Petrovietnam và PV GAS với chiến lược tiêu thụ LNG trong 'Hành trình năng lượng xanh'
Ngày 9/11, Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp (TT&VHDN) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã phối hợp với Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tổ chức buổi tọa đàm về thị trường tiêu thụ LNG tại Kho cảng PV GAS Vũng Tàu (KCTV) – tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chủ trì buổi tọa đàm, có đồng chí Trần Quang Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Petrovietnam và ông Huỳnh Quang Hải, Phó Tổng Giám đốc PV GAS.
Tham gia buổi tọa đàm có các đồng chí lãnh đạo Ban TT&VHDN, phụ trách công tác truyền thông - hợp tác báo chí và văn hóa doanh nghiệp Petrovietnam; Lãnh đạo đơn vị và các ban chuyên môn PV GAS và Công ty Chế biến khí Vũng Tàu (KVT). Gần 30 lãnh đạo, nhà báo đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước cũng tham gia buổi tọa đàm.
Buổi tọa đàm là dịp gặp gỡ báo chí đặc biệt, khi PV GAS vừa hoàn thành Lễ khánh thành Công trình Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải, là sự kiện mang ý nghĩa quan trọng, tạo khí thế mới để PV GAS bước sang một trang phát triển mới trong “Hành trình năng lượng xanh”.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Quang Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Trưởng ban TT&VHDN Petrovietnam khẳng định, năm 2023 là thời điểm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đón nhận nhiều sự kiện lớn, chào mừng Ngày Truyền thống ngành Dầu khí 27/11 với những thông tin đặc biệt, xác định chiến lược xây dựng tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia, có vị thế chủ lực tại Việt Nam, khu vực và quốc tế. Hiện thực hóa ước mơ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt “viên gạch” đầu tiên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang khẳng định chuỗi giá trị Văn hóa Dầu khí bằng rất nhiều nỗ lực ngày đêm, ở mỗi công trình dự án, mà PV GAS và Công trình Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải là một điển hình tuyệt vời, biểu tượng tiên phong thực hiện chiến lược năng lượng xanh.
Trưởng Ban Truyền thông & Văn hóa Doanh nghiệp Trần Quang Dũng mong muốn cuộc tọa đàm chính là cuộc trao đổi cụ thể, chân tình và thẳng thắn, với thiện chí và ý thức đồng hành cùng truyền thông, vì sứ mệnh quốc gia, vì đất nước và cộng đồng trong thời điểm lịch sử, mở đầu trang năng lượng mới.
Tại buổi tọa đàm, PV GAS đã giới thiệu phim về sự kiện khánh thành Kho LNG, giới thiệu về hoạt động sản xuất kinh doanh của PV GAS trong năm 2023, tổng thể công tác quản lý vận hành Kho cảng PV GAS Vũng Tàu và cung cấp các thông tin chi tiết về Kế hoạch của PV GAS phát triển chuỗi giá trị LNG trong tương lai.
Theo đó, ông Lê Tất Thắng – Giám đốc Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu đã giới thiệu chi tiết về chức năng, nhiệm vụ của Kho cảng PVGAS Vũng Tàu cũng như cơ sở hạ tầng, những ứng dụng khoa học kĩ thuật hiện đại trong việc điều hành, điều khiển hệ thống vận hành Kho cảng để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình thực hiện việc nhập khẩu, phân phối LNG. Đây là tổng kho LPG lớn nhất cả nước; sở hữu một hệ thống cảng biển nước sâu rất đặc biệt; hiện là nơi được tiếp nhận, quản lý và vận hành công trình Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải.
Cũng tại tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc PV GAS Huỳnh Quang Hải đã chia sẻ cả một chặng đường nỗ lực và gian khó để PV GAS thực hiện nhiệm vụ đưa LNG về phục vụ đất nước. Thay mặt Ban lãnh đạo PV GAS, Phó Tổng Giám đốc khẳng định: Trong 10 tháng đầu năm 2023, vượt qua những khó khăn và thử thách, PV GAS đã duy trì toàn bộ các hệ thống công trình khí vận hành an toàn, hiệu quả, mọi hoạt động diễn ra liên tục; đặc biệt các chỉ tiêu tài chính đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, trong đó lợi nhuận và nộp ngân sách đã về đích trước 4-6 tháng.
Theo đó, trong 10 tháng năm 2023, PV GAS đã cung cấp trên 6,1 tỷ m3 khí khô, bằng 97% kế hoạch 10 tháng, góp phần giải quyết nhu cầu khí cho sản xuất điện, đáp ứng đáng kể nhu cầu điện giai đoạn cao điểm mùa khô. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của PV GAS đạt 12 nghìn tỷ đồng, bằng 178% kế hoạch 10 tháng và hoàn thành kế hoạch cả năm 2023.
