OpenAI, Google, xAI bạo chi hàng triệu USD để chiêu mộ và giữ chân siêu tài năng AI

Cuộc đua thống trị trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thung lũng Silicon ngày càng căng thẳng khi một số hãng sẵn sàng bạo chi để có nhà nghiên cứu thuộc hàng siêu sao.

Cuộc cạnh tranh để thu hút và giữ chân nhân tài luôn là đặc trưng của ngành công nghệ. Song kể từ khi chatbot ChatGPT ra mắt vào tháng 11.2022, việc tuyển dụng các chuyên gia AI đã trở nên cực kỳ khốc liệt giống như săn siêu sao thể thao, với mức đãi ngộ rất cao. 12 người từng tham gia tuyển dụng các nhà nghiên cứu AI chia sẻ điều này với hãng tin Reuters.

“Các phòng thí nghiệm AI tiếp cận việc tuyển dụng như một ván cờ. Họ muốn đi nhanh nhất có thể, nên sẵn sàng trả rất nhiều tiền cho các ứng viên có kiến thức chuyên sâu và mang tính bổ trợ lẫn nhau, giống các quân cờ. Họ tự hỏi: Tôi có đủ quân xe chưa? Đủ quân mã chưa?”, theo Ariel Herbert-Voss, Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp an ninh mạng RunSybil và là cựu nhà nghiên cứu tại OpenAI.

Các công ty như OpenAI và Google, với tham vọng vượt lên hoặc duy trì vị trí dẫn đầu trong cuộc đua tạo ra mô hình AI tốt nhất, đang săn đón những "siêu sao" có thể quyết định thành bại của cả công ty.

Noam Brown là một trong những nhà nghiên cứu đứng sau những đột phá mới nhất của OpenAI trong lý luận toán học và khoa học phức tạp.

Noam Brown kể rằng khi tìm hiểu cơ hội việc làm vào năm 2023, ông đã được giới tinh hoa công nghệ săn đón: Ăn trưa với Sergey Brin (nhà đồng sáng lập Google), chơi poker tại nhà Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) và một nhà đầu tư háo hức ghé thăm bằng máy bay riêng. Hai nguồn tin cho biết Elon Musk cũng trực tiếp gọi điện thuyết phục các ứng viên sáng giá về với xAI, công ty khởi nghiệp AI của ông. xAI từ chối bình luận về vấn đề này.

Cuối cùng, Noam Brown chọn OpenAI vì công ty sẵn sàng đầu tư nguồn lực cả về con người và sức mạnh điện toán, cho công việc mà ông đam mê.

“Thực ra đó không phải là lựa chọn tốt nhất về tài chính”, Noam Brown nói, giải thích rằng mức lương thưởng không phải yếu tố quan trọng nhất với nhiều nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, điều đó không ngăn các công ty chi hàng triệu USD tiền thưởng và gói đãi ngộ để giữ chân nhân tài, theo 7 nguồn tin của Reuters thân cận với vấn đề.

Noam Brown tạo dáng chụp ảnh chân dung tại trụ sở OpenAI ở thành phố San Francisco, bang California, Mỹ - Ảnh: Reuters

Noam Brown tạo dáng chụp ảnh chân dung tại trụ sở OpenAI ở thành phố San Francisco, bang California, Mỹ - Ảnh: Reuters

Vài nhà nghiên cứu hàng đầu của OpenAI từng thể hiện sự quan tâm đến việc gia nhập Safe Superintelligence, nhưng đã được đề nghị mức thưởng giữ chân 2 triệu USD, cộng với tăng cổ phần lên đến 20 triệu USD hoặc hơn nếu họ ở lại, hai nguồn tin nói với Reuters. Một số người chỉ cần ở lại OpenAI một năm là được nhận toàn bộ khoản thưởng này.

Safe Superintelligence và OpenAI từ chối bình luận.

Safe Superintelligence là công ty khởi nghiệp do Ilya Sutskever, cựu giám đốc khoa học OpenAI, đồng sáng lập. Ông là một trong những người trong hội đồng quản trị OpenAI từng biểu quyết sa thải Giám đốc điều hành Sam Altman vào tháng 11.2023. Sau đó, Ilya Sutskever cho biết hối hận vì hành động này. Sam Altman được phục chức Giám đốc điều hành OpenAI vài ngày sau khi bất ngờ bị sa thải nhờ sự ủng hộ của đa số nhân viên và các nhà đầu tư.

