Phá thế độc đạo cho hạ tầng giao thông miền núi Quảng Trị. Bài 4: Những con đường mang đến ấm no

Vùng miền núi Quảng Trị là nơi sinh sống của đa số người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô. Quá trình mưu sinh của người đồng bào nơi đây vốn gắn liền với núi rừng và nương rẫy nên cuộc sống đói nghèo, lạc hậu quanh năm. Khi hạ tầng giao thông miền núi được đầu tư xây dựng, cuộc sống của người dân được đổi thay. Đường đi đến đâu, những ngôi nhà sàn theo cung đường uốn lượn mọc lên đến đó, trở thành 'tổ ấm' vững chãi, tươi mới của người Vân Kiều, Pa Kô, từ đây bà con có thêm điều kiện để phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa...

 Ngôi nhà sàn khang trang của chị Hồ Thị Vang nằm cạnh đường Lìa -Ảnh: H.N

Ngôi nhà sàn khang trang của chị Hồ Thị Vang nằm cạnh đường Lìa -Ảnh: H.N

Đường đến trường bớt gian nan Anh Hồ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã A Vao sinh năm 1983. Thuộc thế hệ 8X nhưng vì sinh ra ở một bản khó khăn thuộc một trong những xã khó khăn nhất của huyện Đakrông nên con đường đến trường đối với anh Hùng rất đỗi gian nan.

Thời đó, quãng đường từ xã A Vao đến xã Tà Rụt dài chưa tới 10 km, chỉ là một con đường mòn nhỏ hẹp, len lỏi giữa rừng, băng qua nhiều khúc suối. Lên THCS, anh Hùng và các bạn phải trèo đèo, lội suối theo con đường đó ra xã Tà Rụt theo học con chữ. Cha mẹ bận bám nương rẫy. Đường đến trường với những nguy hiểm rình rập bước chân của rất nhiều học sinh A Vao thời đó. Không chỉ vậy, họ phải vượt qua cả sự nghèo đói, lạc hậu để theo con chữ.

Năm 2004, khi anh Hùng về xã nhận công tác, cũng là thời điểm đường Tà Rụt-A Vao dài 6,06 km (điểm đầu giao đường Hồ Chí Minh nhánh Tây tại km 300+087, điểm cuối tại UBND xã A Vao) được thi công. Với kinh phí đầu từ trên 17 tỉ đồng, giao thông nối từ xã AVao với thị tứ Tà Rụt (trung tâm cụm xã phía Nam Đakrông) trở nên thuận lợi hơn. Đường xây xong, hơn 40 hộ dân được di dời từ các bản vùng sâu ra sinh sống dọc trục đường này. Ngôi trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở A Vao được xây dựng ngay trung tâm xã. “Mỗi buổi sáng đến trụ sở làm việc, nghe tiếng trống trường giục giã vang lên, tôi thấy trào dâng niềm hạnh phúc. Hơn ai hết, tôi cảm nhận được bước chân đến trường của học sinh trong xã không những ngắn lại mà còn thuận lợi hơn rất nhiều”.

Anh Hồ Văn Ngoãn (sinh năm 1987) ở thôn A Vao, cũng có chung cảm nhận đó. Chỉ về phía quả đồi sau lưng, anh nói: “Trước nhà ở khuất sau quả đồi. Cố gắng trèo đồi, vượt suối đi học nhưng chưa hết tiểu học phải bỏ, cực quá. Nay ra đây, trường học ngay trước mặt nhà, các con chỉ cần bước qua đường là đến trường. Vui cái bụng lắm”.

Để trở thành phó chủ tịch UBND xã Thanh, một trong 7 xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa, anh Hồ Văn Them (sinh năm 1985), cũng phải kiên trì “bám đường” theo học. Nhà ở thôn Xung (nay là thôn Mới) sát bờ sông Sê Pôn, lên THCS, anh sang học ở xã A Túc. “Đi học phải cầm theo cây gậy để gạt bớt cây cối làm lối đi. Bụng thì đói, đường thì dài, 36 học sinh trong xã theo học THCS vào lứa tuổi của tôi nhưng khi tốt nghiệp chỉ còn 3 người”, anh Them cho biết.

Kể từ khi tỉnh lộ 586 cùng hệ thống đường liên thôn, liên xã được đầu tư, đường đi học của không chỉ con em xã Thanh mà toàn bộ vùng Lìa thuận lợi hơn nhiều. Anh Them chia sẻ: Trường THCS xã Thanh được xây dựng ở trung tâm xã, nên học sinh không phải sang học ở xã bên. Số học sinh trong xã đến trường hằng năm đạt trên 95%.

