PGS.TS Bùi Thị An: Không thể để tình trạng nhiều ngành cùng quản lý một đĩa thức ăn

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng nhiều người vì đồng tiền nên chạy theo lợi nhuận, cuối cùng thực phẩm giả, thực phẩm bẩn tràn lan, người dân gánh hậu quả.

Báo động thực phẩm giả, thực phẩm độc hại

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Thúc Thùy Tiên (Hoa hậu Hòa bình quốc tế năm 2021) về tội "Lừa dối khách hàng", quy định tại khoản 2, Điều 198 Bộ luật hình sự, với vai trò đồng phạm với các bị can thuộc Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt.

Trong vụ án "kẹo rau Kera" này, nhiều người nổi tiếng cũng đã bị bắt như Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs), thành viên Hội đồng quản trị và Nguyễn Thị Thái Hằng (tức Hằng Du mục), Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Chị Em Rọt.

Hoa Hậu Thùy Tiên bị bắt liên quan vụ kẹo rau Kera.

Hoa Hậu Thùy Tiên bị bắt liên quan vụ kẹo rau Kera.

Giữa tháng 4, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An tiếp tục bắt giữ 4 chủ cơ sở ngâm giá đỗ bằng hóa chất 6-Benzylaminopurine để phục vụ điều tra. Từ năm 2024 đến thời điểm bị bắt giữ, các cơ sở này đã sản xuất và bán ra thị trường 3.500 tấn giá đỗ ngâm chất độc hại.

Cũng trong tháng 4, Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả quy mô lớn với doanh thu gần 500 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Các loại sữa giả này nhắm đến đối tượng sử dụng là người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.

Dư luận chưa hết bàng hoàng thì Công an tỉnh Phú Thọ khi đột kích, khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất, kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đã phát hiện và tạm giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả. Ngoài ra là gần 84 tấn phụ gia các loại dùng để sản xuất, sang chiết các loại gia vị nói trên.

Cùng thời điểm, lực lượng công an tiếp tục phát hiện Công ty TNHH Công nghệ Herbitech sản xuất thực phẩm giả bảo vệ sức khỏe trẻ em có tên BABY SHARK và Medi Kid Calcium K2.

Công ty này cũng gia công, sản xuất hơn 200 sản phẩm có giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng lại không kiểm soát về chất lượng. Mặc dù sản phẩm được quảng cáo là nhập khẩu từ Pháp, Đức, Mỹ, nhưng thực tế giá thành và chất lượng không đúng như công bố.

Một là không còn ý chí chiến đấu, hai là bị mua chuộc

Thực phẩm giả, thực phẩm bẩn sản xuất tràn lan khiến người tiêu dùng hoang mang. Chúng len lỏi vào các chuỗi cửa hàng, hệ thống siêu thị lớn, thậm chí vào cả bệnh viện, được người nổi tiếng quảng cáo, livestream bán hàng trên mạng xã hội...

Trước những diễn biến đáng lo ngại này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói thẳng: Buôn lậu, làm cả hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết, trong khi để làm việc này thì phải có kho bãi, hoạt động mua bán, vận chuyển, thì chỉ có 2 khả năng: Một là không còn ý chí chiến đấu, hai là bị mua chuộc, có tiêu cực; cả hai điều này đều phải xử lý nghiêm.

Do đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cần thiết kế các chính sách để xử lý được các vấn đề cấp bách hiện nay mà thực tế đang đặt ra, quy định rõ một cơ quan chịu trách nhiệm chính và xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan trong quản lý an toàn thực phẩm, phân định trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ; không để khoảng trống trong quản lý nhà nước; khẩn trương xây dựng dự án luật để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hóa chất ở TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: CACC

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hóa chất ở TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: CACC

Trao đổi với PV VietNamNet, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhìn nhận, việc Thủ tướng yêu cầu lập tổ công tác đặc biệt và triển khai đợt cao điểm chống hàng giả, hàng lậu là bước đi cần thiết. Nhưng muốn hiệu quả thì phải xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan, từng cá nhân.

Ở nước ta có nhiều cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương như quản lý thị trường, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc phân định trách nhiệm quản lý giữa các bộ ngành đã rõ ràng.

Thế nhưng, tình trạng thực phẩm giả, thực phẩm bẩn vẫn tràn lan trên thị trường. Bà Bùi Thị An nhấn mạnh, vấn đề này không chỉ bây giờ mới có mà đã âm ỉ thời gian dài, không phải ở số lượng nhỏ mà sản xuất thực phẩm giả, thực phẩm bẩn đã ở quy mô rất lớn.

Điều này cho thấy, các cơ quan chức năng thời gian qua đã buông lỏng việc quản lý, kiểm tra và kiểm soát chất lượng hàng hóa.

“Chúng ta phải rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động quản lý, kiểm tra, kiểm soát”, bà An nói. Không chỉ làm mạnh trong các đợt cao điểm, mà phải coi là hoạt động thường xuyên, định kỳ, trao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương, các tổ chức cơ quan phải có trách nhiệm rõ ràng.

“Tuy đã phân rõ trách nhiệm quản lý nhưng vẫn có sự chồng chéo giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ”, bà Bùi Thị An nêu thực trạng.

Theo bà, không thể để tình trạng nhiều ngành cùng quản lý một đĩa thức ăn. Chỉ nên để một đầu mối quản lý. Trong quá trình làm, nếu thiếu cán bộ chuyên môn ở khâu nào thì mời người có chuyên môn khâu đó về.

Về vấn đề hậu kiểm, bà An cho rằng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính có trách nhiệm họ sẽ tự hậu kiểm, trung thực trong công bố chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều người vì đồng tiền nên chạy theo lợi nhuận, cuối cùng thực phẩm giả, thực phẩm bẩn tràn lan, người dân gánh hậu quả. Thế nên, cần cả tiền kiểm và đặc biệt là hậu kiểm.

An toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là trách nhiệm đạo đức với xã hội. Do đó, các cơ quan chức năng không thể buông lỏng quản lý, kiểm tra giám sát.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thuc-pham-ban-hang-gia-bua-vay-nguoi-dan-nha-quan-ly-o-dau-2403104.html