Peter Angry Birds: Người đi trên mặt nước
Peter Vesterbacka - nhà sáng lập hệ sinh thái trò chơi trực tuyến Angry Birds - là một người đi trên mặt nước, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nhà tỷ phú ngoài 50 tuổi này đang xây đường hầm xuyên biển nối liền hai quốc gia Phần Lan và Estonia, để hình thành một trung tâm gọi là Fin-Est (viết tắt tên của hai quốc gia, cũng có nghĩa là tốt nhất). “Ông áo mũ trùm đỏ” này chọn Việt Nam là nơi tạo dựng câu chuyện “Finest Futures”, để mở ra cánh cửa tương lai cho người trẻ Việt Nam.
Tỷ phú “lụi cụi”
Tôi gặp Peter Vesterbacka lần đầu tiên là ở hội nghị khởi nghiệp Surf năm 2019 tại Đà Nẵng. Không khó để nhận ra ông vì thương hiệu “áo mũ trùm đỏ” rất nổi bật trong đám đông. Lúc đó, Peter đang ngồi ăn tối một mình trong góc khách sạn, trên bàn vẫn còn tờ giấy ghi chú những điểm ông sẽ chia sẻ ở “đại hội võ lâm khởi nghiệp bên bờ biển” - một cách gọi vui mà chúng tôi tạo ra cho sự kiện này. Tôi tới chào, Peter ngẩng lên, và nói: “Hãy kể cho tôi nghe điều gì tôi chưa biết về người trẻ ở Việt Nam nói chung và ở miền Trung nói riêng chứ đừng nói chuyện của ban tổ chức”.
Tôi nhớ lại quang cảnh ở Slush - một hội nghị khởi nghiệp vượt qua tất cả các show của Mỹ để đưa Phần Lan lên vị trí số 1 của bản đồ đổi mới sáng tạo thế giới. Peter là nhà sáng lập của lễ hội này, vốn lấy theo cảm hứng của mùa đông Phần Lan: đen tối, lạnh và ẩm ướt. Gần 30.000 người từ khắp thế giới đến dự, hào hứng vỗ tay khi Peter nói chuyện “ngày hôm nay, mọi người hãy trải nghiệm cảm giác đi trên mặt nước, vì tất cả hồ nước đều đã đóng băng. Làm khởi nghiệp cũng vậy, chúng ta cần tìm ra một con đường mới, khác lạ, ngắn hơn nhưng cũng nhiều rủi ro hơn để dấn thân, như là đi trên mặt nước vậy. Và nhớ, là làm cho xong việc chứ không phải ngồi mơ mộng nhiều”.
Với vai trò là trưởng ban tổ chức Surf Đà Nẵng, tôi nói vài câu lịch sự về việc được truyền cảm hứng từ Slush. Ông ngừng ăn, quay lên, nhìn thẳng vô mắt tôi và nói: “Các quốc gia khác trên thế giới hay gọi mình là Silicon Valley của châu Á, châu Âu hay châu Phi. Và nó không đúng từ đầu khi cố gắng làm ra phiên bản của nước Mỹ. Tại sao không tìm ra một con đường riêng của mình. Surf là Surf, vì Đà Nẵng có biển và có thể lướt sóng được, những nơi khác không có, và người trẻ Đà Nẵng có những điểm khác biệt hơn nhiều. Và chúng ta nên dành thời gian trao đổi với nhau cụ thể về những việc có thể làm cho giới trẻ Việt Nam thì hơn. Vì chắc chắn tôi sẽ trở lại, và làm điều gì đó có ý nghĩa với vùng đất đặc biệt này”. Peter tiếp tục ăn trong im lặng. Tôi nghĩ ông cần không gian riêng để suy nghĩ về bài trình bày ngày mai, hoặc văn hóa Bắc Âu có phần lạnh lùng nên… đi chỗ khác chơi.
Điều thắc mắc duy nhất trong đầu, là liệu một doanh nhân siêu bận rộn như ông, với đủ mọi vai trò trên cuộc đời tới mức được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới, thì sẽ quay lại Việt Nam như thế nào. Nhưng tôi biết, ông sẽ quay lại, vì Peter là người nói là làm, và làm tới cùng, chứ không phải kiểu người thích ngoại giao.
Ông ăn xong, lụi cụi xếp chén dĩa cho gọn, rồi ra về, trước khi trở thành hiện tượng bùng nổ trong buổi nói chuyện với 2.000 người ở Surf ngày hôm sau. Thông điệp đơn giản mà thực dụng: “Cứ bắt tay làm những gì mình thích và giỏi, và làm cho xong. Sai thì sửa thôi, cuộc đời là một chuỗi những điều người khác không tin mình, khó khăn nối khó khăn. Nhưng tất cả các công ty khổng lồ thì đều có điểm bắt đầu nhỏ bé và đơn giản”.
Và người đi trên những đám mây
Một ngày cuối hè 2022, tôi gặp lại Peter Vesterbacka ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An tại Sài Gòn. Ông tới gặp hiệu trưởng các trường cấp 2 để giới thiệu các cơ hội đưa học sinh trung học sang Phần Lan học theo triết lý “learning by doing”. Ai mà không biết “học đi đôi với hành”, nhưng ông cười: phải thực hành rồi mới tự hiểu được điều mình cần học chứ. Ơ, hóa ra ông này vui tính phết chứ không quá lạnh lùng như thuở xưa. Ông nói nhiều về triết lý giáo dục của Phần Lan, là thứ rèn luyện tính tự lập của mỗi người từ nhỏ, và trước khi thay đổi thế giới, thì cần làm chủ bản thân mình, và đặc biệt là nghề nghiệp của mình, và tốt hơn là làm chủ giấc mơ của mình.
