài ra, việc hình thành và phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp, khu chế xuất và đặc biệt là Khu công nghệ cao TPHCM đã thu hút lượng vốn đầu tư lớn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ hiện đại.

“Sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao và việc tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là minh chứng rõ nét nhất cho sự phát triển vượt bậc của lực lượng doanh nghiệp sản xuất thành phố trong nửa thế kỷ qua”, ông Vũ nhấn mạnh.

Động lực tăng trưởng tiên quyết trong chặng đường mới

Trong mỗi giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt, TPHCM đều có những mô hình, cách làm mới mang tính đột phá, có tính lan tỏa sang các địa phương khác. Thực tế này minh chứng cho khát vọng vươn lên mạnh mẽ và sự chủ động, năng động, sáng tạo không ngừng của đầu tàu kinh tế.

Theo ông Vũ, năm 2025, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số và ngành công thương là một trong những bộ phận cấu thành trong kịch bản tăng trưởng kinh tế này.

Đáng chú ý, ¼ thời gian của năm 2025 đã trôi qua trong bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn. Đặc biệt, chính sách thuế quan của Mỹ và phản ứng của một số quốc gia đang làm tăng nguy cơ “chiến tranh thương mại toàn cầu”.

Đây là thách thức lớn để đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2025. Dù vậy, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển hướng, khai thác các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, như CPTPP, EVFTA... để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường thay thế; thực hiện tái cơ cấu sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng để mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc một số thị trường nhất định, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, khối doanh nghiệp sản xuất tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, là một trong những thành phần đóng góp lớn nhất vào GRDP của thành phố. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất cần tạo chuỗi giá trị nội địa bằng việc thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết chuỗi giá trị trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

“Nhóm này cũng được kỳ vọng dẫn đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao, AI, IoT và tự động hóa để nâng năng suất lao động; tập trung vào sản xuất tinh gọn, xanh, thông minh thay vì gia công truyền thống để nâng cao giá trị gia tăng”, ông Vũ nói.

Đáng chú ý, trong xu hướng phát triển của thế giới, các doanh nghiệp còn phải thúc đẩy sản xuất xanh, hướng đến tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị), giảm phát thải carbon, sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng nguyên vật liệu, giảm thiểu chất thải, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất còn mang trọng trách phát triển nguồn nhân lực, tạo ra việc làm ổn định, nâng cao đời sống cho hàng triệu lao động.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, giúp giá trị gia tăng ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh như chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh, cũng khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp... Đồng thời, thành phố cũng ưu tiên các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98 đã được ban hành từ năm 2024.

“Đây sẽ là động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, sản xuất Kinh doanh và mở rộng thị trường cũng như hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng trong kỷ nguyên vươn mình của thành phố”,ông Vũ nói.

Nửa thế kỷ tiên phong của đội ngũ doanh nghiệp TPHCM

Theo thống kê của UBND TPHCM vào năm 1985, tổng giá trị sản xuất của kinh tế ngoài quốc doanh chỉ đạt 8,6 tỉ đồng. Đến năm 1995, quy mô đã nhảy vọt lên 15.402 tỉ đồng tức gấp gần 1.800 lần sau 10 năm. Đến nay, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân thành phố đóng góp hơn 50% GRDP, 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Để ghi nhận, tri ân những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, TPHCM đã có chọn lọc và tôn vinh 50 đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu có thương hiệu và sản phẩm chủ lực gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thành phố trong 50 năm qua. Những doanh nghiệp này có doanh thu đạt hơn 461.000 tỉ đồng, đóng góp cho ngân sách thành phố hơn 10.500 tỉ đồng.

Ngọc Như

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nua-the-ky-tien-phong-cua-doi-ngu-doanh-nghiep-thanh-pho/