PAP đối mặt với thua lỗ kỷ lục, vốn hóa tăng nóng và tham vọng tỷ đô
Cảng Phước An (PAP) vừa công bố lỗ kỷ lục hơn 125 tỷ đồng quý 2/2025, nhưng quy mô tài sản và nợ vay lại phình to, đi cùng tham vọng lớn về cảng biển và khu công nghiệp.

Công ty Cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã chứng khoán: PAP) vừa công bố bức tranh tài chính quý 2/2025 với gam màu trầm khi khoản lỗ sau thuế lên tới hơn 125 tỷ đồng, chạm mức cao nhất từ trước đến nay. Mặc dù doanh thu đã bắt đầu được ghi nhận sau khi phân kỳ 1 cảng Phước An chính thức đi vào hoạt động cuối năm ngoái, nhưng dường như dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chưa đủ sức kéo lại các khoản chi phí khổng lồ.
Cụ thể, quý 2 đánh dấu quý thứ 3 liên tiếp PAP có doanh thu, đạt hơn 19 tỷ đồng, gấp đôi so với quý đầu năm. Thế nhưng, con số này trở nên nhỏ bé khi đặt cạnh giá vốn hàng bán lên tới 75 tỷ đồng và chi phí tài chính ngất ngưởng 61 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của PAP chỉ dừng ở mức gần 29 tỷ đồng, trong khi khoản lỗ đã phình to lên 248 tỷ đồng. Tính đến cuối quý 2, tổng lỗ lũy kế của PAP đã xấp xỉ 279 tỷ đồng. Đáng chú ý, kịch bản này đã được Ban Lãnh đạo công ty dự liệu từ trước khi đặt mục tiêu lỗ sau thuế cả năm 2025 gần 450 tỷ đồng. So với mục tiêu tổng doanh thu cả năm 150 tỷ đồng, công ty mới chỉ thực hiện được khoảng 25%.
Báo cáo tài chính của PAP cũng hé lộ một bức tranh khác khi quy mô tài sản tăng trưởng vượt bậc. Đến cuối tháng 6, tổng tài sản của công ty đã chạm ngưỡng 8.500 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Đi kèm với đó là sự gia tăng đáng kể của nợ phải trả, lên xấp xỉ 6.300 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.600 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ, hai khoản mục nổi bật là “phải trả ngắn hạn khác” tăng hơn 800 tỷ đồng lên 843 tỷ đồng và dư nợ dài hạn tăng hơn 900 tỷ đồng lên 3.900 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính năm 2024 đã kiểm toán, phần lớn nợ dài hạn đến từ khoản vay 3.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) - Chi nhánh Nhơn Trạch. Khoản vay này có lãi suất thả nổi (lãi cơ sở cộng biên độ 3,5-4%/năm) và được thế chấp bằng chính công trình và thiết bị tại cảng Phước An, với thời hạn trả gốc vào năm 2035.
Sự gia tăng nợ vay đi cùng với những biến động đáng chú ý trong tài sản của PAP. Lượng tiền và tương đương tiền tăng mạnh lên 457 tỷ đồng. Khoản “trả trước cho người bán ngắn hạn” cũng tăng thêm hơn 300 tỷ đồng, đạt 744 tỷ đồng. Đặc biệt, khoản “phải thu về cho vay ngắn hạn” lần đầu xuất hiện với số tiền 216 tỷ đồng.
Đồng thời, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tiếp tục tăng thêm 648 tỷ đồng, lên gần 3 ngàn tỷ đồng, cho thấy các dự án đầu tư vẫn đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên, tất cả những khoản mục tăng mạnh này đều chưa được thuyết minh cụ thể.
Với những khoản chi dự kiến trong năm 2025, PAP có kế hoạch chi hơn 1.500 tỷ đồng cho công tác xây dựng và khoảng 579 tỷ đồng để mua sắm thiết bị, cho thấy quyết tâm hoàn thiện các giai đoạn tiếp theo của dự án cảng.
Cảng Phước An hiện đang vận hành phân kỳ 1, bao gồm các bến container với công suất thiết kế 2.5 triệu TEU/năm. Tuy nhiên, tiềm năng của dự án còn lớn hơn nhiều. Theo quy hoạch tổng thể, cảng sẽ phát triển qua 3 phân kỳ, với tổng cộng 9 bến, chiều dài cầu bến hơn 2,800m, có khả năng đón tàu 4,500 TEU (khoảng 60,000 DWT), và tổng công suất thiết kế lên tới 5 triệu TEU/năm. Nằm ở thượng nguồn sông Thị Vải, thuộc xã Phước An, tỉnh Đồng Nai, vị trí này mang lại lợi thế chiến lược cho việc trung chuyển hàng hóa.
Sau khi phân kỳ 1 đi vào khai thác, PAP đã nhanh chóng đón chuyến tàu đầu tiên của hãng vận tải biển MSC. Đồng thời, công ty cũng đang tích cực xúc tiến thi công phân kỳ 2 và hoàn tất các thủ tục cần thiết cho phân kỳ 3.
Không chỉ dừng lại ở cảng biển, PAP còn có những đề xuất đầy tham vọng khi đầu tư vào khu công nghiệp Phước An giai đoạn 1, với quy mô 330ha và khả năng triển khai giai đoạn 2 với diện tích 225ha. Trong tương lai, khu phức hợp cảng này dự kiến sẽ tích hợp thêm bến thủy nội địa, nhằm mở rộng năng lực trung chuyển và hậu cần, tạo thành một trung tâm logistics đa phương thức quy mô lớn.

Diễn biến cổ phiếu PAP trong phiên giao dịch ngày 24/7
Trên sàn chứng khoán, bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ kỷ lục, cổ phiếu PAP lại có những diễn biến đầy bất ngờ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/7, mã này đã tăng tới 12.68%, đạt mức 32.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thanh khoản khá thấp khi chỉ có 7.800 đơn vị được giao dịch, tương đương 0.23 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong vòng 1 tuần qua, cổ phiếu PAP đã tăng tới hơn 20%.
Hồi tháng 5/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với PAP với tổng số tiền lên tới 327,5 triệu đồng.