Phải đặt chất lượng quy hoạch lên hàng đầu

Tại cuộc làm việc với Bộ Công thương vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành' ghi nhận quyết tâm của Bộ trong việc hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia được giao. Tuy nhiên, song song với tiến độ, một yêu cầu nhất quán được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn giám sát và các thành viên Đoàn giám sát nhấn mạnh là: Phải đặt 'chất lượng quy hoạch lên hàng đầu.'

Chậm ban hành quy hoạch - "mảnh đất" màu mỡ cho lợi ích nhóm?

Bộ Công thương được Thủ tướng giao nhiệm vụ lập 5 quy hoạch ngành quốc gia từ năm 2018, song, đến nay mới chỉ có 1 quy hoạch đã tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt, 1 quy hoạch đã tổ chức lấy ý kiến, đang hoàn thiện để thẩm định, 2 quy hoạch đang tổ chức lấy ý kiến. Riêng với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng phóng xạ đã được Thủ tướng đồng ý chưa tiến hành xây dựng, do chưa có kết quả đánh giá tiềm năng tài nguyên urani tại Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại cuộc làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại cuộc làm việc

Ảnh: T.Thành

Sự chậm trễ trong việc lập các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực công thương theo giải trình của lãnh đạo Bộ này là bởi các quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và cả các quy hoạch ngành có liên quan, song vì các quy hoạch này hầu hết đều đang được xây dựng song song, nên gặp khó khăn trong kế thừa các nội dung có liên quan. Cũng theo lãnh đạo Bộ Công thương, với quy định tại Luật Quy hoạch, các quy hoạch ngành quốc gia phần lớn là quy hoạch hạ tầng, nên vị trí và vai trò của quy hoạch ngành quốc gia khác với các quy hoạch trước đây. Việc nhiều quy hoạch cụ thể có tính chất, đặc thù khác nhau nhưng lại được thể hiện trong một quy hoạch ngành cũng là một khó khăn với quá trình xây dựng quy hoạch ngành quốc gia của Bộ Công thương.

Một lý do khác được đưa ra tại báo cáo của Bộ Công thương là Thông tư 08/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn định mức chi phí cho hoạt động quy hoạch thiếu hướng dẫn cho một số loại chi phí gián tiếp trong quá trình xây dựng quy hoạch. Vì vậy, phải áp dụng hoặc dẫn chiếu các quy định khác nên việc lập dự toán gặp khó khăn, không thống nhất.

Ghi nhận các nguyên nhân khách quan dẫn đến chậm trễ lập quy hoạch ngành quốc gia của Bộ Công thương, song các thành viên Đoàn giám sát nhấn mạnh, các quy hoạch ngành quốc gia thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương đều có ý nghĩa là "xương sống" của nền kinh tế nên việc chậm ban hành sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Đơn cử như quy hoạch điện lực, nếu chậm ban hành thì mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại sẽ thực hiện trên cơ sở nào? Trong khi đó, về lý do chậm trễ được Bộ Công thương đưa ra là bởi phải tích hợp quy hoạch nhiều lĩnh vực cụ thể, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đặt câu hỏi, vậy tại sao không để quy hoạch điện lực mang tính chất định hướng, cân bằng với từng giai đoạn phát triển, đánh giá tiềm năng, xu hướng phát triển, mà lại để dưới hình thức quy hoạch cụ thể đến từng dự án? Quy hoạch điện lực mang tính định hướng mà đưa vào các quy hoạch phát triển cho từng lĩnh vực có thực sự hợp lý hay không?

Báo cáo của Bộ Công thương cũng chưa chỉ ra trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan trong việc chậm trễ lập các quy hoạch ngành quốc gia được giao. Chỉ ra thiếu sót này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải lưu ý, hậu quả của việc chậm tiến độ lập, ban hành quy hoạch không khó thấy, vì ngay với Quy hoạch Điện VIII đến nay chưa được phê duyệt, thì trong năm 2019, 2020 với ưu đãi giá fit cho điện tái tạo, trên cả nước đã có 137 nhà máy điện mặt trời, điện gió được đưa vào sử dụng. Nguồn điện tạo ra lớn như vậy nhưng hệ thống truyền tải không có đã gây bức xúc cho nhà đầu tư và người dân, nhất là trong những đợt thiếu điện. Hơn nữa, qua tiếp nhận phản ánh, ông Trần Văn Khải cho biết, do chưa có Quy hoạch Điện VIII nên điều chỉnh so với Quy hoạch Điện VII rất nhiều, khiến một số chuyên gia phải cảnh báo “chưa có quy hoạch là mảnh đất màu mỡ cho nhóm lợi ích có thể tùy tiện điều chỉnh”.

Từ góc độ của cơ quan thẩm định các quy hoạch ngành quốc gia, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ với ngành công thương và cho rằng, nếu làm quy hoạch khung định hướng với Quy hoạch Điện VIII thì ngay với định mức dự kiến điện gió hiện nay thì chỉ hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận đã có thể hút hết dự án. Quy hoạch định hướng như vậy cũng có thể tạo ra một cuộc chạy đua cực kỳ khốc liệt giữa các địa phương, tỉnh nào đi trước sẽ thắng, giành một phần công suất sẽ tác động rất lớn đến tăng trưởng của địa phương. Khi quy hoạch chi tiết thì khối lượng công việc của Bộ Công thương rất nặng nề, phải thuê chuyên gia tư vấn nhiều lần, tính toán kỹ lưỡng, số liệu đầu vào, đầu ra để sao có một danh mục hợp lý.

Các vướng mắc pháp lý đã được tháo gỡ

Giải trình thêm với Đoàn giám sát về nguyên nhân khiến tiến độ xây dựng quy hoạch ngành quốc gia thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương bị chậm trễ, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, đây đều là quy hoạch chuyên sâu, kỹ thuật, đồng thời phải bảo đảm tính dự báo. Bộ Công thương sẽ cố gắng làm sớm trong quý I.2022 các quy hoạch về điện lực, khoáng sản, xăng dầu… một số quy hoạch khác sẽ lùi thời gian hoàn thành vì phải chờ hai quy hoạch nền tảng của ngành được phê duyệt.

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, việc xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực công thương chủ yếu vướng mắc ở giai đoạn đầu triển khai thi hành Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, sau khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương, được sự tư vấn của các đơn vị tư vấn thì hiện đã không còn các vướng mắc pháp lý, chỉ thực hiện theo quy trình, thủ tục. Bộ Công thương “sẽ bảo đảm tiến độ hoàn thành các quy hoạch ngành đúng như thời hạn báo cáo với Đoàn giám sát”, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.

Ghi nhận nỗ lực của Bộ Công thương, các đơn vị chức năng trong việc đẩy nhanh tiến độ và đưa ra những cam kết cụ thể về thời gian trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt từng quy hoạch ngành quốc gia cụ thể, song, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý, Bộ Công thương cần có báo cáo cụ thể về các điều kiện cần và đủ để hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng với những quy hoạch ngành quốc gia cam kết hoàn thành trong quý I và II.2022. Trong đó, Bộ phải chú ý đến chất lượng tư vấn, thẩm định… tăng cường tham vấn các tổ chức quốc tế, vì nhiều vấn đề của bộ liên quan đến thị trường thế giới và yêu cầu chống biến đổi khí hậu.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phai-dat-chat-luong-quy-hoach-len-hang-dau-a0qv8wfa9f-80654