Pelé - đứa trẻ gầy gò tham gia World Cup với cái chân đau

Cậu bé đen đúa và gầy gò lọt thỏm giữa các đồng đội cao to khi lần đầu tiên ra sân trong giải đấu.

Brazil đã may mắn khi giành được vé tham dự vòng chung kết World Cup năm đó. Ở lượt trận cuối trước Peru, họ đã giành chiến thắng khó nhọc nhờ một cú sút khiến bóng bay theo quỹ đạo hình trái chuối (banana kick) của Didi.

Cầu thủ 17 tuổi ở World Cup

Tranh luận đã nổ ra ở Brazil: Liệu một tài năng sớm phát triển như Pelé cần được đưa ra thử lửa ngay tại đấu trườngWorld Cup khắc nghiệt tại Thụy Điển, hay tốt hơn là nên để dành Pelé cho tới kỳ World Cup kế tiếp, năm 1962 ở Chile?

[…] Trớ trêu thay, trận đấu tập cuối cùng trước khi đội tuyển đến châu Âu là với chính câu lạc bộ Corinthians. Trận đấu này như thể cho Luisinho một cơ hội để khẳng định bản thân. Ở sân vận động Paecambu tại São Paulo, đội tuyển Brazil bị la ó khi bước ra sân. Trong trận, Luisinho bị Orlando kèm sát, và màn trình diễn của tuyển Brazil đã thuyết phục được một bộ phận khán giả ủng hộ Corinthians.

Khi Brazil dẫn trước 3-1, trong đó Pelé ghi bàn thắng thứ hai, cậu thực hiện một pha rê dắt thì bị chặn lại bởi pha tranh chấp ác ý của Ari Clemente. Đầu gối phải của Pelé bị trật khớp. Cậu cố gắng tiếp tục và muốn thực hiện quả đá phạt ngay sau đó, nhưng khi chân chạm vào trái bóng thì đầu gối xụi lơ.

 Bìa sách Pelé - Cuộc đời và thời đại.

Bìa sách Pelé - Cuộc đời và thời đại.

Trong phòng thay đồ, bác sĩ với vẻ mặt lo lắng và kỹ thuật viên massage áp dụng cách truyền thống: Chườm túi đá cho Pelé. Kỹ thuật viên massage là Mario Americo trò chuyện với cậu trong suốt thời gian đó. “Đừng lo lắng về cái đầu gối, nhóc à”, ông trấn an. “Để đó bố lo. Bố sẽ giúp con có thể rượt theo các cô gái sớm thôi”.

Nhưng mãi đến khi ngồi trên máy bay, Pelé mới tin rằng mình được tới Thụy Điển. Bác sĩ Hilton Gosling và Mario chắc chắn rằng cậu sẽ hồi phục kịp thời để đóng góp cho đội tuyển, và rõ ràng là họ đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro. […]

Pelé không ấn tượng với những thất bại trước đây của đội tuyển Brazil. Cậu không tự hào về thất bại của đội tuyển quốc gia trong trận chung kết World Cup 1950: “Được thi đấu ở chính đất nước mình, trên sân nhà, trước cổ động viên nhà và với đối thủ được xem là yếu hơn, nhưng họ đã bại trận một cách nhục nhã”. Còn màn trình diễn của họ 4 năm sau đó, tại Wolrd Cup 1954, thì tệ tới mức ‘chán chả buồn nói’! Dựa vào đó cậu kết luận rằng ở World Cup 1958, chẳng có ai mong đợi bất kỳ phép mầu nào từ họ.

Cậu bé đen đúa và gầy gò lọt thỏm giữa các đồng đội cao to khi lần đầu tiên ra sân trong giải đấu. Vào thời đó, chưa có những bản danh sách đội hình thi đấu được in ra và phát cho khán giả, nên cậu tin chắc là sẽ không có ai nhận ra mình là thành viên đội tuyển, cho đến khi cậu đứng vào hàng ngũ hát quốc ca với số 10 trên lưng áo.

