PGS.TS – ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: XÁC LẬP KỶ LỤC VIỆT NAM - 'LƯỢNG' CẦN ĐI VỚI 'CHẤT'

Thời gian qua, việc công nhận kỷ lục tràn lan đã gây nên băn khoăn về sự lãng phí trong dư luận. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc xác lập các kỷ lục Việt Nam cần có những tiêu chí công bằng và minh bạch, đảm bảo chất lượng của mỗi kỷ lục được công nhận, tạo hiệu ứng, động lực thực sự trong cộng đồng.

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: LỰA CHỌN QUỐC PHỤC – CẦN HÀI HÒA YẾU TỐ TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội

Mọc lên như nấm sau mưa

Khoảng vài năm trở lại đây, cụm từ “kỷ lục Việt Nam” đã trở nên quen thuộc với rất nhiều kỷ lục được xác lập, được đông đảo quần chúng biết đến. Không thể phủ nhận, việc xác lập kỷ lục Việt Nam đối với tổ chức, đơn vị, cá nhân đã mang lại những nguồn cảm hứng không nhỏ đối với chủ thể và cả cộng đồng, góp phần khích lệ sức sáng tạo cho mọi người. Phải thừa nhận, vào những năm đầu của việc xác lập hay công nhận kỷ lục Việt Nam, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân được vinh danh thật xứng đáng với thành tích, kết quả vượt trội tạo ra những hiệu ứng tích cực cho xã hội.

Tô hủ tiếu lớn nhất Việt Nam (với nhân là 100kg hủ tiếu, 100kg thịt heo và 600 lít nước súp...) dự kiến có thể phục vụ 1000 người ăn đã phải đổ đi sau khi trưng bày, vì thời gian trưng bày quá lâu khiến cho hủ tiếu và rau, giá, súp trong tô phở bị hư hỏng

Tô hủ tiếu lớn nhất Việt Nam (với nhân là 100kg hủ tiếu, 100kg thịt heo và 600 lít nước súp...) dự kiến có thể phục vụ 1000 người ăn đã phải đổ đi sau khi trưng bày, vì thời gian trưng bày quá lâu khiến cho hủ tiếu và rau, giá, súp trong tô phở bị hư hỏng

Nhưng rồi về sau, điều ấy cứ giảm dần, thay vào đó chủ yếu là cho cái nhất, ví như “to nhất”, “nặng nhất”, “cao nhất”, “lớn nhất”, “dài nhất”, “nhiều nhất”… Việc công nhận hay xác lập kỷ lục tràn lan, mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa đã gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Cụ thể như kỷ lục Tô hủ tiếu lớn nhất Việt Nam (với nhân là 100kg hủ tiếu, 100kg thịt heo và 600 lít nước súp...) dự kiến có thể phục vụ 1000 người ăn đã phải đổ đi sau khi trưng bày, vì thời gian trưng bày quá lâu khiến cho hủ tiếu và rau, giá, súp trong tô phở bị hư hỏng; Kỷ lục cặp bánh chưng, bánh dầy khủng được dâng lên Giỗ Tổ vua Hùng nặng 3 tấn, với chiều dài gần 2 mét, cao hơn 1 mét nhưng bà con không thể thụ lộc vì trải qua quãng đường dài từ thành phố Hồ Chí Minh ra đền Hùng, cặp bánh đều bị hỏng, mốc xanh, lên men và ôi thiu; Kỷ lục bộ áo dài nhất Việt Nam (với tà áo dài 220m, nặng gần 250kg)…

Tuy nhiên sau đó, những chiếc bánh mì, bánh xèo to nhất, nặng nhất, hay dài nhất... vẫn liên tiếp lập kỷ lục để lại dấu hỏi lớn trong dư luận về mục đích thực sự của những kỷ lục này. Nhiều chuyên gia đã thẳng thắn nhận định, ở nước ta, “kỷ lục” nay đã thành bệnh của một số người. Kỷ lục phải là sự tự nhiên mới đáng quý, còn nếu cố tình làm cho to, cho nhiều thì không những không quý mà đi ngược lại với văn hóa, không thiết thực và gây lãng phí.

