PGĐ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Phải chấp nhận Tết khác bình thường vì COVID-19
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư nhận định, hiện nay, có thể phải chấp nhận đón một cái Tết khác với bình thường để bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.
Giãn cách cá nhân là quan trọng
Sáng 11/11, chia sẻ tại tọa đàm “Kịch bản nào đón Tết giữa mùa dịch?” do báo Đại Đoàn Kết tổ chức, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư chia sẻ, liên quan đến việc phòng, chống dịch COVID-19, chúng ta đã bàn nhiều đến chuyện phong tỏa, giãn cách, nhưng kể cả các đơn vị thực hiện cũng không hẳn ai cũng hiểu rõ bản chất của virus này.
"Virus này chỉ lây từ người này sang người khác nếu có tiếp xúc gần. Mấu chốt của việc phòng bệnh là giãn cách, làm thế nào để giảm việc tiếp xúc giữa người với người càng xa càng tốt thì số ca bệnh sẽ không bùng phát", ông Cấp nói.
Theo ông Cấp, biện pháp phong tỏa nhằm mục đích ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ vùng này sang vùng khác. Khi dịch bệnh chưa có trong cộng đồng chỉ có ở một địa phương, khu vực thì biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế tối đa lây lan ra chỗ khác. Tuy nhiên, khi đã có các ca cộng đồng ở nhiều nơi thì biện pháp tối ưu nhất là nâng cao nỗ lực thực hiện giãn cách cá nhân chứ không phải phong tỏa. Các cá nhân thực hiện giãn cách theo khuyến cáo của Bộ Y tế là biện pháp 5K. Đấy là biện pháp cơ bản giúp dịch bệnh không lây lan.
Liên quan đến độ hiệu quả của vắc xin COVID-19, ông Cấp cho biết, những người được tiêm 1 mũi sẽ giảm 50- 60% nguy cơ lây nhiễm, được 2 mũi giảm đến 80% nguy cơ. Những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nếu không may mắc bệnh thì nguy cơ diễn biến bệnh nặng giảm đến 70%- 80%, thậm chí lên đến 90%. Việc phòng bệnh, điều trị số ca tăng bệnh nặng cũng sẽ giảm đi 10 lần.
"Đây là yếu tố giúp chúng ta tự tin, khi đã phủ vắc xin rồi, dù đội ngũ y tế mỏng nhưng vẫn có thể đối mặt với mức độ bệnh nhân nhiều hơn", ông Cấp nói.
Ông Cấp cho rằng, người dân cần đảm bảo thực hiện tốt khuyến cáo 5K để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Việc thực hiện giãn cách cá nhân chỉ làm thay đổi nếp sống, thói quen sinh hoạt hàng ngày nhưng nếu giãn cách xã hội sẽ đảo lộn tất cả, ảnh hưởng rất nhiều về mọi mặt. "Nên trong giai đoạn chung sống COVID-19, chúng ta cần nỗ lực đẩy mạnh giãn cách cá nhân", ông Cấp đưa ra lời khuyên.
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cũng thông tin, khoảng 90% số ca nhiễm SARS-CoV-2 sẽ có triệu chứng nhẹ khi đã tiêm vắc xin, nên có thể chủ động được, kể cả khi dịch bệnh bùng phát lớn hơn, các cơ sở y tế hoàn toàn có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, đây là giả thiết đặt ra với các biến chủng hiện tại. Nếu có biến chủng mới, sẽ phải có phương án phòng, chống dịch khác. Phải luôn sẵn sàng, linh hoạt mọi tình huống khi thực tế thay đổi.
Không hi vọng về Zero COVID-19
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh, trong việc chống dịch, vai trò của toàn dân là quan trọng nhất. Phải củng cố tốt y tế cơ sở để đảm bảo việc chăm sóc y tế tới gần người dân nhất. Đặc biệt, khi dịch bệnh xảy ra, người dân phải thực hiện giãn cách, đội ngũ y tế cơ sở phải đảm bảo chăm sóc y tế cho người dân, đảm bảo liên thông với bệnh viện tuyến trên, kiểm soát tốt diễn biến bệnh của bệnh nhân.
"Phải nhìn vào thực tế rằng, hiện nay, hệ thống y tế của chúng ta rất mỏng về lực lượng so với thế giới. Nếu như ở nước Úc, có 30 bác sĩ và 120 điều dưỡng trên 1 vạn dân thì ở Việt Nam chỉ có 8 bác sĩ, dưới 2 điều dưỡng trên 1 vạn dân. Trong điều kiện thua kém hơn so với các nước khác, muốn thay đổi phải thay đổi tất cả về mọi mặt chứ không hi vọng một ngành nào đó thay đổi, chạy trước so với các ngành nghề khác của đất nước. Khi biết chúng ta nghèo hơn, yếu hơn thì chúng ta phải lựa chọn phương thức phòng, chống dịch riêng chứ không thể bê nguyên theo các nước khác trên thế giới. Và quả thực 2 năm qua, chúng ta đã làm khác các nước và đã thành công", ông Cấp nói.
