Phá tảng băng chìm bánh kẹo giả

Vừa qua, người dân địa bàn xã La Phù (cũ), TP Hà Nội đã tự giác giao nộp khoảng 25 tấn bánh kẹo không đảm bảo điều kiện kinh doanh. Cùng với các biện pháp quyết liệt khác, nhiều kỳ vọng đang được đặt ra về việc kiểm soát thị trường bánh kẹo. Từ đó giúp người dân, nhất là trẻ em sẽ không còn bị 'đầu độc' bởi bánh kẹo kém chất lượng, hệ lụy tới sức khỏe.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an về đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm; các cơ quan truyền thông đã đăng các tin bài về việc người dân ở nhiều địa phương đổ trộm số lượng lớn hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dư luận. Trong đó, có địa bàn xã La Phù, huyện Hoài Đức (cũ), TP Hà Nội.

Từ lâu, La Phù nổi tiếng là đầu mối chuyên phân phối các loại bánh kẹo nội địa lẫn nhập khẩu giá rẻ. Từ trước dịp Tết Âm lịch 2025, khi các lực lượng chức năng tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, ráo riết xử lý vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa tại xã La Phù đã khiến tình trạng bánh kẹo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng không thể đưa ra thị trường được buộc phải đổ bỏ như đã thấy.

Theo Công an TP Hà Nội, tính đến hết ngày 9/7 đã có hơn 50 hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn xã La Phù (cũ) tự nguyện giao nộp hàng hóa với số lượng khoảng 25 tấn bánh kẹo, thực phẩm các loại (táo đỏ, xúc xích, lương khô...). Hiện chính quyền địa phương khuyến khích bà con tiếp tục tự nguyện giao nộp hàng hóa không đúng quy định để tiến hành tiêu hủy, nhằm góp phần phá tảng băng chìm bánh kẹo giả.

Từ câu chuyện bánh kẹo bị đổ bỏ khi lực lượng chức năng ra quân, người ta nhìn thấy rõ hơn lỗ hổng trong quản lý, giám sát kinh doanh thực phẩm lâu nay. Những “núi” rác bánh kẹo không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn là lời cảnh báo về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu đang len lỏi sâu vào thị trường. Nguy hại hơn thế, thực phẩm giả, bánh kẹo giả không tuân thủ các qui trình kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy không phải cho đến khi bánh kẹo bị đổ bỏ, thời gian qua do tâm lý “ăn gì cũng sợ” nên có một bộ phận bà nội trợ đã chuyển hướng sang thực phẩm “nhà làm” với mong muốn được xài đồ sạch. Xu hướng này đã khiến cho hàng gắn mác “nhà làm” lên ngôi, thậm chí trở thành nơi cứu cánh cho tâm lý người tiêu dùng trước vấn nạn thực phẩm bẩn, bánh kẹo, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhưng rõ ràng hàng “nhà làm” hiện nay cũng đa phần không có chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, niềm tin được đặt cả vào cái tâm của người bán.

Từ các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm nói chung, các sản phẩm bánh kẹo đổ bỏ thời gian gần đây, yêu cầu đặt ra là chính quyền địa phương cần quan tâm sâu sát, quyết liệt và mạnh tay hơn nữa trong việc quản lý, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm xảy tra trên địa bàn. Nhằm đảm bảo công bằng với các cơ sở hoặc doanh nghiệp sản xuất chuẩn chỉ, cần nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe; gắn vi phạm với mã định danh cá nhân, tiến tới đình chỉ kinh doanh vĩnh viễn với cá nhân, tổ chức tái phạm nghiêm trọng. Tránh tình trạng cơ sở vi phạm bị tước giấy phép xong lại chuyển địa điểm khác.

Trong khi chờ những giải pháp căn cơ, trước mắt mỗi người dân cần trở thành “tai mắt”, chủ động giám sát, phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm đang len lỏi trong đời sống hằng ngày. Ở góc độ người tiêu dùng, nên nâng cao nhận thức, xây dựng thói quen tiêu dùng bảo đảm an toàn, quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm- trong đó có bánh kẹo.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/pha-tang-bang-chim-banh-keo-gia-10310055.html