Có đường, có ấm no

Ngồi trong ngôi nhà mặt tiền đường ĐT 588a thuộc địa phận xã Ba Lòng được xây khang trang, ông Nguyễn Thái Phùng (sinh năm 1956), thôn Tân Xá không giấu được niềm vui khi nhắc đến câu chuyện làm ăn của gia đình mình. Khi con đường dài 19 km này được thông tuyến, cuộc sống của người dân vùng chiến khu cách mạng Ba Lòng xưa như sang một trang mới. “Giao thông không còn cách trở, tôi đã vay mượn tiền mua một chiếc xe ben trị giá 240 triệu đồng để vận chuyển vật liệu và nông sản cho bà con trong vùng. Nhu cầu xây dựng nhà ở kiên cố của người dân thời điểm đó tăng cao nên chỉ ít năm sau, tôi lấy lại được vốn. Khi người dân trong vùng chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp do không còn khó khăn trong khâu tiêu thụ, tôi sắm thêm máy cày (đến năm 2013 thì có được 3 chiếc), chia cho các con trai trong gia đình phục vụ bà con. Lúc vào vụ, máy nhà tôi làm không kịp. Thu nhập của gia đình một năm trừ chi phí được hơn 200 triệu đồng”, ông Phùng chia sẻ.

 Hạ tầng giao thông được đầu tư đã kết nối các bản làng vùng sâu, vùng xa với cuộc sống bên ngoài - Ảnh: H.N

Hạ tầng giao thông được đầu tư đã kết nối các bản làng vùng sâu, vùng xa với cuộc sống bên ngoài - Ảnh: H.N

Ngày con đường thông tuyến vào năm 2006, người dân Ba Lòng đã treo cờ và tràn ra đường chào đón. “Tuyến đường thi công mất hơn 3 năm, không phải người dân chúng tôi không biết. Vậy nhưng ngày thông đường, vẫn ngỡ con đường trước mắt là giấc mơ”, ông Phùng chia sẻ.

Bởi lẽ, nhiều năm trước đó, phương tiện giao thông chủ yếu của người dân Ba Lòng là thuyền và tuyến đường quen thuộc là sông Thạch Hãn từ Ba Lòng về thị xã Quảng Trị. Đi học, đi công tác, đi chợ, đi bệnh viện... tất cả đều trên tuyến đường sông này. Vì thế mới có chuyện một chuyến đi chợ cả đi về mất 3 ngày và gần như toàn bộ nhà cửa của người dân trong vùng không được xây dựng kiên cố vì chi phí vận chuyển vật liệu quá cao. Nói về sự đổi thay do đường ĐT 588a mang lại, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Lòng, huyện Đakrông Phan Minh Lộc cho biết: Từ một xã gần như 100% nhà tranh, vách đất nay hầu hết người dân Ba Lòng chuyển sang xây nhà kiên cố; từ xã có số hộ nghèo 56% vào năm 2005, đến nay giảm còn 10,2%. Với thế mạnh là lạc và đậu xanh, hiện xã Ba Lòng đang xây dựng hai sản phẩm này trở thành sản phẩm OCOP tỉnh.

Pả Nhớ (sinh năm 1980) là điển hình làm kinh tế giỏi của xã Thanh, huyện Hướng Hóa. Anh là thành viên của câu lạc bộ người trồng sắn thu nhập trên 100 triệu đồng của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa (đơn vị thành viên thuộc Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị). Trước đây, nhà của Pả Nhớ nằm sâu trong thôn Pa Lọ Ô (nay là thôn Thanh Ô), sau khi con đường liên xã nối xã Thanh và xã Xy được đầu tư xây dựng, nhà Pả Nhớ di dời ra định cư trên con đường này. Từ đây, nhờ chăm chỉ làm ăn, Pả Nhớ đã trồng sắn, trồng chuối, chăn nuôi bò, dê để đưa gia đình từ hộ nghèo trở thành điển hình tiên tiến như hôm nay với gia sản gồm 5 ha sắn; 1 ha tiêu; 2 ha chuối và đàn bò, dê sinh trưởng tốt. “Có đường Lìa và nhà máy tinh bột sắn, dân bản miềng mới có cơ hội thoát nghèo. Trước trồng sắn không ai mua, chỉ để ăn, ăn không hết phơi khô dành cho mùa giáp hạt. Có đường, xe nhà máy vào thu mua tại chỗ. Thời điểm năm 2013, mỗi vụ gia đình miềng bán được khoảng 16 xe, trừ chi phí thu về 200 triệu đồng”, Pả Nhớ cho biết. Còn chị Hồ Thị Vang (sinh năm 1989), xã Thanh, chỉ vào ngôi nhà sàn khang trang bậc nhất xã nằm ngay trên tuyến đường Lìa khoe “nhờ cây sắn cả đó”. Chị có cách tính toán, dành dụm rất đơn giản: “Chuối thì bán lấy tiền chi phí hằng ngày, sắn thì bán để dành tiền làm nhà, cho con ăn học”.

