Petrovietnam và Viettel trao đổi hợp tác về lĩnh vực chuyển đổi số và triển khai điện gió ngoài khơi
Chiều 26/7, tại Hà Nội, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) về chương trình hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS) và triển khai điện gió ngoài khơi (ĐGNK).
Tham dự buổi làm việc, về phía Petrovietnam có đồng chí Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn; đồng chí Trần Bình Minh - Thành viên Hội đồng thành viên; đồng chí Lê Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc; cùng lãnh đạo các Ban/Văn phòng Tập đoàn, các đơn vị thành viên: Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro), Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PETROCONs); Công ty Cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn - BSR.
Về phía Viettel có Đại tá Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc; Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam - Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc; cùng đại diện lãnh đạo chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tập đoàn.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 bên đã giới thiệu khái quát về tiềm năng, thế mạnh của hai Tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước. Petrovietnam và Viettel cùng hình thành bởi lực lượng nòng cốt là quân đội. Trải qua 30 năm hình thành, phát triển, đến nay Viettel đã trở thành thương hiệu công nghiệp - công nghệ viễn thông lớn nhất Việt Nam, đồng thời là thương hiệu Việt Nam duy nhất có tên trong TOP 500 thương hiệu lớn nhất thế giới, giá trị thương hiệu viễn thông đứng số 1 Đông Nam Á, số 9 khu vực châu Á và thứ 17 trên toàn thế giới.
Hiện nay, Viettel được biết đến là doanh nghiệp tiên phong khi đã và đang có những hành động cụ thể trong từng mục tiêu và có đóng góp quan trọng vào chiến lược CĐS quốc gia.
Petrovietnam là Tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước, hàng năm nộp ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng từ 9-11% tổng thu ngân sách chung của cả nước, chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Trải qua 62 năm hình thành và phát triển Petrovietnam luôn gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược năng lượng quốc gia, chiến lược biển Việt Nam bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Trong lĩnh vực phát triển ĐGNK, Petrovietnam và các đơn vị thành viên có nhiều thuận lợi, thế mạnh để có thể đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện một số dự án ĐGNK, tận dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có về cơ sở vật chất và nhân sự chuyên môn hóa để thiết kế, chế tạo các cấu kiện, thiết bị cho ngành Dầu khí, có thể sử dụng cho ĐGNK, đơn cử như chân đế hay trạm biến áp các dự án điện gió ở nước ngoài mà PTSC đã và đang triển khai. Ngoài ra, việc vận hành và bảo dưỡng các trạm ĐGNK Petrovietnam hoàn toàn có khả năng đảm đương được bởi kinh nghiệm, các giàn khai thác dầu khí được đánh giá có độ phức tạp hơn các trạm ĐGNK.
Trong thời gian qua, hai bên đã tích cực phối hợp để triển khai từng hạng mục của Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2019-2020 và kế hoạch hợp tác giai đoạn 2021-2023, bước đầu đạt được những kết quả khả quan về lĩnh vực CĐS như: Xây dựng và hoàn thành dự thảo chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin cho Petrovietnam giai đoạn 2020-2023 và tầm nhìn đến 2030; Khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án, xác định phạm vi và lộ trình triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; Từng bước triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản trị tại khối Cơ quan Tập đoàn;...
Qua buổi làm việc, lãnh đạo hai bên đã bày tỏ sự nhất trí về các vấn đề được đưa ra trong việc triển khai ĐGNK và lĩnh vực CĐS, qua đó phát huy thế mạnh của mỗi bên, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ, đưa ra các mục tiêu cụ thể triển khai trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại chuyến thăm, làm việc của đoàn công tác Petrovietnam tại trụ sở Viettel: