Oppenheimer - nghệ thuật hay lời sám hối trước triệu mạng người?
Oppenheimer là một nhà vật lý người Mỹ và là giám đốc phòng thí nghiệm Los Alamos của dự án Manhattan trong Thế chiến thứ hai. Ông được giao phụ trách một dự án tối mật của chính phủ nhằm phát triển vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới và thường được gọi là 'cha đẻ của bom nguyên tử' . Tuy nhiên, vụ ném bom xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản vào tháng 8/1945 là cú sốc khởi đầu cho những dằn vặt, đau khổ của ông với dự án vũ khí hạt nhân từng theo đuổi và đi cùng với nó là ước vọng cấm loại vũ khí này. Buổi gặp của ông với Tổng thống Mỹ Harry Truman cùng năm đó đã diễn ra vô cùng tồi tệ và bị hủy bỏ ngay lập tức khi Oppenheimer tuyên bố 'bàn tay tôi đã vấy máu' vì loại vũ khí hạt nhân này.
Buổi gặp của ông với Tổng thống Mỹ Harry Truman cùng năm đó đã diễn ra vô cùng tồi tệ và bị hủy bỏ ngay lập tức khi Oppenheimer tuyên bố "bàn tay tôi đã vấy máu" vì loại vũ khí hạt nhân này.
Video - Oppenheimer của Oscar 2024: Bàn tay tôi vấy máu
Oppenheimer cũng là hình mẫu của bộ phim giành 7/13 giải Oscar 2024 với nhiều hạng mục chính vừa được trao ngày hôm qua. Mặc dù năm nào cũng có hàng tấn phim hành động được tung ra thị trường, tuy nhiên, phim Mỹ nói chung có thể chia làm hai loại điển hình: Một người cứu cả thế giới, và Cả thế giới cứu một người. Với tâm thế một siêu cường đứng đầu thế giới khá lâu, Mỹ luôn cảm thấy họ là trung tâm, là quốc gia chịu trách nhiệm về tương lai nhân loại. Thực ra đó cũng là điều dễ hiểu vì có những nước nhỏ hơn nhiều so với Mỹ mà người dân cũng mang tâm thế đại loại như vậy.
Oppenheimer thuộc loại phim thứ nhất. Christopher Nolan đã xây dựng nhân vật Oppenheimer như một người Mỹ nắm trong tay quyền lực cứu vớt tương lai hoặc hủy diệt nhân loại. Một thứ tưởng chừng chỉ có thể thuộc về thượng đế. Ngay cái tên cuốn sách mà bộ phim dựa vào: American Prometheus: The Triumph and Tragedy of J. Robert Oppenheimer (Vị thần Prometheus của Mỹ: Vinh quang và Bi kịch của J. Robert Oppenheimer) cũng đã nói lên ý niệm chủ đạo của những người làm phim và viết sách. Prometheus là vị thần trong thần thoại Hy Lạp, người đã ăn cắp lửa từ thần mặt trời Helios và trao nó cho nhân loại, và cũng bị thần Zeus trừng phạt vì tội này. Năng lượng hạt nhân giống như lửa, vừa có thể hủy hoại, vừa có thể tái sinh. Prometheus còn có liên quan đến chiếc hộp (bình) Pandora.
Có thể nói từ lúc khởi động dự án, bộ phim này đã nắm chắc hàng loạt giải Oscar trong tay:
Chủ đề ái quốc, sử thi, ăn khách
Dựa trên cuốn sách được giải Pulitzer, với phong cách quay phim công phu, tốn kém, không dùng CGI
Được chỉ đạo bởi một trong những đạo diễn xuất sắc nhất
Đúng thời điểm: thế giới đang hoang mang trước cuộc xung đột Nga - Ukraina, trước những hiểm nguy tiềm ẩn về sự bùng nổ khó tránh của Đệ tam thế chiến.
Chính vì thế, Oppenheimer dễ dàng thu hút dàn ngôi sao điện ảnh: Gillian Murphy, Emily Blunt, Matt Damon, Robert Downey Jr., Florence Pugh, Josh Hartnett, Casey Affleck, Rami Malek. Họ sẵn sàng nhận lời đóng phim dù còn chưa biết được phân vai nào, một phần vì họ tin tưởng vào đạo diễn bom tấn Christopher Nolan, phần nữa vì họ biết chắc tác phẩm này sẽ đoạt hàng loạt giải Oscar.
