PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Tránh 'trượt oan' khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, đưa ra những lưu ý đối với thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2024 để tránh 'trượt oan'.

Ngày 17/7, Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Từ sáng nay (18/7), thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học 2024 trên Hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

 PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT.

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT đã đưa ra những lưu ý với thí sinh khi đăng ký nguyện vọng, tránh làm lỡ mất cơ hội vào trường đại học yêu thích.

Cần thực hiện đầy đủ các bước, quy trình

Từ hôm nay, thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học 2024. Để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích và phù hợp năng lực bản thân, các em cần lưu ý những gì? Trong quy chế xét tuyển và hệ thống xét tuyển, Bộ GD&ĐT có những điểm đổi mới nào để đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh, thưa PGS.TS Nguyễn Thu Thủy?

Từ ngày 6 đến 10/7, Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT mở để học sinh đăng ký xét tuyển. Đây là bước giúp các em làm quen hệ thống, tránh những sai sót khi đăng ký thật. Sau ngày 10/7, toàn bộ thông tin đã đăng ký trên hệ thống được xóa để chuẩn bị cho đợt đăng ký xét tuyển chính thức từ ngày 18 đến 30/7.

 Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Mai Loan.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Mai Loan.

Những ngày qua, gần 300.000 em với hàng triệu lượt nguyện vọng thử đăng ký trên Hệ thống của Bộ GD&ĐT. Hệ thống cho phép đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, cũng không giới hạn số lần điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.

Thí sinh chỉ cần đăng ký ngành/chương trình đào tạo của trường, không lựa chọn phương thức xét tuyển hay tổ hợp xét tuyển. Mục đích là nhằm giúp sĩ tử tránh sai sót về lựa chọn tổ hợp và phương thức xét tuyển. Hệ thống sẽ sử dụng, sắp xếp và lựa chọn dữ liệu tốt nhất mà các em cung cấp để xét trúng tuyển nguyện vọng cao nhất có thể.

Điều này nhằm tối đa hóa lợi ích và quyền lợi của thí sinh. Thực chất, Bộ GD&ĐT và các cơ sở đào tạo nhận phần công việc khó về mình, để học sinh lựa chọn dễ dàng, phù hợp thực lực của mình.

Khi đăng ký các nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần thực hiện đầy đủ quy trình từ đầu đến kết thúc (cả khi đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển nếu có). Điều này để đảm bảo hệ thống ghi nhận dữ liệu đăng ký của các em.

Thí sinh cũng cần lưu ý rà soát kỹ điều kiện, thông tin về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên (nếu có) để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Thí sinh trúng tuyển sớm lưu ý tránh “trượt oan”

Để đỗ ngành học yêu thích, phù hợp năng lực và tránh tình trạng “trượt oan”, thí sinh cần có chiến thuật đăng ký xét tuyển với số lượng nguyện vọng và thứ tự nguyện vọng ra sao, thưa bà?

Chiến thuật thực ra rất đơn giản. Các em yêu thích nguyện vọng nào nhất thì đặt lên trên đầu. Với sự ưu việt của hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT, các em sẽ đỗ nguyện vọng được ưu tiên nhất trong số những nguyện vọng có khả năng trúng tuyển. Số lượng nguyện vọng cũng không nên quá nhiều, vì điều này vừa làm tốn kém chi phí của bố mẹ, vừa không cần thiết, dàn trải, đôi khi không hiệu quả.

Điểm lưu ý với những bạn đã trúng tuyển ở đợt xét tuyển sớm của các trường là không được chủ quan, nghĩ rằng nhận được thông báo như vậy là đã trúng tuyển chính thức. Nguyện vọng này của các em vẫn cần phải đăng ký trên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung, khi đó mới có hiệu lực.

Những năm trước, có trường hợp trúng tuyển sớm không quan tâm quy trình tiếp theo như Bộ GD&ĐT đã ban hành, hướng dẫn, không đăng ký bất kỳ nguyện vọng trên Hệ thống. Sau đó, thí sinh phải đăng ký xét tuyển ở những đợt sau, rất đáng tiếc.

Các em dù trúng tuyển sớm, vẫn phải đăng ký theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng của mình. Tất nhiên, trúng tuyển sớm và đặt ở nguyện vọng 1 thì đương nhiên sẽ đỗ ở nguyện vọng đó.

Chọn ngành trước khi chọn trường

Thí sinh có nên điều chỉnh nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển không và nếu có thì nên điều chỉnh như thế nào cho hợp lý, tránh rủi ro?

Các em chỉ nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển khi có sự sắp xếp nhầm, chưa đúng với thứ tự ưu tiên mình dự định.

Nhiều em mới chỉ thực hiện đăng ký xét tuyển lần đầu tiên trên hệ thống nên không tránh khỏi bỡ ngỡ, sơ xuất. Do vậy, thời gian cho phép điều chỉnh để tránh sai sót, đảm bảo đăng ký đúng nguyện vọng mong muốn và tất nhiên là tăng cơ hội trúng tuyển.

Không ít học sinh có suy nghĩ chỉ cần đỗ đại học, còn vào học ngành gì tính sau, bà có lời khuyên gì với các em?

Theo tôi, cần chọn ngành trước khi chọn trường. Thí sinh phải có năng lực, sở trường và đam mê mới theo đuổi nghề nghiệp lâu dài. Khi đã chọn đúng ngành rồi, ta mới xem xét nhiều lựa chọn ở những trường khác nhau, trong nước, ngoài nước, chương trình liên kết đào tạo… Từ đó, các em so sánh thế mạnh của các trường về chương trình đào tạo, đội ngũ, cơ sở vật chất, cơ hội thực hành, thực tập, cơ hội việc làm… , rồi đưa ra quyết định đúng đắn về thứ tự ưu tiên.

Nếu chọn ngược lại, đôi khi đó là sai lầm khá lớn mà mất rất nhiều chi phí mới có thể sửa sai.

2024 là năm cuối cùng diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Sau năm nay, lứa học sinh đầu tiên thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới. Nhiều học sinh bày tỏ băn khoăn, liệu thí sinh tự do đã tốt nghiệp trước 2025 muốn tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2025 để xét tuyển đại học thì sẽ thi theo chương trình cũ hay mới?

Năm 2025, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức thi tốt nghiệp cho thí sinh tự do đã tốt nghiệp hoặc đã dự thi tốt nghiệp trước 2025, nếu các em muốn tham gia để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng. Nội dung đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 đã học.

Dự kiến, thí sinh tự do dự thi cùng đợt với thí sinh của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do vậy, về mặt thời gian, nó sẽ không làm ảnh hưởng công tác tuyển sinh đại học tiếp theo sau đó.

Bà có lời khuyên gì dành cho học sinh trong thời điểm quan trọng này?

Hiện nay, các em còn thời gian để tiếp tục nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học, đảm bảo dữ liệu thông tin của mình đáp ứng được yêu cầu mà trường đặt ra cho từng ngành, chương trình đào tạo.

Một số trường vẫn đang trong giai đoạn xét tuyển sớm, sau đó sẽ cung cấp dữ liệu trúng tuyển lên hệ thống. Các em cần thực hiện đúng yêu cầu về hồ sơ giấy tờ và đảm bảo đúng thời hạn để tránh rủi ro.

Thí sinh nên thư giãn, bình tĩnh để ra quyết định chính xác khi chọn nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống. Chúc các em thành công!

Trân trọng cảm ơn bà!

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/pgsts-nguyen-thu-thuy-tranh-truot-oan-khi-dang-ky-nguyen-vong-xet-tuyen-2011899.html