Cậu nói đùa rằng hầu hết mọi người trên khán đài đều cho rằng cậu là linh vật (mascot) của đội tuyển hoặc là con trai một người bạn của huấn luyện viên trưởng: Cậu không thể là con trai của huấn luyện viên trưởng được, bởi ông ta là người da trắng! Cậu mường tượng tất cả các nhà báo và phát thanh viên của các đài phát thanh và truyền hình đều đang tra danh sách cầu thủ để xem thằng nhóc nào đang chơi ở vị trí trung phong, và nói rằng:

Tôi chắc chắn là một số người trên khán đài có đôi chút thích thú khi thấy một đứa trẻ ra sân trong một trận đấu ở World Cup. Nhưng vài người có thể nổi giận, khi một sự kiện quan trọng như trận đấu World Cup chỉ đáng làm trò cười khi để cho trẻ vị thành niên thi đấu. Những người đa cảm hơn lại cảm thấy thương hại cho đội bóng thiếu hụt tài năng tới mức phải mang... con nít đi theo. Mọi người hiểu rằng đội Brazil trẻ trung hơn so với các đội khác, song để một đứa nhóc ra sân thì quả là lố bịch. […]

Sự bình tĩnh lạ thường của cầu thủ trẻ

Dĩ nhiên, việc có mặt trong đội hình tham dự trận chung kết World Cup là khoảnh khắc tự hào nhất của cầu thủ trẻ Pelé:

Chỉ trong vòng bốn phút, Thụy Điển đã mở tỷ số trận đấu sau khi Liedholm đánh bại thủ môn Gilmar của Brazil bằng cú sút tầm thấp vào góc phải khung thành. Lần đầu tiên trong giải đấu, Brazil bị dẫn trước! Nhưng dự đoán của huấn luyện viên Thụy Điển, rằng bàn thắng dẫn trước sẽ hủy diệt các cầu thủ Nam Mỹ, đã không trở thành hiện thực. Thực tế thì nó đem đến tác dụng ngược lại. Chính Pelé nói rằng ông cảm thấy bình tĩnh lạ thường, một cảm giác rằng có thể kiểm soát đối thủ theo ý muốn.

 Pelé tại World Cup 1958.

Pelé tại World Cup 1958.

Quả thực, chỉ 5 phút sau Brazil đã gỡ hòa khi Garrincha vượt qua hai cầu thủ đối phương và tạt bóng cho Vava ghi bàn. Giờ đây Brazil là người cầm trịch trận đấu nhưng họ phải chờ rất lâu để có bàn thắng thứ hai. Một lần nữa, Garrincha lại bứt phá ở hành lang cánh rồi tạt bóng cho Vava ghi bàn. Brazil vượt lên dẫn trước.

Chính hiệp 2 là khoảng thời gian mà Pelé ghi dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử World Cup. Chỉ 10 phút sau khi hiệp 2 bắt đầu, ở thế quay lưng với khung thành, Pelé dùng đùi kiểm soát quả tạt tầm cao, tâng bóng qua đầu mình và hậu vệ người Thụy Điển, vặn người và dẫn bóng vòng qua trung vệ, rồi hoàn tất cơn lốc bứt phá bằng cú vô lê hạ gục thủ môn Svensson.

Trong 13 phút còn lại, Zagallo tả xung hữu đột trước hàng thủ và vượt qua bốn cầu thủ để ghi bàn thắng thứ tư tuyệt vời. Anh quỳ xuống sân, làm dấu thánh giá và rơi nước mắt vì sung sướng. Không khí lễ hội tại khán đài nơi người Brazil nhảy điệu samba đạt đến đỉnh cao mới. Rõ ràng là họ không hay biết về thông báo của Ban Tổ chức World Cup.

Dẫu Simonsson gỡ lại một bàn cho Thụy Điển dù có vẻ đã rơi vào thế việt vị, nhưng Pelé mới là người có tiếng nói cuối cùng. Nhảy lên đón quả tạt của Zagallo, cậu thực hiện cú đánh đầu hoàn hảo đưa bóng vượt qua tầm với của Svensson để ấn định chiến thắng 5-2 trong trận chung kết World Cup 1958.

Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên và Brazil đã là nhà vô địch thế giới, Pelé có “một cảm giác kỳ lạ như muốn ngất đi. Tôi cảm thấy hai đầu gối khuỵu xuống, và phải vươn người ra trước để ngăn cơ thể ngã vật xuống sân. Sau đó tôi được nhấc bổng lên, công kênh trên vai các đồng đội và diễu hành trên khắp mặt sân. Mọi người đều khóc. Nước mắt tuôn rơi khi tôi gào lên lạc cả giọng. Gilmar kiễng chân lên và ôm chặt lấy chân tôi: ‘Khóc tiếp đi nhóc (moleque), điều đó tốt cho cậu đấy’”.

Trích sách "Pelé, Cuộc đời và thời đại"

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/pele-dua-tre-gay-go-tham-gia-world-cup-voi-cai-chan-dau-post1065746.html