Phải mạnh dạn trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chuyển đổi số được tổ chức vào sáng 19/7. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì và được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; giám đốc các sở, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2022, chỉ số EGDI (chỉ số phát triển chính phủ điện tử) của Việt Nam giữ nguyên thứ hạng là 86/193 quốc gia, không tăng bậc so với xếp hạng năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 9 quốc gia có thu nhập dưới mức trung bình nhưng được đánh giá cao do có chỉ số tổng hợp và chỉ số dịch vụ trực tuyến ở mức cao. Xếp hạng dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam đạt 76/193, tăng 5 bậc so với năm 2020; dữ liệu mở xếp thứ 87/193, tăng 10 bậc so với năm 2020.

 Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.

Về xếp hạng chính phủ điện tử tại khu vực Đông Nam Á, năm 2022, Việt Nam giữ nguyên thứ hạng là 6/11 quốc gia. Về xếp hạng dịch vụ công trực tuyến, Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2020, xếp hạng thứ 5/11.

Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đã đứng thứ 3 khu vực. Hai năm liên tiếp 2022, 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam đứng thứ 1 khu vực ASEAN.

Báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu - GCI 2020 do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) công bố năm 2021, Việt Nam đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và tiếp tục duy trì.

Năm 2022, chỉ số chuyển đổi số quốc gia là 0,71, so với năm 2021, tốc độ tăng trưởng chỉ số chuyển đổi số quốc gia có chậm lại. Tuy nhiên, các chỉ số thành phần về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45% - 55%. Việt Nam cần phải nỗ lực đưa chỉ số này đạt 80% và liên tục duy trì trong khoảng một thập kỷ để tạo ra sự phát triển bứt phá, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số vào năm 2030.

 Liên hợp quốc đánh giá các chỉ số chuyển đổi số của Việt Nam.

Liên hợp quốc đánh giá các chỉ số chuyển đổi số của Việt Nam.

Về phát triển kinh tế số, theo báo cáo của Google đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Về công nghiệp công nghệ số, theo báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022: Việt Nam được xếp hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Chỉ số này được tổng hợp từ 39 tiêu chí trong 3 nhóm cơ bản: chính sách của Chính phủ; lĩnh vực công nghệ và hạ tầng dữ liệu.

 Số giao dịch điện tử tăng cao trong những năm gần đây.

Số giao dịch điện tử tăng cao trong những năm gần đây.

Về phát triển xã hội số, trong giai đoạn 2022 - 2024, Việt Nam có những chuyển biến tích cực, trong đó tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử tăng từ mức 3% lên 13,5% (tăng gần gấp 4 lần); tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 87,08% (tăng thêm 20% từ mức tỷ lệ của năm 2020).

Về Đề án số 06, sau hơn 2 năm triển khai, Đề án khẳng định là xu thế, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của thời kỳ 4.0. Đề án 06 đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn có tính chất xuyên suốt trong quá trình triển khai để thực hiện 5 nhóm tiện ích. Kèm theo Đề án là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu và danh mục 13 nhiệm vụ chung, 89 nhiệm vụ cụ thể và 8 nhiệm vụ của các địa phương thực hiện với phân công trách nhiệm và các mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể...

 Đại biểu dự họp tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Đại biểu dự họp tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Về phát triển công dân số, đến tháng 12/2023, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip; đã kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh; có 34 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt định danh điện tử cao nhất cả nước; ứng dụng VNeID đã được tích hợp thêm các tiện ích: sổ sức khỏe điện tử, giấy phép lái xe, ví điện tử, kê khai, đăng ký, nộp thuế, thông tin sổ bảo hiểm xã hội và nhiều tiện ích khác.

Tuy nhiên chuyển đổi số ở Việt Nam vẫn còn một số tồn tại: vấn đề của chính phủ số triển khai không đồng đều; vấn đề về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số/GRDP một số địa phương còn thấp; vấn đề về an toàn thông tin, có 22/91 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ phê duyệt hệ thống thông tin dưới 50%. Tỷ lệ chưa triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ còn 43.5%...

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá tình hình, nêu các mô hình hay, bài học quý, cách làm hiệu quả; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, hiệu quả hơn, nhất là trong điều kiện kinh phí còn khiêm tốn, còn nhiều khó khăn, một số giải pháp đột phá, đổi mới sáng tạo với phương châm: “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhận định: Nhìn lại những bước tiến trong quá trình chuyển đổi số ở nước ta thời gian qua rút ra nhiều bài học, trong đó bài học lớn là chuyển đổi số muốn mạnh, muốn nhanh, muốn hiệu quả đòi hỏi vai trò quan trọng, mang tính quyết định của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương.

 Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.

Chuyển đổi số là vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp và sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Chuyển đổi số được thực hiện toàn diện cả về phát triển hạ tầng số; hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số và các vấn đề liên quan; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số; chuyển đổi số đang “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng;” kinh tế số đang thẩm thấu dần vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, làm thay đổi một cách cơ bản đời sống kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương "không thận trọng nữa, phải mạnh dạn lên"; đã có trọng tâm, trọng điểm được xác định thì phải làm đúng trọng tâm, trọng điểm; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong chỉ đạo, đầu tư về tiến độ, chất lượng, chấm dứt tiêu cực và phải có sự phối hợp tốt, nâng cao năng lực thực thi, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân.

Theo đó, phải tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong phát triển kinh tế số, cần sớm ban hành chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, các quy định liên quan đến thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng; kiểm soát hóa đơn điện tử, hoạt động livestream...

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tăng tỷ lệ dân số sử dụng dịch vụ công trực tuyến và phải đạt trên 90% tỷ lệ hài lòng. Phải tăng kiểm tra, giám sát, để người dân cảm nhận được lợi ích; số hóa hồ sơ; xây dựng dữ liệu ngành, địa phương có kết nối và chia sẻ với dữ liệu quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo ưu tiên nguồn lực cho phát triển hạ tầng số, đầu tư tương xứng với tầm vóc, tầm quan trọng và phải đi trước 1 bước; phải sớm ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông tại Việt Nam giai đoạn tiếp theo; xây dựng các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng VNeID để người dân sớm được sử dụng, thụ hưởng trước 31/12/2024.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phai-manh-dan-trong-thuc-hien-nhiem-vu-chuyen-doi-so-post387207.html