PGS Hoàng Anh Huy: 'Sắp xếp lại bộ máy là cuộc đại phẫu trong quản lý giáo dục'
Chủ trương tinh gọn bộ máy là yêu cầu tất yếu để nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời đáp ứng sứ mệnh và tầm nhìn phát triển của nhà trường.
Tham gia ý kiến thảo luận tại chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chủ trương của Đảng về tinh gọn, sắp xếp bộ máy được nhân dân, các cơ quan và Quốc hội đồng tình, ủng hộ; tổ chức triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả. Điều này cho thấy chủ trương đúng, đáp ứng mong đợi của người dân. Mục tiêu tinh gọn bộ máy không chỉ tiết kiệm ngân sách, mà quan trọng hơn là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đưa đất nước phát triển. [1]
Nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng đã thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Do đó, có thể thấy, tinh gọn bộ máy là một trong những nhiệm vụ cấp thiết mà cơ sở giáo dục đại học đang thực hiện.
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy giúp cơ sở giáo dục đại học đạt được một số mục tiêu chiến lược
Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy đánh giá, việc sắp xếp tinh gọn bộ máy giúp các cơ sở giáo dục đại học đạt được một số mục tiêu chiến lược như:
Thứ nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Bởi tinh gọn, sắp xếp lại các đầu mối quản lý giúp giảm bớt tầng nấc trung gian, đẩy nhanh quá trình ra quyết định, hạn chế tình trạng chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ. Từ đó, nhà trường phân bổ nguồn lực tốt hơn, tập trung được nhiều hơn cho công tác chuyên môn, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Thứ hai, tối ưu hóa nguồn nhân lực. Khi bộ máy được tinh gọn, đội ngũ cán bộ, giảng viên có cơ hội được “chuẩn hóa”, sàng lọc và phân công rõ ràng. Những vị trí dôi dư, không còn phù hợp sẽ được điều chỉnh, sắp xếp lại, tạo điều kiện cho những nhân lực giỏi, có năng lực, nhiệt huyết phát huy tối đa khả năng. Qua đó nâng cao chất lượng dạy – học và nghiên cứu.
Thứ ba, tạo động lực đổi mới, sáng tạo. Mô hình tổ chức gọn nhẹ, quản trị linh hoạt thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, giảng viên. Tinh gọn bộ máy đi đôi với quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, hỗ trợ hoạt động dạy – học và nghiên cứu khoa học được thuận lợi và đạt hiệu quả hơn.
Thứ tư, tạo nền tảng phát triển bền vững. Khi quản lý, vận hành trở nên tinh giản, minh bạch, cơ sở giáo dục đại học có điều kiện thu hút thêm các nguồn lực xã hội như doanh nghiệp, đối tác quốc tế… đầu tư. Điều này mang lại lợi ích dài hạn, góp phần nâng tầm uy tín, thương hiệu của nhà trường.

Chia sẻ thực tiễn tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy cho biết, nhà trường luôn luôn nhận thức rõ chủ trương tinh gọn bộ máy là yêu cầu tất yếu để nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời đáp ứng sứ mệnh và tầm nhìn phát triển của nhà trường. Do vậy, các kế hoạch sắp xếp, tái cấu trúc bộ máy đã và đang được triển khai bài bản theo lộ trình.
Đầu tiên, rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị. Theo đó, sẽ thực hiện kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ hệ thống từ các phòng, ban chức năng đến khoa, viện, trung tâm nghiên cứu. Mục tiêu rà soát nhằm xác định những đơn vị có chức năng tương đồng hoặc chồng chéo để có thể sáp nhập, chuyển đổi mô hình quản lý cho hợp lý hơn.
Tiếp theo, nhà trường tiến hành xây dựng phương án tinh gọn. Căn cứ kết quả rà soát, nhà trường lập phương án cụ thể về việc sáp nhập hoặc giải thể, điều chuyển chức năng. Dự kiến giảm từ 10% đến 15% số đầu mối trực thuộc, đồng thời điều chỉnh tên gọi, chức năng nhiệm vụ một số đơn vị cho phù hợp.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tinh giản nhân sự cũng được đặt mục tiêu khoảng 10% – 12% đội ngũ chuyên viên để đảm bảo hiệu suất công việc, tạo nguồn lực cho đội ngũ nhân sự giảng viên có năng lực phát triển. Hướng tới mục tiêu giảm thiếu tối đa nhóm chuyên viên và tăng cường tốt nhất cả về lượng và chất đối với đội ngũ giảng viên trong nhà trường.
