Petrovietnam thắng kiện vụ tranh chấp quốc tế như thế nào?

Cùng với hội nhập, tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài ngày càng tăng lên. Nhiều vụ tranh chấp thương mại đã được xử lý bằng cơ chế được cho là công cụ giải quyết 'kín tiếng', không gây tổn hại đến hình ảnh, uy tín của các bên – cơ chế trọng tài. Điển hình có thể kể đến là vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã thắng kiện trong một tranh chấp với đối tác quốc tế.

Các yêu cầu khởi kiện chống lại PVN bị bác toàn bộ

Petrovietnam (PVN) vướng vào tranh chấp lớn về ưu đãi thuế theo hợp đồng phân chia sản phẩm liên quan đến một mỏ dầu khí ngoài khơi Việt Nam. Vụ tranh chấp trên của PVN xoay quanh lập luận của các nguyên đơn là họ ngầm định được hưởng một số ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, mặc dù các ưu đãi đó chưa từng được bàn đến trong các vòng đàm phán và cũng không được quy định trong hợp đồng phân chia sản phẩm hay giấy chứng nhận đầu tư có liên quan.

Để giải quyết vấn đề này, PVN và nguyên đơn đã đưa vụ việc ra trọng tài quốc tế. Luật sư của PVN trong vụ kiện trọng tài này là Shearman & Sterling LLP (thành viên văn phòng Paris: Giáo sư Emmanuel Gaillard và Tiến sĩ Yas Banifatemi) và YKVN (thành viên văn phòng Singapore: luật sư Đặng Khải Minh và cố vấn văn phòng Singapore: luật sư Đỗ Khôi Nguyên).

Một Hội đồng Trọng tài quốc tế được thành lập theo Quy tắc Tố tụng trọng tài của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) gồm các trọng tài viên hàng đầu thế giới là ông Gary Born (Chủ tịch Hội đồng Trọng tài), ông David A.R. Williams QC và ông Yves Derains. Trong quá trình cân nhắc vấn đề để đưa ra phán quyết, Hội đồng Trọng tài nhất trí với quan điểm của PVN là luật Việt Nam đưa ra “một cách tiếp cận vấn đề linh động và đa dạng, phù hợp với quyền lợi thương mại hợp lý của Chính phủ Việt Nam và các công ty dầu khí quốc tế”.

Hội đồng Trọng tài xét thấy rằng, trong vụ tranh chấp này, các nguyên đơn không thể được hưởng các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp vì các ưu đãi thuế đó chưa từng được các bên đàm phán và không hề được các cơ quan chức năng Việt Nam phê duyệt. Hội đồng Trọng tài chỉ rõ việc nhà thầu “đã được đối xử một cách không thay đổi trong suốt khoảng thời gian có liên quan” và cách đối xử đó theo đúng những gì các bên tham gia ký kết hợp đồng ban đầu kỳ vọng.

Trong phán quyết trọng tài ban hành ngày 22/5/2015, Hội đồng Trọng tài đã bác bỏ toàn bộ các yêu cầu khởi kiện chống lại PVN và buộc các nhà thầu nguyên đơn phải bồi hoàn toàn bộ phần phí trọng tài mà PVN đã ứng trước.

Lãnh đạo PVN khi ấy khẳng định: “Phán quyết này công nhận Petrovietnam luôn luôn sẵn sàng đàm phán với đối tác và thiện chí của Petrovietnam luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ nhà thầu nước ngoài trong quá trình làm việc với các cơ quan chức năng Việt Nam. Phán quyết của Hội đồng Trọng tài cũng xác nhận việc các hợp đồng phân chia sản phẩm Việt Nam phải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên và đúng theo các điều khoản hợp đồng có liên quan”.

Xu hướng phổ biến nhưng còn xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam

Việc sử dụng công cụ giải quyết tranh chấp kinh tế “kín tiếng” (các phiên họp giải quyết tranh chấp thường tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận) thông qua trọng tài đã giúp PVN thắng kiện, đồng thời tránh làm tổn hại danh tiếng của các bên.

Trọng tài là hình thức tố tụng phổ biến với các nhà đầu tư nước ngoài và thương trường quốc tế. So với hệ thống xét xử tư pháp tòa án truyền thống, trọng tài thương mại có một số điểm nổi bật. Cụ thể, tạo cho các bên cơ hội lựa chọn một diễn đàn “tài phán trung lập” để giải quyết tranh chấp cho mình. Theo đó, cơ chế này không bị tác động bởi các cơ chế hành chính, yếu tố văn hóa, chính trị, xã hội hay tập quán địa phương như khuôn khổ của một vụ tranh chấp tại tòa quốc gia. Phương thức giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại thường linh hoạt, phụ thuộc vào sự thỏa thuận. nên giảm tính thiên vị giữa các đương đơn.

