Phác đồ mới điều trị Covid-19

Hướng dẫn mới nhất về chẩn đoán và điều trị Covid-19 vừa được Bộ Y tế ban hành đã bổ sung các thuốc kháng virus, kháng thể kháng virus, ức chế Interleukin-6

Chiều 7-10, Bộ Y tế tổ chức tập huấn phác đồ mới điều trị Covid-19. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết đợt dịch lần thứ 4 bắt đầu từ Hải Dương, sau đó là TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Đánh giá lại một chặng đường

Trên thế giới, tỉ lệ tử vong do Covid-19 là 2,1%, tại Việt Nam là 2,4%-2,5% trong hơn 800.000 ca mắc. "Đợt dịch thứ 4, với biến chủng Delta thì tất cả những gì chúng ta chuẩn bị vẫn hết sức bất ngờ, cả phát hiện sớm, thu dung, hồi sức và việc chuẩn bị đáp ứng với Delta trong giai đoạn đầu hết sức khó khăn và chưa đủ" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Nói về chiến lược điều trị Covid-19, PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết những thay đổi trong điều trị bệnh nhân Covid-19 ở đợt dịch lần thứ 4 phát huy hiệu quả. Cùng với việc đẩy mạnh xét nghiệm để truy tìm F0 thì chiến lược điều trị F0 tại nhà, bắt đầu từ ngày 21-8, là bước ngoặt rất lớn trong điều trị.

Việc cách ly tại nhà, tăng cường dinh dưỡng, tập luyện, tiếp đến là trạm y tế lưu động và cung cấp túi thuốc an sinh tại nhà cho các F0, kết nối cán bộ y tế, thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân nặng; phân tầng điều trị cùng tăng cường nhân lực, trang thiết bị, hệ thống cung cấp ôxy… dẫn đến số ca tử vong do Covid-19 giảm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phổ biến các hướng dẫn mới của Bộ Y tế cho các đại biểu

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phổ biến các hướng dẫn mới của Bộ Y tế cho các đại biểu

Theo ông Lương Ngọc Khuê, ở giai đoạn đầu, nhiều bệnh viện của TP HCM lúng túng trong điều trị, chuyển viện, nhiều người bệnh không có phương tiện vận chuyển đến cơ sở y tế. Số lượng F0, F1, F2 lớn làm ngành y tế quá tải, thiếu nhân lực y tế. Hiện số tử vong giảm nhưng cần thích ứng giai đoạn mới. Do tỉ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 còn hạn chế nên cần xác định điều chỉnh chiến lược điều trị để chung sống với Covid-19. Với các bệnh viện, sẽ là bệnh viện chia đôi, một nửa khám chữa bệnh thông thường và một nửa sẵn sàng, chủ động chống dịch.

Đưa thuốc kháng virus vào điều trị

Về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 cập nhật lần thứ 7, thay thế phiên bản vừa ban hành vào tháng 7, PGS Lương Ngọc Khuê cho biết hướng dẫn lần này cập nhật các triệu chứng liên quan biến thể Delta.

Cụ thể, thời gian ủ bệnh của biến thể Delta ngắn hơn, với các biểu hiện như đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, ho, sốt, tiêu chảy, khó thở, đau cơ. Đối với thể Delta, tỉ lệ nhập viện, nhập ICU (hồi sức cấp cứu) và tử vong tăng hơn trước. Chủng này cũng có tải lượng virus cao hơn 1.260 lần và khả năng lây cao hơn 15%-20% so với các chủng khác. Tại phác đồ mới nhất này, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể với 3 loại thuốc: Kháng virus, kháng thể kháng virus, ức chế Interleukin-6 (IL-6).

Theo bác sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, với thuốc kháng virus, Bộ Y tế đã bổ sung thuốc Molnupiravir 400 mg chỉ định dùng cho bệnh nhân nhẹ với thời gian điều trị là 7-14 ngày. Molnupiravir là thuốc dạng viên uống nên người bệnh dễ dàng điều trị tại nhà đối với người lớn mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ và trung bình. Các nghiên cứu bổ sung đang được tiến hành để xác định phác đồ hiệu quả nhất. Thuốc này chống chỉ định với phụ nữ có thai, phụ nữ đang có kế hoạch mang thai, người dưới 18 tuổi, suy gan, suy thận nặng, phụ nữ cho con bú.

Kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố tại một số quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt là giúp giảm tải lượng virus rõ rệt. Đến nay, Molnupiravir đang thử nghiệm giai đoạn 3, đồng thời được Bộ Y tế đưa vào túi thuốc điều trị F0 tại nhà có triệu chứng nhẹ ở TP HCM. Người bệnh sẽ ký cam kết sử dụng thuốc đúng mục đích, đúng hướng dẫn trước khi nhận thuốc.

Các kết quả điều trị cho thấy thuốc khá an toàn và không có những phản ứng phụ nghiêm trọng, góp phần giảm tỉ lệ bệnh nhân nặng. Với thuốc Remdesivir, sau thời gian đưa vào điều trị bệnh nhân Covid-19 ở TP HCM và một số nơi, Bộ Y tế đang tổng hợp kết quả để đánh giá hiệu quả. Theo đánh giá, về cơ bản, thuốc đã góp phần điều trị giảm được nồng độ virus và giảm tỉ lệ tử vong.

Giảm số lần xét nghiệm RT-PCR

Trong hướng dẫn điều trị mới nhất, Bộ Y tế cũng giảm số lần xét nghiệm RT-PCR còn một lần, không xét nghiệm sau khi ra viện trong thời gian theo dõi tại nhà. Khi về nhà, người bệnh chỉ thực hiện theo dõi tại nhà, chỉ yêu cầu cách ly y tế với những trường hợp có xét nghiệm dương tính kéo dài và phải cách ly tại cơ sở y tế 21 ngày trở lên.

Ngọc Dung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/phac-do-moi-dieu-tri-covid-19-20211007214104417.htm