'Phá băng' dự án bất động sản

Thị trường bất động sản đang có tín hiệu hồi phục. Thế nhưng với TPHCM, để phá 'tảng băng' dự án treo, thành phố buộc phải có các cơ chế, chính sách đặc thù.

Một dự án chung cư tại Thủ Đức bị vướng sai phạm liên quan đến sử dụng sai mục đích quỹ đất nhà ở xã hội, nên người dân vẫn chưa được cấp sổ. Ảnh: Lê Anh.

Một dự án chung cư tại Thủ Đức bị vướng sai phạm liên quan đến sử dụng sai mục đích quỹ đất nhà ở xã hội, nên người dân vẫn chưa được cấp sổ. Ảnh: Lê Anh.

Loay hoay gỡ vướng

Liên quan đến kết quả tháo gỡ các dự án bất động sản (BĐS) còn tồn đọng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM đang trong quá trình giải quyết hơn 100 kiến nghị liên quan đến 96 dự án trên địa bàn. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại mới có khoảng 10 kiến nghị được xử lý hoàn tất. Sở TNMT TPHCM vẫn đang xử lý hơn 70 kiến nghị, đồng thời có 7 kiến nghị tạm dừng giải quyết và 2 kiến nghị không phù hợp pháp lý. Một số kiến nghị liên quan đến dự án nhà ở xã hội (NOXH) được Sở này gửi công văn báo cáo UBND TPHCM nhưng đến nay chưa có ý kiến chỉ đạo.

Trong số các chủ đầu tư dự án BĐS đã được tháo gỡ, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành kiến nghị xin được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Vấn đề này, Sở TNMT TPHCM đã có văn bản trình UBND TPHCM chấp thuận cho công ty được nhận chuyển nhượng hơn 23ha đất nông nghiệp để thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng Dự án NOXH tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TPHCM). Trước đó, chủ đầu tư dự án BĐS này đã gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định về thủ tục pháp lý. Trong đó, Dự án NOXH cho thuê Lê Thành An Lạc tại quận Bình Tân (TPHCM) được triển khai xây dựng từ những năm 2017. Dự án đã được ngân hàng đồng ý cho vay thương mại không ưu đãi, thế nhưng do một số bất cập mà doanh nghiệp không vay ưu đãi được. Cực chẳng đã, chủ đầu tư dự án từng phải kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM vào cuộc tháo gỡ để có thể vay tiền. Một chủ đầu tư khác là Tập đoàn KeppleLand kiến nghị Sở TNMT TPHCM về việc gia hạn thời gian cho thuê đất tại dự án Saigon Center ở trung tâm quận 1 (giai đoạn 3). Kiến nghị này đã được Sở TNMT TPHCM xem xét, và đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố có ý kiến về hồ sơ điều chỉnh dự án. Trước đó, ở các dự án Saigon Center IV, V dù được cấp phép đầu tư từ những năm 1993 nhưng sau 29 năm, chủ đầu tư vẫn chưa nhận được mặt bằng sạch. Thậm chí, Bộ Xây dựng cũng đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến thẩm định về việc điều chỉnh các dự án kể trên, nhưng sau đó vẫn phải chờ gỡ vướng của các cơ quan, đơn vị liên quan.

Ngoài ra, trên địa bàn TPHCM còn tồn gần 59.000 căn nhà chưa được cấp sổ hồng. Theo Sở TNMT, số liệu này thuộc danh mục 81.000 căn tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố đã được thẩm định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận nhưng còn vướng mắc nên chưa thể hoàn thành công tác cấp sổ hồng.

Đảm bảo lợi ích người mua nhà

Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội mới đây, ông Võ Công Lực - Trưởng phòng Quản lý đất, Sở TNMT TPHCM đã thông tin về tiến độ việc triển khai cấp sổ hồng cho các khu chung cư khi Luật Đất đai 2024 được thông qua. Về cơ bản, việc giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án chung cư vẫn được Sở TNMT và Văn phòng Đăng ký Đất đai TPHCM giải quyết trên cơ sở hồ sơ nộp vào của chủ đầu tư thực hiện dự án theo đúng thẩm quyền. Ông Lực cho biết, những vướng mắc trong công tác cấp sổ hồng cho các khu chung cư trên địa bàn vẫn đang trong quá trình giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư thực hiện các dự án chung cư. Sau đó, tiến hành thủ tục về cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án này. Sở TNMT và các sở quản lý chuyên ngành của thành phố đã thực hiện phân các nhóm khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ từng bước. Đồng thời, UBND TPHCM cũng đã lập một Tổ công tác để giải quyết triệt để các vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận cho các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn.

Hiện nay các chủ đầu tư dự án BĐS và người mua nhà đặc biệt quan tâm đến thông tin tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ xem xét thông qua nhiều dự án Luật, trong đó có Dự án Luật Đấu giá tài sản và xem xét đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị áp dụng sớm 6 tháng kể từ ngày 1/7/2024 đối với Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023.

Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM đánh giá, các dự án Luật được Quốc hội thông qua sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, xử lý trực tiếp các vướng mắc của thực tiễn triển khai các dự án BĐS hiện nay, đồng thời đáp ứng các yêu cầu, nguyện vọng cấp thiết của người dân, nhà đầu tư. Đối với các vướng mắc của TPHCM trong công tác cấp sổ hồng cho cá nhân, tổ chức, ông Châu cho rằng, các cơ quan chức năng của TPHCM cần tập trung tháo gỡ, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án nhà ở thương mại...

Cũng theo ông Châu, hiện còn có 81.085 căn hộ, nhà ở chưa được cấp Giấy chứng nhận và trong năm 2023 mới giải quyết cấp được 22.147 Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án. Việc tồn đọng đến 58.938 căn hộ thuộc khoảng 100 dự án chưa được cấp giấy chứng nhận đang ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp, cần sớm có cơ chế, chính sách tháo gỡ.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/pha-bang-du-an-bat-dong-san-10280608.html