Xong ông phải rời đi sớm, vì có cuộc làm việc ở Hà Nội. Ông hẹn: “Chiều tối gặp lại nhau ở cuộc trò chuyện với khởi nghiệp nhé”. Đúng là ông không chỉ biết đi trên mặt nước mà còn đi mây về gió nữa, vì ông bảo: “Tôi muốn tận dụng tối đa các cơ hội tiếp xúc với người trẻ Việt Nam”.
Tối muộn, Peter vẫn mặc áo mũ trùm màu đỏ, ghé qua một không gian làm việc chung ở Thảo Điền, nơi có hơn năm mươi người trẻ đang đợi ông. Tôi cứ nghĩ đây là một danh sách khách mời được chọn lọc cẩn thận, hoặc phải bán vé siêu mắc. Hóa ra Peter chỉ tạo một sự kiện trên mạng, rồi ai tự tìm thấy thì tới thôi. “Tôi thích những người có khát khao và luôn sẵn sàng trước những cơ hội. Cơ hội chưa tới thì mình phải tự đi tìm!”, Peter nói.
Bất giác, tôi nhớ lại chuyện cô học trò nghèo ở Nghệ An tên Bambi Đặng, vượt tất cả chướng ngại cuộc đời để đến Phần Lan học, và tự tìm đến Peter với câu chuyện muốn đem cơ hội mà mình may mắn được hưởng của nền giáo dục Phần Lan về Việt Nam. Bambi Đặng giờ là đồng sáng lập doanh nghiệp của Peter, và là minh chứng của câu chuyện khát khao, tìm kiếm và làm chủ được giấc mơ của mình…
Không gian nhỏ, mọi người không biết nhau. Peter chia sẻ những điều rất thực chất chứ không phải “truyền cảm hứng”. Ông bảo niềm tin là thứ quan trọng. Trước đây không ai tin là thế giới này mỗi người đều cần một cái điện thoại di động vì điện thoại bàn và điện thoại công cộng đủ tốt rồi. Chính vì có những người đi ngược lại đám đông nên mới có Nokia của Phần Lan, mới có những Con chim giận dữ (Angry Birds) và có những người vượt lên khó khăn để trở thành những kỳ lân khởi nghiệp.
Rồi ông bảo các bạn khởi nghiệp lên trình bày ý tưởng. Ông phản biện, sắc sảo, đanh thép và không chút kiêng dè với việc phải “dội nước lạnh” vào những người đang hừng hực khí thế thay đổi thế giới. Phản biện xong, ông bảo: “OK, vậy giờ hãy cùng nghĩ xem chúng ta có thể làm gì để những ý tưởng khởi nghiệp này tốt hơn!”. Tôi lại chẳng kịp hẹn Peter đi uống bia, vì ông phải về chuẩn bị cho chuyến bay sang Châu Phi sáng sớm hôm sau. May mà Peter bảo: “Tuần sau xếp một lịch hẹn trực tuyến đi, rồi chúng ta sẽ cùng bàn luận làm sao để câu chuyện giáo dục hai nước có thể kết nối cụ thể, chặt chẽ và tạo ra những kết quả đơn giản mà thực dụng sớm nhất”.
Sức mạnh của niềm tin
Peter Vesterbacka sinh năm 1968. 24 tuổi bắt đầu làm việc tại tập đoàn Hewlett-Packard (HP), sau đó trở thành người sáng lập HP Mobile E-Services Bazaar - một chương trình đối tác sáng tạo toàn cầu.
Năm 2003, ông tổ chức một cuộc thi lập trình trò chơi trên thiết bị di động, 3 nam sinh viên Đại học Công nghệ Phần Lan đã giành giải nhất. Và đó là tiền thân của Rovio Entertainment, nơi sinh ra trò chơi Angry Birds.
Sau vô cùng nhiều lận đận vì không ai quan tâm, giờ đây, Angry Birds đã có gần 5 tỷ lượt tải và là thương hiệu trẻ nhất lọt vào top 10 thương hiệu giải trí được nhận diện nhiều nhất toàn cầu, cùng với các thương hiệu kinh điển khác như Walt Disney, Hello Kitty, Star Wars… Angry Birds là minh chứng cho việc một điều không thể đã biến thành có thể.
Peter hay kể về chuyện những ngày đầu tiên của Slush chỉ có vài trăm người vì biết ông mà tới, chuyện những buổi nói chuyện chỉ có 3/600 sinh viên muốn ra trường đi khởi nghiệp thay vì làm thuê cho các tập đoàn, chuyện 51 trò chơi đầu tiên mà ông làm ra đều chưa thành công cho tới khi Angry Birds - sản phẩm thứ 52 ra đời. “Tất cả đòi hỏi 2 yếu tố: chúng ta có niềm tin vào điều mình làm hay không, và chúng ta có thuyết phục được một đội ngũ cùng làm với mình hay không”.
Bài: Bung Trần - Ảnh: TLTG
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/peter-angry-birds-nguoi-di-tren-mat-nuoc-36331.html