Thực tế, tại buổi lễ trao giải Oscar lần thứ 96, Oppenheimer đã giành được 7 giải quan trọng, bao gồm:
Phim hay nhất
Đạo diễn xuất sắc nhất
Nam diễn viên chính xuất sắc nhất
Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất
Dựng phim xuất sắc nhất
Quay phim xuất sắc nhất
Nhạc phim hay nhất.
Vì sao Oppenheimer thắng đậm tại mùa Oscar 2024?
Theo các bài giới thiệu phim trên báo chí (và hiện nay chi phí về quảng cáo và PR cho các bộ phim bom tấn cũng là một phần không thể thiếu trong chi phí làm phim) thì Oppenheimer được dựng sát nhất với lịch sử, từ thiết kế mũ cho đến các câu đối thoại, nhưng lịch sử luôn chỉ là câu chuyện của một ai đó, thường là kẻ thắng trận, vì chỉ có kẻ thắng trận mới có quyền viết lại và cung cấp các cái gọi là chứng cớ. History (lịch sử) trong tiếng Anh thường chỉ là His story (câu chuyện của anh ta) mà thôi. Thời bây giờ, có lẽ History nên có thêm một cái tên là Hisfilm hay là Theirfilm nữa.
Một chi tiết “sáng tạo” trong bộ phim, là nó tạo ấn tượng rằng những người chế tạo và sử dụng bom hạt nhân đã tin chắc là loại vũ khí này sẽ chấm dứt Đệ nhị thế chiến, nhưng theo Alex Wellerstein - một nhà sử học khoa học tại Viện Công nghệ Stevens, người nghiên cứu lịch sử vũ khí hạt nhân, thì đó chỉ là một nhận thức được tạo ra sau sự kiện. Tức là sau khi sự kiện đã diễn ra rồi, người ta mới nhận thức được như vậy. Trong bài báo của Karl T. Compton trên tờ Atlantic vào tháng 12 năm 1946, tác giả cho rằng đó chỉ là một sự mạo hiểm có tính toán của Henry Stimson, bộ trưởng chiến tranh Hoa Kỳ.
Cho đến hôm nay vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau về 2 quả bom hạt nhân duy nhất từng được đưa vào thực chiến. Nhiều người cho rằng nó không thật sự cần thiết vì Hồng quân Liên Xô vẫn đánh bại đội quân Quan Đông của Nhật, nhưng nhiều người khác cho rằng nếu không có 2 quả bom đó thì còn rất nhiều tổn thất nhân mạng từ nhiều nước liên quan, vì Nhật nhất quyết không đầu hàng nếu không có cú sốc trước sức tàn phá khủng khiếp của loại vũ khí ấy.
Ward Wilson, học giả cấp cao tại Hội đồng Thông tin An ninh Mỹ-Anh (British American Security Information Council – BASIC) với những phân tích trong cuốn “Five Myths About Nuclear Weapons” ấn hành năm 2013 cho rằng, việc Nhật Bản đầu hàng có nguyên nhân chính là từ Chiến dịch Mãn Châu của Liên Xô và sự đại bại của đạo quân Quan Đông, còn việc hứng chịu 2 quả bom nguyên tử chỉ là “một cái cớ hoàn hảo cho việc chấp nhận đầu hàng”. Bản thân cựu Thủ tướng Anh Churchill trong tác phẩm “The Second World War” cũng đưa ra luận điểm: “Sẽ sai lầm nếu cho rằng số phận của Nhật Bản là do những quả bom nguyên tử quyết định”.
Quyết định đầu hàng của Hội đồng Tối cao Nhật Bản được đưa ra vào sáng sớm ngày 9/8/1945 - trong khi quả bom thứ hai mà Mỹ ném xuống Nagasaki diễn ra sau đó, vào cuối buổi sáng ngày 9/8.
Quả bom ném xuống Hiroshima, dù có sức tàn phá “chưa từng thấy” cũng không phải là tác nhân khiến đế chế Nhật sụp đổ, vì báo cáo sơ bộ của nhóm điều tra Lục quân Nhật về thiệt hại của vụ ném bom Hiroshima chỉ được trình nộp vào ngày 10/8. Nói cách khác, Nhật đã quyết định đầu hàng từ trước khi giới lãnh đạo quân phiệt Nhật nhận ra sức mạnh vũ khí hạt nhân.
