Phải giữ lấy rừng!
Đầu tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh hướng tuyến dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, đoạn qua địa bàn huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ. Hướng tuyến mới đi tránh rừng phòng hộ, nhờ đó rừng dương dọc biển dài 25km, có nơi rộng tới 1km, được giữ lại gần như trọn vẹn. Nếu theo hướng tuyến cũ sẽ làm mất đi 35ha rừng phòng hộ và phương án này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân.
Để giữ được rừng theo ý nguyện người dân, các cơ quan chức năng của Quảng Ngãi mất hơn nửa năm tìm hướng giải quyết. Tỉnh chấp nhận một con đường cong cong thay vì thẳng tắp như trước và gánh trên vai áp lực tiến độ triển khai dự án trọng điểm… Đổi lại, rừng dương sẽ chắn gió, chắn nước, giữ bình yên cho làng mạc và cây cối mỗi khi mưa bão tới. Sự tồn tại của rừng dương có “tuổi đời” nhiều hơn những cụ cao niên ở bãi ngang Mộ Đức này cũng là yếu tố không thể thiếu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Không còn là chuyện của tương lai, biến đổi khí hậu đang hiển hiện trước mắt. Không phải là chuyện của thế giới, biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến nước ta. Bằng chứng là Thừa Thiên Huế vừa hứng chịu những đợt mưa trái mùa bất thường gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng trong khi Hà Nội chuẩn bị đón không khí lạnh giữa mùa hạ; Ấn Độ và Pakistan đang biến thành “chảo lửa” với đỉnh nhiệt 49 độ C trong khi Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác ghi nhận những ngày tháng 5 lạnh bất thường…
Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Scientific Reports, biến đổi khí hậu đang khiến tốc độ của vòng tuần hoàn nước diễn ra nhanh hơn. Điều này là một phần dẫn đến mưa nắng thất thường và các cơn bão mạnh xảy ra thường xuyên hơn, ngay cả khi chưa phải mùa mưa bão.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu công bố tháng 2.2022 cảnh báo, khí hậu sẽ khắc nghiệt hơn gấp 4 lần vào năm 2100 kể cả khi nhiệt độ bề mặt Trái Đất chỉ tăng thêm 1,5 độ C. Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng lên 2 độ C, số trận bão, lũ, hạn hán và sóng nhiệt sẽ tăng gấp 5 lần. Khi đó, trái đất sẽ suy thoái theo hàng trăm cách khác nhau, trong đó có những cách không thể đảo ngược.
Cũng theo báo cáo này, hơn 1 tỷ người ở các vùng ven biển đối mặt với nguy cơ ngập lụt vào giữa thế kỷ, gần 50% dân số thế giới trong vùng nguy hiểm vì biến đổi khí hậu và 14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Trước thách thức nghiêm trọng của toàn cầu, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), gần 150 quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ, trong đó có Việt Nam. Có rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa mục tiêu này, trong đó quản lý và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có và đẩy mạnh trồng rừng mới để hấp thụ, lưu giữ carbon là vô cùng quan trọng.
Tại Hội nghị Trung ương 5, Khóa XIII đang diễn ra, Trung ương thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Với bối cảnh hiện nay, yêu cầu kiểm soát và quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng (cả đặc dụng và phòng hộ) càng phải được đặt ra. Bằng mọi giá phải giữ lấy rừng, bởi đây là bảo bối, là vũ khí hữu hiệu của chúng ta trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu - thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ này.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-de-hom-nay/phai-giu-lay-rung--i287651/