Ôtô Trung Quốc mất bao lâu để phát triển một mẫu xe mới?

Thay vì mất 60 tháng như trung bình trên phạm vi toàn ngành, các hãng xe Trung Quốc chỉ cần 18 tháng để phát triển hoàn chỉnh một mẫu xe mới.

Trong quá khứ, nhiều người từng nhìn nhận những hãng xe Trung Quốc chỉ là kẻ bắt chước trong ngành công nghiệp ôtô thế giới. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, không ít hãng xe từ đất nước tỷ dân đang có được bước tiến nhanh chóng trên thị trường mà mức độ cạnh tranh ngày một khốc liệt.

Chuyên trang CarBuzz cho rằng cách thức một số nhà sản xuất ôtô Trung Quốc có thể rút ngắn thời gian phát triển xe, từ mức trung bình toàn ngành khoảng 60 tháng xuống chỉ còn 18 tháng, đang trở thành lợi thế không nhỏ.

Cuộc đua tốc độ

Những tên tuổi nổi bật của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc như BYD, Chery hay Zeekr đang thống trị thị trường nội địa, đồng thời tích cực tìm kiếm cơ hội ở quốc tế.

Phần lớn hãng xe Trung Quốc có thể phát triển rất nhanh chóng nhờ cách tiếp cận đột phá trong phát triển xe, đủ khiến các nhà sản xuất ôtô lâu năm phải ít nhiều kiêng dè.

Thông thường, những nhà sản xuất ôtô truyền thống như General Motors, Volkswagen hay Toyota có thể mất 4-5 năm để thiết kế, thử nghiệm và ra mắt mẫu xe mới. Vài dòng xe có thể ngốn nhiều thời gian hơn, dù bán tải là trường hợp ngoại lệ.

Theo CarBuzz, các mốc thời gian này phản ánh quá trình thường mất nhiều công sức và thời gian, bao gồm các thử nghiệm thực tế đầy đủ với nhiều nguyên mẫu khác nhau.

Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc dường như không dành nhiều thời gian cho tất cả quá trình trên. Theo một khảo sát của Reuters, nhiều hãng xe Trung Quốc đã thành công rút ngắn thời gian phát triển xuống chỉ còn 18 tháng cho ôtô hoàn toàn mới hoặc được thiết kế lại.

Lợi thế về tốc độ này xuất phát từ những thay đổi cơ bản trong triết lý của các hãng xe Trung Quốc. BYD hay Chery thường quan tâm nhiều hơn đến việc đưa sản phẩm ra thị trường càng sớm càng tốt, thay vì trải qua quá trình kiểm tra kỹ lưỡng để đạt đến sự hoàn hảo.

Chuyên trang CarBuzz nhận định các kỹ sư Trung Quốc xem loạt tiêu chuẩn của ngành công nghiệp ôtô toàn cầu là quá thận trọng. Họ chọn phương án tung ra một mẫu xe càng sớm càng tốt, sau đó điều chỉnh dựa trên phản hồi từ khách hàng. Cách làm này, theo CarBuzz, tương đồng với loạt công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon khi xử lý các sản phẩm phần mềm mới. Họ chỉ muốn tung sản phẩm ra thị trường và kiểm chứng độ hiệu quả.

Chiếc Omoda 5 của Chery được mang ra làm ví dụ. Theo CarBuzz, hãng xe Trung Quốc từng muốn giới thiệu mẫu SUV này đến thị trường châu Âu và chỉ mất 6 tuần để ra mắt một bản nâng cấp hoàn chỉnh, được trang bị hệ thống lái và hệ thống treo mới, phanh nâng cấp cũng như kiểm soát lực kéo.

Công nghệ là chìa khóa

Để đạt được mục tiêu, các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc sử dụng công cụ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo. Họ không quan tâm nhiều đến các nguyên mẫu vật lý hay thử nghiệm rộng rãi trên đường, thay vào đó dựa vào mô phỏng, thiết bị thực tế ảo để đẩy nhanh quá trình phát triển.

Zeekr là ví dụ điển hình. Đội ngũ kỹ thuật của hãng xe điện thuộc tập đoàn Geely sử dụng AI để nhanh chóng khai thác nguồn dữ liệu khổng lồ của Geely, bao gồm tài liệu thiết kế đã được tích lũy trong 20 năm. Từ đây, Zeekr có thể xác định những linh kiện có thể giúp tiết kiệm chi phí phát triển xe mới. Điều này giúp toàn bộ quá trình trở nên dễ dàng hơn, qua đó đẩy nhanh tốc độ.

