Phải làm sao khi con bị cô giáo đánh nhưng không kể với mẹ?
Nhiều cha mẹ đau đầu về việc con bị cô giáo đánh ở trên lớp, nhưng khi về nhà thì không kể cho bố mẹ, thậm chí khi bố mẹ gặng hỏi cũng nhất định không chịu nói.
Vừa về đến nhà, chị Hoàng (31 tuổi, nhân viên kế toán, Hoàng Mai, Hà Nội) vội lôi xềnh xệch cô con gái 5 tuổi từ trên phòng xuống, kiếm tra khắp người con. Và khi thấy ở chân con có một vết bầm nhỏ, chị gắt lên với con bé: “Tại sao con bị cô đánh mà con không nói với mẹ hả? Sao con không có mồm thế? Con nhà người ta bị cô giáo đánh là về mách mẹ ngay còn con nhà mình thì ngậm hạt thị”.
Hóa ra, chị sang nhà bạn chơi, cậu bé con của bạn lại học cùng lớp với con của chị. Khi vừa thấy chị, thằng bé đã mồm năm miệng mười tố cáo việc bé Thùy nhà chị bị cô giáo đánh vào chân vì tội làm đổ thức ăn ra bàn. Chị nghe xong ớ người ra, xấu hổ với bạn thì ít mà bực con không báo với mẹ việc tày đình thế này thì nhiều.
Có lẽ, chị Hoàng chỉ là một trong số rất nhiều phụ huynh cảm thấy không thoải mái khi con giấu giếm với mẹ việc mình bị cô giáo đánh ở trên lớp. Tuy nhiên, ứng xử như thế nào trong tình huống trên cho phù hợp lại không phải là chuyện đơn giản.
Vì sao các bé giấu bố mẹ việc bị cô giáo đánh?
Chị Tâm (mẹ của bé An 4 tuổi) kể lại câu chuyện của mình: “Mình nhìn thấy trên camera của trường hẳn hoi việc cô có đánh vào tay con bé. Thế nhưng khi về nhà, con vẫn cư xử bình thường, chẳng nói gì với mẹ cả. Khi mình hỏi con là có bị cô đánh không, con còn bảo không có. Cô yêu con lắm.
Mình hỏi dồn mãi, con mới nhận là có bị cô đánh. Hỏi con vì sao không nói với mẹ, bé nhất quyết im lặng. Hỏi tới nguyên nhân bị cô đánh, bé lại càng lì hơn, cứ khóc nấc lên thôi. Hôm sau, hỏi cô chuyện đánh tay con, thì cô bảo là vì con chơi đồ chơi xong không dọn mà còn ném tung tóe ra sàn. Cô nhắc nhiều lần không được, cáu quá nên mới đánh tay con”.
Lí giải về nguyên nhân khiến bé bị cô giáo đánh đòn nhưng lại giấu bố mẹ, thạc sĩ Trần Thị Thảo (giảng viên khoa Tâm lí – Giáo dục học trường Đại học Thủ đô Hà Nội) chia sẻ: “Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ che giấu việc bị cô giáo đánh ở trường.
Phổ biến nhất, có thể kể tới việc cô giáo nhắc trẻ không được nói việc mình bị đánh với bố mẹ, thậm chí đe dọa, mắng mỏ trẻ để trẻ im lặng. Nguyên nhân thứ hai, là do bố mẹ đặt quá nhiều kì vọng vào trẻ, khiến trẻ cảm thấy việc mình bị cô đánh, phạt, có thể khiến bố mẹ khó chịu, không vui vì trẻ có lỗi nên trẻ tự im lặng. Việc trẻ bị đánh cũng khiến các em tự ti, tủi thân, muốn quên đi, đừng ai biết tới nên trẻ im lặng, che giấu phụ huynh”.
Có lẽ, đây chính là nguyên nhân khiến bé Thùy (con chị Hoàng) không dám nói với mẹ việc bị cô giáo đánh đòn. Vì chị Hoàng luôn hãnh diện về việc bé Thùy rất ngoan, nghe lời mẹ, khéo léo... Đi đâu chị cũng khoe về bé nên việc bé bị cô đánh đòn vì làm đổ thức ăn ra bàn là việc bé muốn giấu mẹ, thế nên, bé giấu luôn cả việc bị cô giáo đánh.
Ứng xử ra sao khi con giấu việc bị cô giáo đánh
Nếu bé bị cô giáo đánh mà giấu, mẹ sẽ gặp khó khăn trong việc bênh vực và bảo vệ quyền lợi chính đáng của con. Thế nên, việc làm thế nào khi con rơi vào tình huống này là điều rất nhiều bố mẹ trăn trở.
Có thể thấy, việc đầu tiên khi bố mẹ cần làm, chính là để ý và phát hiện những bất thường ở cơ thể của con. Mặc dù, ở giai đoạn mẫu giáo lớn và khi lên đến cấp tiểu học, một số bé đã có thể tự vệ sinh cơ thể nên bố mẹ sẽ gặp chút khó khăn khi kiểm tra cơ thể của bé hàng ngày nhưng sau khi bé tắm, bố mẹ vẫn có thể ngó qua để phát hiện một số bất thường như vết lằn, vết xước.
Sau đó, bố mẹ có thể nhẹ nhàng hỏi nguyên nhân dẫn tới những vết thương này ở bé. Tuy nhiên, như trên đã phân tích, việc tìm ra nguyên nhân khiến trẻ che giấu việc mình bị đánh mới có thể giải quyết được vấn đề.
Video: Học sinh không làm bài, bị cô giáo đánh bầm tím - Gia đình đồng ý bỏ qua
Chính vì thế, trong tình huống này, việc mà bố mẹ nên làm, không phải là mắng nhiếc trẻ vì việc mà trẻ đã phạm lỗi ở lớp. Điều này, khiến trẻ tin rằng mình bị phạt, bị cô đánh đòn là đúng và lần sau, sẽ tiếp tục im lặng để tránh bị trách phạt lần thứ hai bởi bố mẹ.
Vì thế, hãy bày tỏ sự đồng cảm với việc trẻ bị đánh, nói với con rằng bạn hiểu con cảm thấy buồn, thấy đau ra sao khi bị cô đánh và bạn mong muốn con có thể tin tưởng và kể với mình nếu lại bị cô đánh lần khác để giúp đỡ con.
Việc trao đổi với cô giáo về việc bạn đã biết con mìn bị cô đánh là điều cần thiết. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của việc con bạn bị đánh đòn mà bạn có thể lựa chọn cách trao đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, việc thống nhất về một ngưỡng phạt, hình thức phạt giữa cô, bố mẹ và con là điều hết sức quan trọng trong việc tránh để con của bạn rơi vào tình huống bị cô đánh đòn nhưng không dám nói.
Nguồn VTC: http://vtc.vn/phai-lam-sao-khi-con-bi-co-giao-danh-nhung-khong-ke-voi-me-d345727.html