Không những thế, các bên có quyền lựa chọn trọng tài viên có năng lực, phù hợp với vụ việc của mình. Ngày nay, đội ngũ trọng tài viên thường được chỉ định từ các chuyên gia uy tín đầu ngành trong và nước ngoài, có chuyên môn phù hợp vấn đề tranh chấp. Vì vậy, việc lựa chọn chuyên gia đủ công tâm, năng lực là điều các nhà đầu tư có thể kiểm soát được, thay vì bị động hơn nếu tham gia thủ tục tố tụng tại hệ thống tòa án. Thực tiễn cho thấy, chọn được một trung tâm trọng tài uy tín và lập được một hội đồng trọng tài tốt thì đã góp phần lớn vào việc kỳ vọng có một kết quả giải quyết chung thẩm tốt.

Đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư, thời gian là yếu tố tiên quyết trong kinh doanh. Quy trình giải quyết tại trọng tài có thủ tục nhanh, gọn hơn so với tòa án. Quyết định trọng tài có tính chung thẩm, không có thủ tục kháng cáo, kháng nghị như thủ tục tố tụng tại tòa án. Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), thời gian trung bình giải quyết một vụ tranh chấp là 153 ngày, có những vụ được giải quyết chỉ trong 25 – 30 ngày, nhanh hơn rất nhiều so với thời gian giải quyết tranh chấp lên tới 2 năm hoặc kéo dài hơn trong thực trạng án quá tải ở các hệ thống tòa án hiện nay.

Đặc biệt, giải quyết tranh chấp tại trọng tài giúp các bên giữ được bí mật kinh doanh cũng như uy tín trên thương trường. Nguyên tắc xét xử kín bởi trọng tài giúp bảo đảm tối đa việc giữ uy tín, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, nguyên tắc chung của xét xử tại tòa án là công khai. Đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp FDI, cơ chế xét xử kín được coi là có lợi và hỗ trợ hơn cho doanh nghiệp, còn việc xét xử công khai tạo ra nhiều rủi ro hơn về bảo mật thông tin và uy tín trên thị trường…

Hòa vào xu hướng của thế giới, Việt Nam cũng đã xây dựng và ban hành Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Mục tiêu hàng đầu của Luật Trọng tài thương mại là tạo một cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án thuận lợi cho các bên tham gia các hoạt động thương mại, đầu tư, khuyến khích việc giải quyết tranh chấp thông qua hệ thống trọng tài, qua đấy giảm tải công việc cho hệ thống tòa án. Luật Trọng tài thương mại được kỳ vọng khi ban hành sẽ thu hút khoảng 800 vụ tranh chấp được giải quyết bằng hệ thống trọng tài hàng năm, góp phần giảm tải khoảng 10% số lượng tranh chấp kinh tế, thương mại cho hệ thống tòa án vào năm 2015.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy phương thức trọng tài còn xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong 4 năm đầu thi hành Luật (từ năm 2011 đến 30/6/2015), các Trung tâm trọng tài đã thụ lý 879 vụ việc và đã ban hành 586 phán quyết trọng tài, rất ít so với nhu cầu của thực tiễn trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại.

Thống kê gần đây cho thấy, cả nước mới có 22 Trung tâm Trọng tài thương mại, trong đó “thâm niên” nhất chính là VIAC bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được thành lập năm 1993. Tuy ngày càng được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tin tưởng lựa chọn nhưng số lượng giải quyết các vụ tranh chấp chưa nhiều khi từ năm 2013 trở về trước chưa năm nào vượt qua con số 100. Bắt đầu từ năm 2014 thì dần khởi sắc hơn, cụ thể năm 2014 giải quyết được 124 vụ, năm 2015 giải quyết được 146 vụ, năm 2016 cao nhất là được 156 vụ và năm 2017 là 151 vụ.

So với hàng chục nghìn vụ/năm của các Trung tâm trọng tài lớn trong khu vực và trên thế giới như Trung tâm Trọng tài Singapore (SIAC) hoặc Trung tâm Trọng tài Hồng Kông (HIAC), rõ ràng số vụ việc mà VIAC và các Trung tâm Trọng tài giải quyết còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của Trung tâm và nhu cầu giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài. Ngược lại, việc giải quyết tranh chấp tại tòa án luôn ở mức quá tải. Giải quyết nghịch lý này càng khẳng định đã đến lúc cần có biện pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả hoạt động trọng tài thương mại để hoạt động này được các cơ quan, ban, ngành ủng hộ, được cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng bởi hoạt động trọng tài thương mại vẫn được kỳ vọng góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh của Việt Nam./.

Hoàng Thư

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/cau-chuyen-phap-luat/petrovietnam-thang-kien-vu-tranh-chap-quoc-te-nhu-the-nao-476136.html