Sau khi rời OpenAI hồi tháng 5.2024, Ilya Sutskever đã thành lập Safe Superintelligence với mô hình kinh doanh luôn hướng đến an toàn, bảo mật AI. Safe Superintelligence là một trong những công ty khởi nghiệp nổi bật nhất đang nghiên cứu mô hình, nhờ vào thành tích xuất sắc của Ilya Sutskever trong việc dự đoán các xu hướng lớn tiếp theo về phát triển AI.

Ilya Sutskever là nhà đồng sáng lập OpenAI và Safe Superintelligence - Ảnh: Reuters

Ilya Sutskever là nhà đồng sáng lập OpenAI và Safe Superintelligence - Ảnh: Reuters

Một số nhà nghiên cứu khác tại OpenAI có lời mời từ Eleven Labs cũng đã được đề nghị thưởng ít nhất 1 triệu USD để ở lại, theo hai nguồn tin. Những nhà nghiên cứu hàng đầu tại OpenAI thường nhận gói đãi ngộ trên 10 triệu USD mỗi năm, các nguồn tin của Reuters cho biết.

ElevenLabs là hãng công nghệ chuyên về AI trong lĩnh vực âm thanh, được thành lập vào năm 2022 bởi Piotr Dabkowski (cựu kỹ sư học máy tại Google) và Mati Staniszewski (cựu chiến lược gia triển khai tại Palantir).

Google DeepMind cũng đưa ra gói lương thưởng 20 triệu USD/năm cho các nhà nghiên cứu hàng đầu, cấp cổ phần ngoài kỳ cho riêng nhóm nghiên cứu AI và giảm thời hạn sở hữu một số gói cổ phiếu từ 4 năm xuống còn 3 năm cho một số trường hợp, theo các nguồn tin của Reuters. Google từ chối bình luận.

So sánh với mặt bằng chung, kỹ sư hàng đầu tại các hãng công nghệ lớn nhận mức lương trung bình hàng năm khoảng 281.000 USD cùng cổ phần 261.000 USD mỗi năm, theo dữ liệu từ Comprehensive.io.

Comprehensive.io là công ty chuyên theo dõi mức lương trong ngành công nghệ.

Tài năng 10.000x

Tài năng luôn là yếu tố cực kỳ quan trọng ở Thung lũng Silicon, nhưng khác với sự bùng nổ AI khắp thế giới, số người thuộc nhóm ưu tú này rất ít. Con số có thể dao động từ vài chục đến khoảng 1.000 người, tùy thuộc vào nguồn tin mà Reuters hỏi. Điều này dựa trên niềm tin rằng số lượng “siêu sao” rất nhỏ này đã đóng góp vượt trội vào việc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn - công nghệ nền tảng cho làn sóng AI hiện tại, nên họ có thể quyết định thành công hay thất bại của một mô hình AI.

“Các kỹ sư 10x đã là tuyệt vời rồi, nhưng mấy người 10.000x ấy mới thật đáng nể”, Sam Altman đăng trên mạng xã hội X vào cuối năm 2023. Giám đốc điều hành OpenAI ám chỉ câu nói nổi tiếng rằng kỹ sư phần mềm xuất sắc nhất có thể giỏi gấp 10 lần so với mức trung bình (10x), nhưng trong ngành AI hiện tại, những nhà nghiên cứu giỏi nhất có thể hiệu quả gấp 10.000 lần (10.000x).

Việc bà Mira Murati (cựu giám đốc công nghệ) rời OpenAI tháng 9.2024 càng khiến cuộc chiến giành tài năng AI thêm khốc liệt.

Mira Murati, vốn nổi tiếng tại OpenAI với kỹ năng quản lý và thực thi, đã chiêu mộ được 20 nhân viên cũ trước khi ra mắt công ty khởi nghiệp Thinking Machines Lab vào tháng 2.

Bà đã thu hút thêm nhiều nhà nghiên cứu từ OpenAI và các phòng thí nghiệm AI khác, đưa tổng số nhân sự lên khoảng 60 người, theo hai nguồn tin của Reuters. Dù chưa có sản phẩm ra mắt thị trường, Mira Murati đang chuẩn bị khép lại một vòng gọi vốn hạt giống kỷ lục nhờ vào sức mạnh đội ngũ. Đại diện của bà từ chối bình luận.

Vòng gọi vốn hạt giống là giai đoạn đầu tiên trong quá trình gọi vốn của một công ty khởi nghiệp. Đây là lúc công ty bắt đầu huy động tiền từ các nhà đầu tư để biến ý tưởng thành sản phẩm thực tế.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/openai-google-xai-bao-chi-hang-trieu-usd-de-chieu-mo-va-giu-chan-sieu-tai-nang-ai-232855.html