Petrolimex kỳ vọng lợi nhuận phục hồi trong quý IV/2024
Kết quả kinh doanh của Petrolimex dự kiến sẽ phục hồi trong quý IV/2024, nhờ giá xăng dầu phục hồi 6% - 7% từ đầu tháng 10, hỗ trợ lợi nhuận cho công ty.
Kết thúc quý III/2024, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (HoSE: PLX) ghi nhận doanh thu thuần đạt 64.300 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh việc doanh thu sụt giảm, các chi phí như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 7% và 25% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong quý III năm nay, Petrolimex không còn ghi nhận khoản lãi gần 650 tỷ đồng do thoái vốn tại ngân hàng PGBank.
Sau quý III, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt đạt gần 130,5 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 82% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng chỉ đạt 66 tỷ đồng, giảm đến 91% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý có lợi nhuận thấp nhất trong vòng 2 năm qua của “ông lớn” ngành kinh doanh xăng dầu này.
Trong quý III/2024, doanh thu giảm 11,2% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 82% so với cùng kỳ xuống còn 130 tỷ đồng chủ yếu do mảng xăng dầu do giá dầu đã giảm hơn 15% trong giữa tháng 7 và tháng 9.
Ngoài ra, lợi nhuận từ hoạt động của một số lĩnh vực kinh doanh khác của Tập đoàn không thuận lợi, nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh dẫn đến lợi nhuận từ các công ty con kinh doanh các ngành hàng nhựa đường, hóa chất... trong quý III hiệu quả giảm so với cùng kỳ. Giá cổ phiếu bị điều chỉnh mạnh gần đây cũng phản ánh tình hình của kết quả sản xuất kinh doanh quý III.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Petrolimex dự kiến sẽ phục hồi trong quý tới, nhờ giá xăng dầu phục hồi 6% - 7% từ đầu tháng 10, hỗ trợ lợi nhuận cho công ty trong quý IV/2024. Sang năm 2025, dự báo lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp cũng sẽ tăng nhờ sản lượng bán lẻ tăng. Những tác động từ Nghị định mới về Kinh doanh xăng dầu chưa thể tính toán vào lợi nhuận vào thời điểm này.
Sản lượng bán lẻ xăng dầu duy trì tăng trưởng bền vững. Sản lượng nội địa của PLX tăng 0,4% so với cùng kỳ, nhưng sản lượng bán lẻ tăng mạnh hơn nhiều với mức tăng 6,6%.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, sản lượng nội địa tăng 1% so với cùng kỳ lên 7,83 triệu tấn trong khi sản lượng bán lẻ tăng với tốc độ cao hơn là 4,1%, đạt 5,48 triệu tấn, chiếm 70% tổng sản lượng nội địa và phù hợp với mức tăng của toàn thị trường (Theo thống kê của Bộ Công Thương, tiêu thụ xăng dầu nội địa tăng 4% trong 8 tháng đầu năm 2024).
Mảng xăng dầu ghi nhận khoản lỗ 85 tỷ đồng trong quý vừa qua so với lợi nhuận 483 tỷ đồng cùng kỳ 2023 và 1,06 nghìn tỷ đồng trong quý II/2024 là do giá dầu giảm hơn 15% từ tháng 7 đến tháng 9; chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày từ tháng 11/2023 dẫn đến tác động lớn hơn của biến động giá dầu lên biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngoài ra, khi giá dầu giảm, các đầu mối thường tăng chiết khấu thương mại cho các nhà bán lẻ để giảm tồn kho, do vậy cũng góp phần làm giảm biên lợi nhuận.
Ngược lại, lợi nhuận mảng nhiên liệu bay phục hồi 40 tỷ đồng so với cùng kỳ. Điều này là do biên lợi nhuận mảng này đã bị ảnh hưởng kém tích cực trong năm 2023 khi nhu cầu nhiên liệu bay phục hồi nhanh hơn dự kiến, khiến Petrolimex phải tăng mua nguyên liệu đầu vào tại mức giá giao ngay, thường cao hơn giá hợp đồng.