Palestine: Gian nan tiến trình hòa giải
Cuối tháng 7/2023, trong bối cảnh xung đột Israel-Palestine không ngừng leo thang ở Bờ Tây, các phe phái chính trị khác nhau ở Palestine đã tiến hành cuộc họp tại thành phố El Alamein, Ai Cập nhằm tìm con đường chấm dứt chia rẽ.
Kết quả của cuộc gặp nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Nói một cách thực tế, chỉ một cuộc gặp kéo dài 4 giờ đồng hồ chắc chắn là không đủ để tháo gỡ mối tơ vò tồn tại từ năm 2007 sau các cuộc xung đột giữa phe ủng hộ lực lượng Hamas và phe hậu thuẫn Phong trào Giải phóng dân tộc Palestine (Fatah) - lực lượng chi phối chính quyền Palestine. Tuy vậy, việc các bên sau cuộc gặp thống nhất được việc hình thành “ủy ban hòa giải”, với những hứa hẹn về các cuộc đối thoại tiếp theo cũng đáng được xem là bước tiến nhỏ trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa các “chính phủ song song” của Hamas ở Dải Gaza và chính quyền Palestine quản lý Bờ Tây.
Mục đích của nỗ lực này được vị tổng thống 87 tuổi của Palestine Mahmoud Abbas nhấn mạnh là để tiếp tục đối thoại, hướng đến chấm dứt chia rẽ và đạt được sự thống nhất cho Palestine, cụ thể là “một quốc gia duy nhất, một hệ thống duy nhất, một luật duy nhất và một quân đội hợp pháp duy nhất”.
Ánh sáng le lói cuối đường hầm
Theo các thông tin ngay sau cuộc họp, thủ lĩnh chính trị của Hamas Ismail Haniyeh kêu gọi Tổng thống Abbas tổ chức một cuộc bầu cử càng sớm càng tốt. Ông Abbas đã đáp lại bằng lời hứa rằng một cuộc bầu cử sẽ diễn ra - nhưng chỉ khi người Palestine sống ở phía Đông Jerusalem có thể bỏ phiếu. Ông Abbas từng hủy bỏ cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2021 - cuộc bỏ phiếu dự kiến đầu tiên sau 15 năm - với lý do người Palestine sống ở phía Đông Jerusalem không thể tham gia. Tuy nhiên, cũng có những nhận định cho rằng động cơ thực sự đằng sau quyết định năm đó là lo ngại về khả năng Hamas đánh bại Fatah. Thực tế Hamas vẫn có khả năng giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc bầu cử nào được tổ chức ở thời điểm hiện tại.
Tín hiệu mới nhất cho những tia hy vọng trong khu vực là 2 tuần sau cuộc gặp tại Ai Cập giữa lãnh đạo Fatah và Hamas, ngày 15/8, Ủy ban Bầu cử trung ương Palestine (CEC) cho biết cơ quan này sẵn sàng tổ chức các cuộc bầu cử cấp thành phố ở Dải Gaza, rộng khoảng 360 km2, là nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người Palestine, nếu nội các Palestine ấn định thời điểm cụ thể, lưu ý "nội các có nhiệm vụ pháp lý để kêu gọi tổ chức theo luật bầu cử".
Trước đó một ngày, tại hội thảo được tổ chức tại Dải Gaza với sự có mặt của đại diện các phe phái Palestine và các tổ chức dân sự, lãnh đạo phong trào Hồi giáo Hamas Zakaria Abu Muammar bày tỏ hy vọng có sự đồng thuận và ủng hộ rộng rãi để tổ chức các cuộc bầu cử cấp thành phố ở Dải Gaza dưới sự giám sát của CEC. Đại diện Văn phòng Chính trị Hamas cũng khẳng định lực lượng này cam kết đảm bảo các cuộc bầu cử diễn ra một cách "tự do, công bằng và minh bạch", đồng thời tôn trọng kết quả bầu cử và ủng hộ mọi cá nhân thắng cử.
Đây là tín hiệu đáng mừng và phản ánh phần nào ý chí đồng điệu của Hamas và Chính quyền Palestine khi cùng lúc người phát ngôn Fatah ở Dải Gaza Munzer al-Hayek cho biết các cuộc bầu cử cấp thành phố là một nhu cầu cấp thiết để thay đổi các dịch vụ xã hội vốn đang trong tình trạng gặp nhiều khó khăn.
Con đường gập ghềnh
Theo nhiều nhận định, để một chính phủ đoàn kết thành hình, Hamas - một tổ chức của người Palestine có mối liên hệ với Tổ chức Anh em Hồi giáo, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp của người Palestine vào năm 2006, trở thành lực lượng cai trị trên thực tế ở Dải Gaza một năm sau đó - có thể phải nhượng bộ đáng kể, chẳng hạn như bàn giao quyền kiểm soát cửa khẩu biên giới Gaza-Ai Cập cho chính quyền Palestine và từ bỏ quyền kiểm soát một số tổ chức của Palestine ở Gaza. Hamas nhiều khả năng sẽ phản đối các bước đi này, khiến tương lai chính phủ đoàn kết khá mịt mờ.
Giới phân tích cho rằng, nếu không có một chiến lược chính trị trên nền tảng đồng thuận, cũng như các bên không thể tiến tới thành lập một chính phủ thống nhất đủ khả năng hoạt động và chấm dứt chia rẽ, các cuộc họp về “hòa giải” khó có thể coi là đạt bước đột phá về chất.
Theo thống nhất tại cuộc họp cuối tháng 7, ủy ban hòa giải sẽ bao gồm đại diện của tất cả các phe phái tham gia. Giữa Fatah và Hamas, mâu thuẫn dường như tồn tại trong hầu hết các vấn đề, do đó điều cần thiết đối với ủy ban này trong thời gian tới là xác định nguồn pháp lý và nền tảng làm cơ sở cho hoạt động. Khác biệt lớn nhất giữa 2 bên, được giới quan sát chung nhận định là nằm ở tầm nhìn và chiến lược khi một bên ủng hộ phản kháng vũ trang trong khi bên kia ủng hộ việc bảo vệ chính quyền và bác bỏ phản kháng vũ trang. Quan điểm về Israel cũng có thể là một khúc mắc đáng kể.
Nhiều cuộc họp tương tự từng được tổ chức tại Algeria, Saudi Arabia và Qatar nhưng không thu về kết quả thực chất. Đây cũng là lý do khiến giới phân tích không quá lạc quan về triển vọng sự kiện hồi cuối tháng 7, cảnh báo nguy cơ tất cả chỉ là “bổn cũ soạn lại”, trong bối cảnh chính quyền Palestine tìm cách cải thiện uy tín trong mắt người dân sau 18 năm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mahmoud Abbas.
Theo truyền thông ghi nhận, những diễn biến mới nhận về sự thờ ơ của công chúng, những người đã từng nhiều lần hy vọng, rồi lại chất chồng thất vọng sau khi các thỏa thuận hòa giải liên tục đi vào ngõ cụt khi nhanh chóng trở thành các cuộc tranh luận và buộc tội lẫn nhau, trong khi các bên một mặt thiếu ý chí, mặt khác toan tính nhiều ý tưởng mang đậm màu sắc bè phái, không sẵn lòng trả những cái giá nhất định để chấm dứt chia rẽ.
Cánh cửa mới mở ra sẽ tiếp tục rộng mở để đưa tới hòa bình và thống nhất cho các lực lượng Palestine hay lại một lần nữa đóng sập là điều khó nói trước ở thời điểm này. Tuy nhiên, nếu ước mơ không bị đánh thuế, tại sao lại không thử thêm một lần?