Thầy Huy cũng cho biết: "Trong ngắn hạn, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tập trung kiện toàn cơ học các đơn vị trong trường như phòng, ban, khoa, viện cũng như điều chỉnh sắp xếp chức năng phù hợp cho các đơn vị có sáp nhập hoặc điều chỉnh tên gọi.
Trong trung hạn và dài hạn, chúng tôi tiếp tục rà soát cơ cấu đội ngũ để cân đối tỷ lệ phù hợp giữa chuyên viên và giảng viên, giữa mục tiêu phát triển ngành nghề cũng như số lượng sinh viên với cơ cấu đội ngũ giảng viên cũng như quản lý.
Phương châm của nhà trường là “vừa làm vừa đánh giá, hiệu quả đến đâu chỉnh sửa đến đấy”, gắn kết chặt chẽ quá trình tinh gọn bộ máy với chiến lược phát triển tổng thể".
Nhiều thuận lợi để phát triển bền vững nếu tinh gọn bộ máy hiệu quả
Về vai trò của công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy đối với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thầy Huy cho biết, trước hết, tinh gọn bộ máy phục vụ trực tiếp cho sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Một tổ chức khoa học, hợp lý sẽ tạo điều kiện để tối ưu hóa các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, nghiên cứu viên. Đội ngũ giảng viên có môi trường học thuật thuận lợi, thời gian và nguồn lực được phân bổ hiệu quả hơn, từ đó chất lượng giảng dạy và nghiên cứu đều tăng.

Tiếp đến, tinh gọn bộ máy gắn liền với tầm nhìn trường đại học đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh nhà trường hướng đến trở thành đại học đa ngành, mang tính liên ngành cao về tài nguyên, môi trường cần một mô hình quản trị linh hoạt, tinh giản. Điều này cho phép liên kết chặt chẽ hơn giữa các khoa, viện, trung tâm, thúc đẩy các công trình khoa học – công nghệ đột phá, áp dụng vào thực tiễn.
Cuối cùng, tinh gọn bộ máy giống như cú hích phát triển bền vững, hội nhập quốc tế. Có thể thấy một tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả và minh bạch tạo nền tảng quan trọng để hợp tác với các đối tác trong nước lẫn quốc tế. Qua đó, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực tài nguyên, môi trường, góp phần hiện thực hóa khát vọng Việt Nam phồn vinh, hùng cường.
Sứ mạng của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và các sản phẩm khoa học, công nghệ phục vụ phát triển bền vững, an toàn.
Tầm nhìn đến năm 2035 trở thành trường đại học định hướng đổi mới sáng tạo, đa ngành hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực tài nguyên, môi trường và liên quan, góp phần thực hiện khát vọng Việt Nam phồn vinh, hùng cường, hạnh phúc.
Đến năm 2045 trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo, đa ngành hàng đầu khu vực về lĩnh vực tài nguyên, môi trường và liên quan, góp phần thực hiện khát vọng Việt Nam phồn vinh, hùng cường, hạnh phúc.
Quá trình thực hiện công tác tinh gọn bộ máy, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức nhất định.
Một là, tâm lý e ngại, lo lắng của cán bộ, giảng viên. Bởi việc sắp xếp, tinh gọn thường kèm theo thay đổi vị trí làm việc, chức danh quản lý. Điều này dễ dẫn đến tâm lý lo lắng, sợ xáo trộn, ảnh hưởng đến thu nhập và công việc, nhất là những cán bộ đã gắn bó lâu năm.
Hai là, khó khăn trong đảm bảo chất lượng đào tạo liên tục. Khi bộ máy thay đổi, công tác vận hành hàng ngày (dạy học, thi cử, nghiên cứu, hợp tác quốc tế…) cũng bị ảnh hưởng. Nếu không có kế hoạch chi tiết và truyền thông nội bộ tốt, chất lượng đào tạo, nghiên cứu dễ bị gián đoạn hoặc giảm sút tạm thời.