Geely sau đó cho chạy loạt hệ thống mô phỏng để kiểm tra các thành phần như phanh, đèn xi-nhan trong thời gian ngắn kỷ lục, thay vì phải mất hàng tuần như nhiều nhà sản xuất ôtô truyền thống phải làm ở thế giới thực.

BYD thậm chí còn tiến xa hơn, đã tích hợp hoàn toàn AI vào quy trình thiết kế. Tập đoàn cũng tự sản xuất 75% linh kiện cho xe, khác với Tesla vốn cần phải mua ngoài khoảng 50% phụ tùng cho Model 3.

Cách tiếp cận này giúp loại bỏ đáng kể ảnh hưởng từ nhà cung cấp, đồng thời cho phép hãng xe xử lý các thay đổi ở thiết kế ngay tại giai đoạn cuối một cách hiệu quả.

Các hãng xe Trung Quốc cũng hưởng lợi nhờ chi phí lao động thấp hơn đáng kể so với châu Âu hay Mỹ. Ví dụ, BYD sở hữu đội ngũ nhân công khoảng 900.000 người, bằng tổng lượng nhân sự đang hoạt động của Toyota và Volkswagen. Theo CarBuzz, nhân viên BYD cũng có thể làm việc 12 tiếng mỗi ngày và 6 ngày mỗi tuần khi cần.

Cách vận hành theo chiều dọc, ít đầu mối trung gian tại các hãng xe Trung Quốc cho phép ra quyết định nhanh chóng hơn. Theo CarBuzz, ở phần lớn hãng xe phương Tây, việc phê duyệt thay đổi thiết kế có thể kéo dài hàng tháng, trái ngược với sự cấp tập và khá hiệu quả tại Trung Quốc.

Những hãng xe lâu đời như Toyota thường có quy trình cố định, phát triển nhiều nguyên mẫu để kiểm tra, đánh giá. Còn Trung Quốc áp dụng chiến lược đánh đổi rủi ro để đạt được thành công nhanh hơn, thường bỏ qua quá trình tạo nguyên mẫu thử nghiệm, thay vào đó sử dụng mô phỏng và điều chỉnh sau nếu cần thiết.

Dù vậy, chất lượng xe của các hãng Trung Quốc đã tiến gần hơn với những gì các đối thủ phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc làm được.

Nền tảng để vươn ra thế giới

Nhờ rút ngắn đáng kể thời gian phát triển một mẫu xe, các hãng ôtô Trung Quốc nhanh chóng bùng nổ trên thị trường nội địa. Doanh số của 5 nhà sản xuất ôtô Trung Quốc lớn nhất ghi nhận tăng trưởng gấp đôi tại quê nhà trong giai đoạn 2020-2024, song song với đà sa sút của Volkswagen và General Motors.

Từ nền tảng này, ôtô Trung Quốc đẩy mạnh phát triển ra phạm vi toàn cầu, dẫn đầu là Chery. Riêng trong năm 2024, tập đoàn này bán được 1,1 triệu xe tại 100 quốc gia, chiếm gần 50% tổng doanh số. BYD cũng sở hữu tham vọng tương tự, kỳ vọng một nửa doanh số của mình sẽ là ở các thị trường nước ngoài vào khoảng năm 2030.

Dù vậy, những rào cản thương mại đang ngăn cản tham vọng toàn cầu của loạt thương hiệu ôtô Trung Quốc. Mỹ gần như đã cấm hoàn toàn, còn châu Âu cũng áp dụng thuế quan cao, liên tục phàn nàn về các khoản trợ cấp “không công bằng” mà Trung Quốc dành cho xe điện.

BYD và các hãng xe đồng hương khó có thể đạt được mục tiêu nói trên nếu không tiếp cận được thị trường Mỹ. Để đối phó, Chery đang bắt đầu xây dựng nhà máy ở châu Âu, bao gồm liên doanh mới với Ebro ở Tây Ban Nha. Theo CarBuzz, động thái này cho phép Chery phát triển nhanh chóng tại lục địa già, đồng thời tránh được các mức thuế áp lên ôtô của hãng xe nước ngoài.

Tại Việt Nam, ôtô Trung Quốc cũng đang mở rộng nhanh về số lượng hãng xe và mẫu xe ra mắt, tuy nhiên doanh số vẫn ở mức hạn chế.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/oto-trung-quoc-mat-bao-lau-de-phat-trien-mot-mau-xe-moi-post1569082.html