PGS. TS. Bùi Hoài Sơn: Khai thác giá trị của dân tộc để không là bản sao mờ của một nền văn hóa khác
Những bài học từ hội nhập giúp chúng ta có thêm sự tự tin bằng cách khai thác giá trị văn hóa dân tộc và không trở thành bản sao mờ của nền văn hóa khác.
Ngày 29/7, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức trao bằng tốt nghiệp chính quy năm 2022 cho gần 1.000 tân cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Hiệu trưởng trường này mặc áo choàng nhung đỏ, đội mũ đỏ và đi găng tay đồng màu, cầm quyền trượng màu vàng và mang vòng cổ lớn màu trắng. Thành viên ban nghi lễ mặc áo nhung đỏ - đen, mũ màu đen và sử dụng găng tay trắng.
Ngay sau khi hình ảnh lễ tốt nghiệp tại trường Đại học Kinh tế được đăng tải, dư luận đã bùng nổ tranh cãi với các ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện trang phục lễ tốt nghiệp của trường này.
Từ góc độ nghiên cứu văn hóa, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã nêu quan điểm rằng, đây là một biểu hiện hết sức bình thường của một hiện tượng, mà những người trong nghề gọi là tiếp biến văn hóa.
Theo đó, quá trình tiếp nhận văn hóa có một quy luật là, đầu tiên sẽ là tiếp nhận nguyên vẹn theo hiểu biết và cảm nhận của người trong cuộc, sau đó sẽ là Việt Nam hóa những nội dung và hình thức của hiện tượng văn hóa nước ngoài đó.
Dẫn chứng cho sự tiếp biến văn hóa, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, chúng ta đã từng chứng kiến khá nhiều những hiện tượng tương tự khi chứng kiến âm nhạc, kịch nói... phương Tây được đưa vào Việt Nam. Đầu tiên là nhạc Tây, lời Tây, sâu dần là nhạc Tây, lời ta và cuối cùng là những ca khúc hoàn toàn Việt Nam. Kịch nói cũng đi theo hướng tương tự như vậy.
“Nói như thế để chúng ta hiểu rõ ràng hơn về những hiện tượng nước ngoài đưa vào Việt Nam được biến đổi như thế nào để khi phân tích, lý giải, chúng ta không bị sa đà vào một hiện tượng nào cả, mà sẽ tìm ra những nguyên nhân mang tính bản chất của nó, để từ đó có những giải pháp mang tính tổng thể”- PGS. TS. Bùi Hoài Sơn cho hay.
Đối với sự kiện trang phục tại lễ tốt nghiệp tại Trường Đại học Kinh tế, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn nêu ý kiến, có thể xuất phát từ người tổ chức sự kiện mong muốn có một buổi lễ bắt mắt, xứng tầm với một buổi lễ trọng đại đối với nhiều sinh viên. Cách thức tiến hành được mô phỏng theo những gì mà những người tổ chức trải nghiệm hoặc hình dung được về một buổi lễ tương tự.
Trên thực tế, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn chỉ ra, ở Việt Nam cũng như rất nhiều nước, lễ tốt nghiệp kiểu này là một hình thức tổ chức sự kiện mới.
Theo đó, cách thức tổ chức kiểu này chủ yếu tồn tại ở các trường đại học theo phong cách Anh Mỹ, ở đó, cái áo choàng là biểu tượng của dân chủ trong học thuật, có độ dài và màu sắc lại khác biệt giữa các ngành học, mũ thường có hình vuông, tượng trưng cho sách vở, cho thành tựu trong sự học (có thể có loại mũ tròn dành cho tiến sĩ), hay cây quyền trượng tượng trưng cho uy quyền, trong buổi lễ có nghĩa là đi kèm với người với chức vụ cao nhất trong buổi lễ, và trong đại học hàm ý duy trì truyền thống học thuật và uy quyền đối với những người đến đó theo học.
“Tất cả những điều đó là mới mẻ ở Việt Nam”- PGS. TS. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh. Khi chúng ta chưa có truyền thống này thì cách tiếp biến văn hóa đầu tiên vẫn là bắt chước. Sao chép nguyên xi là cách làm đơn giản nhất, và thường hiện nay, nhiều người sẽ sáng tạo ra theo cách phù hợp hơn với môi trường, điều kiện của mình.
Đánh giá về trang phục tốt nghiệp của Trường Đại học Kinh tế, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng đang làm theo đúng quy luật này. Về mặt luật pháp, họ không sai. Không có điều luật nào xử phạt nếu họ tổ chức một sự kiện với cách ăn mặc như vậy. “Song điều chúng ta có thể bàn ở đây là nếu họ biết kết hợp hài hòa hơn những giá trị truyền thống trong buổi lễ thì dư luận sẽ không ồn ào đến thế”- PGS. TS. Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
PGS. TS. Bùi Hoài Sơn lấy ví dụ, chúng ta vẫn thấy các buổi trao bằng, lễ tốt nghiệp, nhiều học sinh, sinh viên, học viên cao học hay tiến sĩ vẫn sử dụng áo thụng, mũ vuông như cách thể hiện sự trang trọng, song ít khi thấy ai có ý kiến phản đối gì. Chỉ khi điều này bị thực hiện một cách thái quá, xa rời những giá trị dân tộc thì dư luận mới thực sự dậy sóng.
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng cũng nghe nói “y phục xứng kỳ đức”- PGS. TS. Bùi Hoài Sơn khẳng định. Theo ông, trang phục rất nhiều khi thể hiện trình độ văn hóa của một người. Chính vì thế, việc thận trọng trong cách ăn mặc, nhất là phải phù hợp với văn hóa dân tộc, cần được xem là một nguyên tắc ứng xử.
Qua bài học này, theo PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, quá trình tiếp biến văn hóa của chúng ta có thêm một ví dụ sinh động để từ đó, chúng ta có những bài học cho quá trình hội nhập quốc tế, giúp chúng ta có thêm sự tự tin văn hóa bằng cách khai thác giá trị văn hóa dân tộc, và không trở thành bản sao mờ của một nền văn hóa khác trên chính đất nước của mình.
Hoa Quỳnh