PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: KẾT QUẢ TÍN NHIỆM LÀ 'HÀN THỬ BIỂU' ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ

Quốc hội khóa XV vừa thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Theo PGS.TS - ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, kết quả bỏ phiếu là 'hàn thử biểu' đánh giá cán bộ, để mỗi cán bộ hiểu rõ hơn về hiệu quả công việc của mình, cũng như đánh giá của Quốc hội và Nhân dân.

PGS.TS- ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

PGS.TS- ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Chiều 25/10, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành một trong những công việc rất quan trọng là thực hiện quyền giám sát tối cao thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả tín nhiệm được công khai ngay trong ngày. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang là 2 người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất.

Phóng viên: Ông có đánh giá như thế nào về kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vừa qua?

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Theo kết quả, chúng ta thấy, nhiều vị trí có số phiếu “Tín nhiệm cao”, song cũng dễ nhận thấy những vị trí có được phiếu “Tín nhiệm thấp” cao là “tư lệnh ngành” khối văn – xã, những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân.

Tôi cho rằng, điều này cũng dễ hiểu khi một số tư lệnh ngành liên quan đến đời sống dân sinh hay nhận được tín nhiệm thấp do các lĩnh vực này liên quan trực tiếp, hàng ngày tới đời sống từng gia đình nên dễ gây “sóng” dư luận, bị chú ý nhiều hơn, tác động đến quyết định bỏ phiếu tín nhiệm của Đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội tham gia bỏ phiếu

Các đại biểu Quốc hội tham gia bỏ phiếu

Tất nhiên, để giải quyết được những vướng mắc, khó khăn của ngành không chỉ một mình Bộ trưởng có thể giải quyết được thấu đáo, triệt để mà cần phải có sự chung sức của mọi thành viên trong ngành, cũng như sự hợp tác tích cực từ nhiều bộ, ngành và địa phương. Kết quả này cũng không phải lần đầu tiên các tư lệnh ngành của các lĩnh vực này nhận phải phiếu “Tín nhiệm thấp” cao, và điều này đã chứng minh sự khó khăn, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến việc chỉ đạo, quản lý đời sống văn hóa - xã hội… vừa thể hiện kỳ vọng của Quốc hội và cử tri cả nước trong việc có thêm nhiều thay đổi ở các lĩnh vực này.

Phóng viên: Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn lần này, ông có suy nghĩ như thế nào về trách nhiệm của người đứng đầu?

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng cùng với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cũng là một công việc cần thiết.

Bởi lẽ chính sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu sẽ truyền cảm hứng và trở thành tấm gương cho các cán bộ dưới quyền thêm quyết tâm và khát vọng cống hiến. Nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã thấy những tấm gương sáng đó của những người đứng đầu khi chúng ta phải trải qua thời gian đầu đương đầu với dịch bệnh chưa có tiền lệ. Nhiều quyết định, hành động chưa từng có đã được tiến hành để chúng ta vượt qua được những khó khăn, tạo nền tảng vững chắc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Có lẽ, phải lâu lắm rồi, chúng ta mới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Vì thế, chúng ta càng cần hơn nữa những cán bộ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, biết chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ vào những thời khắc lịch sử như hiện nay.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhấn mạnh đến công tác cán bộ, theo đó: “Công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, qua thực tiễn càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc”. Tư lệnh ngành là người “đứng mũi, chịu sào”, vất vả nhất trong những người vất vả, và được kỳ vọng nhiều nhất trong việc thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đây vừa là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng là niềm tự hào của mỗi vị bộ trưởng. Việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ lần này chính là đợt “trắc nghiệm” đầu tiên để đánh giá nỗ lực vượt khó của các bộ ngành, cũng là cách để chúng ta định hình hoặc điều chỉnh kế hoạch trong giai đoạn nước rút hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra.

Phóng viên: Ông có kỳ vọng gì về tác động của Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn lần này?

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đây là kỳ họp đầu tiên Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 96//2023/QH15 của Quốc hội (về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn) với nhiều điểm mới so với trước đây. Một trong những điểm nổi bật của Nghị quyết 96/2023/QH15 là người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa được công bố cho thấy, dù từ đầu nhiệm kỳ vừa qua có rất nhiều khó khăn, một số vị trí bộ trưởng lần đầu tiên đảm nhiệm, nhưng tất cả các chức vụ lãnh đạo được lấy phiếu tín nhiệm đều hoàn thành nhiệm vụ của mình. Kết quả bỏ phiếu là “hàn thử biểu” đánh giá cán bộ, để mỗi cán bộ hiểu rõ hơn về hiệu quả công việc của mình, cũng như đánh giá của Quốc hội và Nhân dân.

Tôi cho rằng, với những vị trí đạt được số phiếu “Tín nhiệm cao” nhiều, kết quả này sẽ tiếp thêm sức mạnh, thêm tự tin vào khả năng lãnh đạo và thực hiện chính sách hiệu quả, từ đó giúp họ có thêm quyết tâm chính trị hoàn thành chương trình hành động của mình. Họ sẽ có động lực để làm tốt công tác hơn, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân của cả bộ máy cũng như từng vị trí cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Đối với những người chưa đạt được số phiếu như mong đợi, đây cũng là cơ hội để tự soi, tự sửa, phấn đấu hơn nữa để có những hành động đột phá, sáng tạo, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, đáp ứng kỳ vọng của Quốc hội và Nhân dân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81432