Có đường thuận tiện trong đi lại và giao thương, có nhà máy thu mua nguyên liệu tại chỗ, cuộc sống của người dân các xã vùng Lìa ngày một đổi thay. Những năm gần đây, người dân còn chú trọng đến việc chuyển đổi mô hình, đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập. Điển hình như từ mô hình thí điểm trồng cây cà gai leo trên diện tích 1 ha của gia đình bà Căn Ling, thôn Tăng Cô - Hang, xã Lìa vào năm 2019, đến nay Hội Nông dân xã Lìa đã nhân rộng thêm 5 mô hình trồng cà gai leo trong xã, trung bình mỗi mô hình có diện tích khoảng 3 sào. Theo tính toán, nếu được trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, 1 ha cà gai leo mỗi năm sẽ cho thu hoạch khoảng 6 tấn sản phẩm, với giá bán giao động từ 15-20 nghìn đồng/kg.

Phát triển du lịch cộng đồng

Giao thông được kết nối đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Quảng Trị phát triển du lịch cộng đồng-một khái niệm khá xa lạ trước đó đối với họ.

Nằm trên QL 9 thuộc xã Đakrông, huyện Đakrông, Khu du lịch cộng đồng Klu (đi vào hoạt động từ năm 2018 với sự hỗ trợ của dự án Phát triển du lịch tiểu vùng sông Mê Kông), mang vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên đa dạng. Khu du lịch này ngoài điểm nhấn có suối nước nóng tự nhiên còn là điểm hẹn văn hóa của người dân tộc Vân Kiều.

Trước đây, khi COVID-19 chưa bùng phát, có năm khu du lịch thu hút hơn 25 nghìn lượt khách, doanh thu đạt hơn 2 tỉ đồng. Chị Phan Thị Dung (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tuy còn hoang sơ nhưng khu du lịch này để lại ấn tượng với tôi khi được trải nghiệm các dịch vụ của người dân tộc thiểu số ở địa phương. Ngoài thưởng thức những món ăn, thức uống đặc trưng của vùng miền, chúng tôi còn được tìm hiểu về văn hóa của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô”. Thôn Klu có 151 hộ dân, với 652 nhân khẩu, trong đó đồng bào Vân Kiều chiếm trên 75% dân số. Khi Khu du lịch cộng đồng Klu vào hoạt động, người dân tộc Vân Kiều ở đây dần biết đến khái niệm du lịch cộng đồng. Điều này giúp họ có thêm việc làm và thu nhập. Khách du lịch muốn ngược lên phía đỉnh núi để trải nghiệm cảm giác nóng dần của con suối, thanh niên trong bản được thuê dẫn đường còn phụ nữ được thuê chuẩn bị đồ ăn, nước uống. Khi khách sử dụng các dịch vụ tại chỗ, người dân lại có điều kiện tiêu thụ các nông sản địa phương do mình chăn nuôi, sản xuất như măng rừng, thổ cẩm, rượu cần...

Không chỉ có Klu, miền Tây Quảng Trị là địa phương được biết đến với các điểm tham quan di tích lịch sử, du lịch trải nghiệm, khám phá ấn tượng như Khu du lịch Làng Vây, sân bay Tà Cơn, đèo Sa Mù, thác Chênh Vênh... Trong tương lai, khi những công trình điện gió ở Hướng Hóa hoàn thành, “cung đường điện gió” chắc chắn sẽ tạo thêm điểm nhấn ấn tượng cho du lịch địa phương. Cùng với việc hoàn thiện hạ tầng giao thông miền núi, trong đó các tuyến đường dẫn đến các điểm tham quan, du lịch được đầu tư đồng bộ, thông suốt, người dân địa phương có thêm điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng. Vì vậy, thời gian tới, bên cạnh việc kêu gọi đầu tư xây dựng các điểm du lịch cộng đồng bền vững, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tham gia vào hoạt động du lịch thông qua khôi phục, phát triển các mô hình làng nghề, các loại cây trồng, con nuôi đặc trưng của người dân địa phương. Đồng thời tiếp tục quan tâm đến hạ tầng giao thông để tạo nên những cung đường kết nối mọi miền, mọi nhà, mang đến nhiều hơn nữa sự đổi thay và no ấm cho người dân...

Phan Hoài Hương - Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=159092&title=pha-the-doc-dao-cho-ha-tang-giao-thong-mien-nui-quang-tri-bai-4-nhung-con-duong-mang-den-am-no