Bên cạnh đó, sản xuất và cung cấp trên 71 nghìn tấn condensate, vượt 12% kế hoạch 10 tháng; sản xuất và kinh doanh trên 2 triệu tấn LPG (xuất khẩu, kinh doanh quốc tế trên 700 nghìn tấn), vượt 38% kế hoạch 10 tháng (về đích trước kế hoạch năm 3 tháng). Đồng thời, tiếp tục duy trì lượng khí cung cấp để sản xuất gần 10% sản lượng điện, 70% sản lượng phân đạm và đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước.
Tính đến hết tháng 10/2023, doanh thu toàn Tổng công ty đạt trên 95 nghìn tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch 10 tháng; doanh thu hợp nhất đạt trên 77 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch 10 tháng; lợi nhuận trước thuế đạt trên 12 nghìn tỷ đồng, vượt 78% kế hoạch 10 tháng; nộp ngân sách Nhà nước trên 5 nghìn tỷ đồng, vượt 62% kế hoạch 10 tháng (trong đó, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách đã về đích trước 4-6 tháng).
Trao đổi chi tiết về việc đầu tư hạ tầng cơ sở cho Công trình Kho cảng LNG Thị Vải, ông Huỳnh Hải cho biết, hiện nay, giai đoạn 1 của Công trình Kho cảng LNG Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành và giai đoạn 2 sẽ sớm được triển khai nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm.
PV GAS cũng đang đầu tư xây dựng Kho cảng LNG Sơn Mỹ tại tỉnh Bình Thuận với công suất dự kiến khi hoàn thành giai đoạn 1 là 3,6 triệu tấn LNG/năm và nâng công suất lên đến 10 triệu tấn LNG/năm cho cả 2 giai đoạn. Cơ sở hạ tầng LNG của PV GAS sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu năng lượng cho khu vực Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ trong tương lai.
Ngoài ra, PV GAS sẽ tiếp tục xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng và hệ thống vận chuyển LNG theo mô hình “Kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub) cung cấp nguồn khí tái hóa cho các Trung tâm Nhiệt điện khí vệ tinh trên toàn quốc” với cả 3 khu vực trọng yếu trong hệ thống năng lượng quốc gia (công nghiệp khí và công nghiệp điện) bao gồm: Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Bắc Bộ/Bắc Trung Bộ, sẽ kết nối đồng bộ với hệ thống đường ống vận chuyển khí tái hóa/hệ thống vận chuyển LNG đường biển và hệ thống cung ứng LNG (đường biển/sông, đường bộ) đến các hộ tiêu thụ/trung tâm điện lực.
Là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay, đủ điều kiện xuất nhập khẩu và kinh doanh LNG, nhận những trọng trách Tập đoàn giao phó, PV GAS đang đứng trước những thách thức lớn về thời gian và vấn đề cơ chế chính sách trong quá trình phát triển chiến lược LNG, thực sự tạo nên “Hành trình năng lượng xanh” hiệu quả và đột phá.
Phó Tổng giám đốc PVGAS Huỳnh Quang Hải cũng chia sẻ rằng, PV GAS cùng với các nhà máy điện đã và đang cùng kiến nghị về nội dung như: cần có cơ chế chuyển ngang bao tiêu khối lượng khí và giá khí LNG tái hóa cùng với các quy định cụ thể về cấp có thẩm quyền phê duyệt nguyên tắc xác định giá LNG nhập khẩu, cước phí vận chuyển khí, tồn trữ, phân phối LNG,...Việc “đồng thanh” đề xuất này thể hiện sự đồng hành của PVGAS và các nhà máy điện.
Buổi tọa đàm chính là cơ hội trao đổi cởi mở, thiện chí giữa doanh nghiệp và báo chí; cung cấp những thông tin xác thực để các bên cùng đồng lòng đưa ra một tiếng nói chung, hỗ trợ phát triển Chiến lược năng lượng xanh của Tập đoàn, phù hợp với các cam kết của Chính phủ tại COP26; cùng tham gia đề xuất những hướng đi hữu hiệu cho sự nghiệp phát triển năng lượng nước nhà.
Ngay sau buổi tọa đàm, các phóng viên, nhà báo đã tham gia buổi thực tế công trình, tiếp tục trao đổi chuyên môn và chia sẻ niềm vui cùng Petrovietnam và PV GAS trước công trình Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải – công trình mở đầu Hành trình LNG Việt Nam. Từ đó thấy được sự sôi sục không khí chuyển dịch năng lượng tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, để thấy những chuyển dịch nhiều năm, chuẩn bị nhiều năm và tới năm 2023, với những nỗ lực không ngừng đã mang đến những thành quả bước đầu hiện hữu, nhìn thấy, chạm vào…chứ không chỉ còn nằm trên giấy.