“To nhất”, “dài nhất”… không phải giá trị cốt lõi của “kỷ lục”

Phóng viên: Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về việc gần đây sự công nhận kỷ lục Việt Nam tràn lan, gây những phản ứng không tốt trong dư luận?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội: Trong bối cảnh kinh tế thị trường, việc xây dựng thương hiệu là rất cần thiết để tạo ra sự quan tâm của khách hàng, uy tín cho sản phẩm, từ đó tạo ra lợi ích khác. Xây dựng thương hiệu, vì thế, cũng trở thành một thị trường béo bở, mảnh đất màu mỡ cho nhiều tổ chức, công ty tổ chức sự kiện, kể cả các hiệp hội để khai thác nhu cầu thương hiệu này. Không chỉ những thương hiệu sản phẩm hàng hóa, các sự kiện văn hóa nghệ thuật hay thậm chí là thương hiệu cá nhân như chúng ta thấy vừa qua như danh hiệu người đẹp, hoa hậu, một loạt danh xưng ông hoàng, ông vua... là những chỉ báo cho thấy nhu cầu xã hội đối với thương hiệu nói chung, công nhận kỷ lục như chúng ta đang nói đến nói riêng.

Như vậy, nếu việc tôn vinh các kỷ lục thực sẽ tạo ra tác động lan tỏa, tấm gương cho toàn xã hội, mang lại niềm tự hào và động lực cho cộng đồng, thậm chí cả nước, tuy nhiên, điều đáng buồn là, trong một số trường hợp, việc cố gắng đạt được kỷ lục một cách không xứng đáng đã tạo ra sự kệch cỡm, gây rối loạn đạo đức trong xã hội, đặc biệt là khi mục tiêu lập kỷ lục chỉ để phục vụ mục đích háo danh, thậm chí lừa đảo mà không quan tâm đến giá trị thực, trách nhiệm xã hội mà kỷ lục đem lại.

Chiếc áo dài 220m xác lập kỷ lục Việt Nam

Chiếc áo dài 220m xác lập kỷ lục Việt Nam

Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về ý nghĩa thực sự của việc thiết lập kỷ lục cũng như cách thức và quan điểm khi xác định và công nhận các kỷ lục. “To nhất”, “dài nhất”… không phải giá trị cốt lõi của “kỷ lục”.

Chúng ta cần có một quy trình công bằng, khách quan và đáng tin cậy để đảm bảo rằng các kỷ lục được xác định dựa trên tiêu chí rõ ràng và được thực hiện trong môi trường an toàn và có trách nhiệm. Thay vì tập trung vào việc thiết lập kỷ lục một cách vô tổ chức, thể hiện háo danh, hay thậm chí trục lợi từ việc tạo kỷ lục, chúng ta có thể hướng đến việc tạo ra kỷ lục để thể hiện sự khám phá, sáng tạo và đóng góp cho xã hội một cách ý nghĩa và bền vững.

Ở khía cạnh tích cực, tôi cho rằng, việc công nhận kỷ lục nhìn chung vẫn mang ý nghĩa quan trọng trong việc ghi nhận thành tựu và giới thiệu giá trị của một quốc gia như Việt Nam tới thế giới. Ở đó, việc công nhận kỷ lục có thể tạo động lực cho các cá nhân, tổ chức và cộng đồng để đạt được thành tựu cao hơn và thúc đẩy sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực. Nó khuyến khích sự cạnh tranh và sáng tạo, đẩy mạnh năng lực và tiềm năng của người dân trong việc vươn lên và vượt qua giới hạn hiện tại. Trên cơ sở đó, ở khía cạnh văn hóa, công nhận kỷ lục sẽ góp phần thúc đẩy và bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam. Các kỷ lục liên quan đến văn hóa, như văn hóa dân gian, di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống, đóng góp vào việc gìn giữ và phát triển văn hóa đặc biệt của đất nước, tạo thương hiệu để chúng ta phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Tuy nhiên, nếu quá trình đánh giá và công nhận kỷ lục thiếu sự đồng nhất và minh bạch trong tiêu chí, quy trình và cơ chế xác định sẽ dẫn đến sự hiểu lầm, tranh cãi và không tin tưởng từ công chúng và dư luận. Tôi cho rằng, hạn chế này đến từ việc thiếu nguồn lực và hệ thống quản lý. Việc đánh giá và công nhận kỷ lục đòi hỏi nguồn lực và hệ thống quản lý hiệu quả. Tuy nhiên, có thể có sự thiếu hụt về nguồn lực và cơ sở cần thiết để thực hiện quá trình này một cách toàn diện và chuyên nghiệp. Ngoài ra, điều này có thể xuất phát từ việc thiếu tiêu chuẩn quốc tế. Tiêu chuẩn và quy trình công nhận kỷ lục ở Việt Nam có thể không tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế, dẫn đến sự không thống nhất trong việc đánh giá và công nhận dẫn đến những khó khăn trong việc so sánh và thừa nhận các kỷ lục quốc tế, cũng như tạo ra sự nghi ngại từ trong nước.