Biết làm sao được, dù sao các kịch bản lịch sử ấy cũng không có cơ hội lặp lại, và history vẫn chỉ là his story mà thôi.
Quay lại bộ phim vừa thắng 7 giải Oscar này, có thể thấy sự vĩ đại của nghệ thuật thứ 7:
Nó đã lãng mạn hóa, bằng âm thanh và hình ảnh, một trong những sự kiện bi thảm nhất lịch sử nhân loại. Hiếm có chi tiết điện ảnh nào đau xót, khủng khiếp và lãng mạn hơn một đoạn rất nhỏ trong bộ phim này: Henry Stimson không chọn Kyoto làm nơi bỏ bom vì ông ta và vợ từng có tuần trăng mật ở đó. Một chi tiết nữa cũng rất ấn tượng, đó là cảnh Tatlock đang làm tình với Oppenheimer thì lấy một cuốn sách tiếng Hindu xuống khỏi giá sách và đòi ông đọc cho nghe. Mặc dù chi tiết này không phù hợp với một số dân tộc, nhưng nó tạo ấn tượng sâu sắc về năng lực trí tuệ của nhân vật chính, cũng như sự hấp dẫn giới tính của ông với phái nữ bắt nguồn từ trí tuệ. Có thể có phụ nữ thích tiền hoặc thích quyền lực, nhưng người đàn bà của Oppenheimer bị quyến rũ bởi trí tuệ - sapiosexual.
Thực ra điện ảnh Mỹ luôn mạnh về chi tiết, nên khen Nolan và Oppenheimer ở đây cũng thừa, thậm chí có phần khiếm nhã.
Mặc dù bộ phim được khen ngợi rất nhiều vì đã đưa những chủ đề phức tạp nhất của khoa học và kỹ thuật đến với đại chúng, tuy nhiên trên thực tế đó lại chính là điểm yếu của bộ phim: Các nhà khoa học hàng đầu thế giới như vậy sẽ không đối thoại với nhau bằng ngôn ngữ “bình dân” như vậy, và về những chủ đề dễ hiểu với học sinh cấp 2 như vậy. Cảnh bom nổ mặc dù được ca ngợi hết lời vì không dùng đến CGI mà chỉ dùng các đạo cụ đơn giản, nhưng thực tế nó cũng không ấn tượng cho lắm. Vả lại, làm giả cảnh bom hạt nhân nổ thì cũng như vẽ rồng vẽ quỷ, rốt cuộc có mấy ai từng chứng kiến đâu mà biết là đúng hay sai?
Điện ảnh là một trong những công cụ tuyên truyền mạnh mẽ nhất thế giới hiện nay. Một bộ phim có doanh thu đến hàng tỷ đô la như Oppenheimer sẽ cho bao nhiêu triệu người trên thế giới có những góc nhìn khác về một sự kiện lịch sử? Rất nhiều người xem sẽ được học và được dạy về lịch sử qua điện ảnh.
Nếu chỉ nhìn nhận trên phương diện nghệ thuật, Oppenheimer có thể coi là một bước lùi thấy rõ của Nolan, nhưng nên coi nó như một lời biện minh, một lời sám hối với hàng trăm ngàn nạn nhân trực tiếp của dự án Manhattan, và của triệu mạng người sau khi bom đã nổ. Có thể trên thực tế, Oppenheimer chưa từng ân hận vì sáng tạo của mình đã gây ra cái chết thảm khốc của hàng triệu người, nhưng trong cuốn phim này, ông luôn bị ám ảnh và phải chịu quả báo về những gì mình đã gián tiếp gây ra.
Vậy nên nó rất xứng đáng với giải Oscar của điện ảnh Mỹ. Mọi thứ có lẽ đều hoàn hảo, ngoại trừ sự cố gây tranh cãi khi Robert Downey Jr. phớt lờ Quan Kế Huy trên sân khấu Oscar, mặc dù được Quan Kế Huy trao tượng vàng Oscar.
Phải chăng các diễn viên đã nhập vai quá sâu?
Bài viết: Thiên Lương
Đồ họa: Thanh Nga