Bác sĩ Cấp nhận định, hiện nay, về cơ bản Việt Nam đang khống chế được dịch COVID-19. "Tuy nhiên, khi tình hình thay đổi thì chúng ta cũng phải thay đổi. Tôi lấy ví dụ, nếu giai đoạn chống dịch lần này chúng ta áp dụng chiến lược đã xây dựng từ năm 2019 thì chắc chắn sẽ thất bại hoàn toàn", bác sĩ Cấp nêu.
Nói về chiến lược thích ứng an toàn với COVID-19, bác sĩ Cấp cho rằng, việc này đồng nghĩa mỗi địa phương, mỗi khu vực có thể xảy ra dịch bệnh ở mức độ nào đó nhưng vẫn nằm trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế để đảm bảo rằng không gia tăng số ca diễn biến nặng.
"Chúng ta không thể hi vọng chúng ta quay trở về giai đoạn Zero COVID-19. Rõ ràng COVID-19 đã xuất hiện rất nhiều trong cộng đồng. Giai đoạn Zero COVID-19 đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Chúng ta có một giai đoạn rất dài duy trì Zero COVID-19 và giai đoạn đó chúng ta vẫn đảm bảo sinh hoạt bình thường, duy trì hoạt động kinh doanh, sản xuất bình thường. Đó là giai đoạn rất tuyệt vời và cũng nhờ đó mà chúng ta có 1 ít tích lũy để vượt qua giai đoạn chống dịch khốc liệt", Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư nói.
Ông Cấp khẳng định, không thể quay lại giai đoạn Zero COVID-19. Hiện nay, Việt Nam đảm bảo được việc tiêm phủ vắc xin, đã tương đối an toàn khi phải đối mặt với dịch bệnh.
"Nói tóm lại, việc sống chung với COVID-19 có thể hiểu rằng, khi chúng ta mạnh, COVID-19 yếu thì đảm bảo an toàn cuộc sống bình thường mà khi COVID-19 quá mạnh thì chúng ta quay về phòng thủ để bảo đảm an toàn. Chiến lược ấy sẽ có 3 hoạt động chính: Kiểm soát dịch bệnh thông qua biện pháp giãn cách cá nhân như đã đề cập ở trên để đỡ phải giãn cách xã hội, đỡ phải phong tỏa; khiểm soát tốt ổ bệnh không để bùng dịch quá to tới mức độ y tế không đáp ứng được. Và thứ 3 là nâng cao năng lực y tế, đừng để mức độ dịch bệnh nhỏ chúng ta đã vội đóng cửa trở lại. Chúng ta chung sống là nghĩa chúng ta phải mạnh hơn COVID-19", bác sĩ Cấp nêu.
Tết khác bình thường
Nêu ví dụ về công tác phòng, chống COVID-19 hiện nay, ông Cấp giả thiết, 1 đám cưới bình thường có khoảng 500 người dự. Không may có 1 người bị mắc bệnh, nếu chưa tiêm vắc xin, nguy cơ lây nhiễm sẽ là 30- 50 người, còn nếu đã tiêm thì số người có thể bị lây nhiễm sẽ giảm, còn 7- 9 người. Tuy nhiên, nếu đám cưới đó quy mô giảm còn 50 người thì nguy cơ ca mắc cũng sẽ giảm.
"Dịch bệnh khiến chúng ta phải thay đổi về mọi mặt, thay đổi trong cách học, thay đổi trong cách làm việc, cách mua sắm hàng ngày, chuyển dần sang hoạt động online… Tôi nghĩ rằng, Tết năm nay chúng ta đón tết cũng phải thay đổi. Nếu như mọi năm, vào dịp Tết chúng ta phải thăm hỏi họ hàng, tất cả cô dì chú bác. Tuy nhiên năm nay, chúng ta nên hạn chế, đặc biệt là đến thăm những người cao tuổi từ 80- 90 tuổi hoặc hạn chế các lễ hội tập trung đông người. Chúng ta nên thực hiện giãn cách, thay đổi cách sum vầy gia đình ở diện hẹp, hạn chế tập trung đông người không cần thiết để giảm nguy cơ lây nhiễm. Nếu như các hoạt động gây bùng phát lớn vượt quá khả năng chăm sóc, điều trị của hệ thống y tế, hồi sức thì để lại hậu quả rất lớn", ông Cấp nêu.