“Lượng” cần đi với “chất”

Phóng viên: Trước thực trạng công nhận kỷ lục tràn lan thời gian qua ở nước ta, nhiều ý kiến băn khoăn không hiểu các Hiệp hội căn cứ vào tiêu chí gì để công nhận như vậy, trong khi nó rất ít phát huy được giá trị. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội: Rõ ràng, việc một số công nhận kỷ lục quá nhiều thời vừa qua đã gây tranh cãi rất nhiều về chất lượng giải thưởng cũng như cách các Hội công nhận kỷ lục.

Tôi nghĩ rằng, nguyên nhân có thể các Hội không đáp ứng đầy đủ tiêu chí độc lập và khách quan trong quá trình đánh giá. Nếu các hội không tuân thủ quy trình đánh giá chặt chẽ hoặc chịu ảnh hưởng của nhóm lợi ích hoặc ảnh hưởng chính trị, sự công nhận của họ có thể không được coi là đáng tin cậy.

Tiếp theo là việc thiếu minh bạch và công khai. Nếu tiêu chí và quy trình đánh giá không được công bố rõ ràng, công chúng và dư luận sẽ khó hiểu được cơ sở và cách thức các hội đánh giá và công nhận. Điều này dẫn đến sự đặt nghi vấn về tính minh bạch và độ tin cậy của quá trình này.

Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng, các Hội công nhận thường có giới hạn về quy mô và phạm vi công nhận. Có thể có nhiều tổ chức, sản phẩm hoặc cá nhân không được đánh giá hoặc không đáp ứng tiêu chí để nhận được công nhận từ các hội này. Điều này dẫn đến một số người tin rằng các hội công nhận không thể đánh giá và công nhận một cách toàn diện.

Cuối cùng, có thể do mỗi hội công nhận có thể áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau cho việc đánh giá và công nhận. Sự chênh lệch này có thể dẫn đến sự mâu thuẫn trong việc đánh giá giá trị và tầm quan trọng của việc nhận được công nhận từ các hội khác nhau.

Chính vì thế, chúng ta rất cần uy tín, sự nghiêm túc, trách nhiệm xã hội của các hội, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, để đảm bảo tính khách quan và tin cậy trong việc công nhận, áp dụng tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch và có quy trình đánh giá đáng tin cậy, đảm bảo được chất lượng của việc công nhận hay xác lập một kỷ lục.

Phóng viên: Theo ông, chúng ta cần có biện pháp gì để đảm bảo được chất lượng của việc xác lập các kỷ lục?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội: Theo quan điểm của tôi, để chấn chỉnh các kỷ lục ở Việt Nam đạt được độ “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, chúng ta cần quan tâm đến một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tăng cường công khai thông tin và nâng cao nhận thức của công chúng về tiêu chuẩn của các kỷ lục để giúp mọi người hiểu rõ hơn về các yêu cầu và tiêu chí để đạt được một kỷ lục, từ đó đảm bảo tính chính xác và độ chuẩn mực của các kỷ lục.

Thứ hai là cần thiết lập quy trình đánh giá chặt chẽ với quy trình rõ ràng và công bằng để xác định liệu một thành tích có đủ điều kiện để trở thành một kỷ lục hay không. Quy trình này nên được thiết kế sao cho minh bạch và công khai, tránh những ảnh hưởng không công bằng hoặc thiên vị.

Thứ ba là cần có sự giám sát độc lập từ các tổ chức hoặc chuyên gia có uy tín để đảm bảo quy trình đánh giá được tiến hành một cách công bằng và đúng quy định để giúp đảm bảo tính khách quan và chuẩn xác của quy trình xác định kỷ lục.

Thứ tư là cần xử lý các vi phạm nghiêm minh và mang tính làm gương. Nếu có bất kỳ vi phạm nào liên quan đến quy trình xác định kỷ lục, cần có biện pháp xử lý thích hợp để đảm bảo sự công bằng và đúng quy định. Việc xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận hay vi phạm quy trình sẽ tạo ra một môi trường lành mạnh và đáng tin cậy cho việc xác định kỷ lục.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=79783