Pakistan: Ngôi trường trên xe bus
Chính phủ Pakistan đang triển khai mô hình 'Trường học trên bánh xe' nhằm hỗ trợ trẻ em tiếp cận giáo dục.

Những chiếc xe buýt trở thành lớp học 'di động'.
Sáng kiến được đánh giá cao trong bối cảnh số lượng trẻ em không được đến trường tại Pakistan cao nhất thế giới.
Tính đến năm 2025, khoảng 26 triệu trẻ em Pakistan không được đến trường. Vì vậy, Thủ tướng Shahbaz Sharif đã phát động sáng kiến “Trường học trên bánh xe” (School on Wheels) với mục tiêu giúp trẻ em mẫu giáo có thể tiếp cận giáo dục miễn phí và thuận tiện hơn.
Hai chiếc xe buýt được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại như máy tính, bảng trắng thông minh và hệ thống làm mát, hoạt động tại các khu vực Tarnol và Nilore thuộc Islamabad, nơi trẻ em gặp khó khăn vì khoảng cách xa xôi, đói nghèo và thiếu cơ sở hạ tầng… Những chiếc xe này được trang trí tươi sáng, với cửa sổ vẽ chữ cái và hình ảnh vui nhộn, tạo nên một không gian học tập sinh động và hấp dẫn cho trẻ em.
Anh Jamal Ahmed, sống ở Nilore, chia sẻ: “Tôi là người làm công ăn lương và luôn muốn con mình được học hành, nhưng không đủ khả năng tài chính. Sáng kiến này đã mang đến cơ hội để con tôi học ngay tại nhà”. Tương tự, ông Munawar Khan, một phụ huynh ở Tarnol, cho biết con trai ông rất thích học trên chiếc xe buýt này, điều mà trước đây ông không thể làm được vì không có trường gần nhà.
Học sinh Sumera Bibi chia sẻ: “Em được học bảng chữ cái tiếng Anh, bảng chữ cái tiếng Urdu, số và tên màu. Em rất thích ngôi trường này và muốn trở thành giáo viên khi lớn lên”.
Đối với Bibi và nhiều trẻ em khác, “Trường học trên bánh xe” là cơ hội đổi đời, là chiếc chìa khóa mở ra tương lai tươi sáng hơn. Trong khi các trường tư thục hiện nay thu học phí rất cao, mô hình mới miễn phí và cung cấp các thiết bị học tập như vở viết. Phụ huynh chỉ cần đưa trẻ đến trường vào đúng giờ và không phải lo lắng về bất kỳ chi phí nào.
Cô Shadab Khan, người điều hành dự án, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là thuyết phục các phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của việc cho con em đến trường, đặc biệt ở các khu vực hẻo lánh.
Hiện tại, dự án này chưa thể giải quyết hoàn toàn vấn đề trẻ em không được đến trường ở Pakistan, nhưng nó chắc chắn đã tạo ra sự khác biệt cho 100 trẻ em, mang lại cho các em cơ hội được học hành và phát triển, mở ra một tương lai tươi sáng hơn”.
Mặc dù chỉ chi 2% GDP cho giáo dục, Pakistan đang thực hiện các biện pháp cần thiết để cải thiện hệ thống giáo dục, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Với những nỗ lực như “Trường học trên bánh xe”, chính phủ hy vọng có thể tạo bước tiến lớn trong việc thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa thành thị và nông thôn.
Nước này đồng thời nỗ lực mang lại cơ hội học tập cho tất cả trẻ em, bất kể hoàn cảnh gia đình. Sáng kiến, nếu được mở rộng, có thể là một phần của giải pháp giúp Pakistan cải thiện tình trạng giáo dục và xóa bỏ bất bình đẳng xã hội.
Ông Muhammad Nadeem - Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của Bộ Giáo dục Liên bang, cho biết: “Dự án hiện có hai xe buýt hoạt động và đang chuẩn bị mở rộng thêm năm xe nữa sau lễ Eid ul Adha. Chính phủ cũng đang tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ với Hội đồng Anh để bổ sung thêm 20 xe buýt hiện đại, đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ như “Right to Play” để cung cấp giáo viên.
Theo Deutsche Welle
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/pakistan-ngoi-truong-tren-xe-bus-post720163.html