Ba là, thách thức về cơ cấu lại nhân sự, bởi để đảm bảo “vừa tinh gọn, vừa nâng cao chất lượng”, nhà trường cần có chiến lược quy hoạch lại đội ngũ, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ hợp lý. Những lĩnh vực chuyên môn sâu, có tính đặc thù cao (như tài nguyên, môi trường) đòi hỏi nhân lực trình độ chuyên môn phù hợp, không dễ sắp xếp hoặc luân chuyển ngay.
Một số lưu ý trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng nêu một số giải pháp để công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy của cơ sở giáo dục đại học đạt hiệu quả.
"Chúng tôi hiểu rằng, việc sắp xếp lại bộ máy là một cuộc đại phẫu trong quản lý giáo dục, nó ảnh hưởng tới hàng nghìn cán bộ, công nhân viên cũng như sinh viên đang theo học tại trường. Do vậy, theo tôi khi tiến hành cần phải lưu ý một số vấn đề", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy nhấn mạnh.
Theo đó, cần xây dựng lộ trình cụ thể, có cơ sở khoa học. Trước khi tái cấu trúc, cần đánh giá khách quan, toàn diện hiện trạng tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị. Xây dựng phương án sắp xếp trên cơ sở phân tích khoa học, bám sát chiến lược phát triển của nhà trường và quy định của Bộ, Ngành.
Song song đó, truyền thông nội bộ kịp thời, minh bạch, tạo đồng thuận bằng cách thường xuyên tổ chức đối thoại, lấy ý kiến của cán bộ, giảng viên, sinh viên về phương án sắp xếp. Giải thích rõ mục tiêu, lợi ích, lộ trình, tránh tâm lý hoang mang, kịp thời giải quyết các băn khoăn, thắc mắc để tạo sự ủng hộ.
Kết hợp tinh giản với đào tạo, bồi dưỡng lại nhân sự. Sau khi sáp nhập, giải thể đơn vị, cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn để cán bộ, giảng viên có thể đáp ứng tốt nhiệm vụ ở vị trí mới. Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ, có năng lực, giúp họ trở thành lực lượng nòng cốt cho các đơn vị mới.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số mạnh mẽ bởi đây là xu thế không thể thiếu để rút gọn quy trình, số hóa tài liệu, quản lý, giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí.
Tạo nền tảng hạ tầng công nghệ đồng bộ giữa các đơn vị (phòng, ban, khoa), tăng tính liên kết, hỗ trợ nhau trong quá trình sắp xếp, sáp nhập.
Đồng thời có sự giám sát, đánh giá định kỳ. Thiết lập cơ chế kiểm tra, đánh giá quá trình sắp xếp ở từng giai đoạn, kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh khi phát hiện điểm chưa hợp lý. Đặc biệt, công tác kiểm tra cần khách quan, minh bạch, gắn trách nhiệm với người đứng đầu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy cũng đề xuất hoàn thiện các quy định pháp lý: "Trong trường hợp vướng mắc về khung pháp lý, thủ tục, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan để xin ý kiến, tháo gỡ. Việc này giúp rút ngắn thời gian thực hiện, đảm bảo quá trình tinh gọn được thông suốt.
Nói chung, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là quá trình tất yếu, giúp hệ thống giáo dục đại học nói chung, và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nói riêng, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Quan trọng là phải có lộ trình rõ ràng, cách làm minh bạch, lấy hiệu quả thực chất làm thước đo, từ đó giúp nhà trường phát huy nội lực, hoàn thành tốt sứ mệnh và tầm nhìn chiến lược đã đề ra".
Hiện tại, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang xây dựng hệ thống phần mềm quản trị nội bộ HUNRE ERP cơ bản đã đáp ứng được các công việc quản lý hàng ngày của nhà trường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy cho biết
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://giaoduc.net.vn/tong-bi-thu-day-la-thoi-diem-vang-de-thuc-hien-sap-xep-tinh-gon-bo-may-post249168.gd