Phải quyết liệt tháo gỡ cơ bản những 'điểm nghẽn' pháp luật trong năm 2025

Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới là một nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) về một số nội dung xung quanh Nghị quyết này

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo. (Ảnh: quochoi.vn)

-Nghị quyết 66 đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Là một đại biểu Quốc hội, ông trăn trở nhất với điều gì?

Trăn trở lớn nhất hiện nay trong quá trình đổi mới của đất nước sau gần 40 năm và cũng là mục tiêu chúng ta đề ra từ Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là chúng ta phải làm gì để hoàn thiện cơ chế, chính sách trong tình hình mới, vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng, hội nhập đầy đủ trong tương lai, khẳng định vị trí của nước ta trên bản đồ thế giới. Từ Đại hội XIII đến nay cũng qua gần 5 năm, phải ghi nhận là chúng ta đã dần tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách. Mỗi một kỳ họp Quốc hội, chúng ta đều thấy được những bất cập để từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý và khối lượng các luật trong nhiệm kỳ này được thông qua rất nhiều, có thể nói là đã bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, đã tháo được điểm nghẽn, nút thắt trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế hay chưa thì đó là vấn đề vấn đề mà chúng ta phải đặt ra với những người có trách nhiệm trước cử tri của cả nước. Tôi cho rằng, phần lớn các đại biểu Quốc hội đều trăn trở với việc này.

Quá trình đổi mới của đất nước trong thời gian qua đã đưa ra những gợi mở hết sức quan trọng để chúng ta từng bước, từng bước thảo luận, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt do cơ chế, chính sách pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là Hội nghị lần thứ 10, thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết đóng vai trò dẫn dắt, chỉ đạo của Đảng, đi vào đời sống của Nhân dân và các tầng lớp xã hội nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt bằng cơ chế, chính sách pháp luật.

Là người làm công tác pháp luật gần 40 năm nay, chúng tôi nhận thức được điều đó nhưng bây giờ cần bắt đầu từ đâu? Theo tôi, cần bắt đầu từ tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, bởi tính thống nhất, đồng bộ là để bảo đảm không có sự chồng chéo và trong quá trình pháp điển hóa pháp luật hiện nay, đây cũng là những điều trăn trở. Khi thực hiện bất kỳ một việc gì, chúng tôi phải xem rất nhiều tài liệu và đâu đó thấy có sự trùng lặp. Chẳng hạn như Luật Quy hoạch đòi hỏi phải sửa đổi hàng chục đạo luật khác, Luật Đất đai vừa sửa đổi xong cũng lại phát sinh rất nhiều vấn đề và đặc biệt trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hơn, gần dân, sát dân hơn để phát triển kinh tế - xã hội thì đây là câu chuyện đòi hỏi phải đột phá, đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật. Và Nghị quyết 66 đã chỉ đạo rất thấu đáo vấn đề này. Tôi cho rằng Quốc hội sẽ quan tâm vấn đề trên để xây dựng các đạo luật đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, từ đó triển khai thực hiện, đưa các mục tiêu chung của Đảng thực sự đi vào đời sống…

-Ông vừa nói đến tháo gỡ điểm nghẽn thì Nghị quyết 66 đề ra mục tiêu là năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Theo ông, mục tiêu này có khả thi hay không?

- Về tính khả thi, nếu quyết tâm cao như vừa rồi chúng ta sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế và làm quyết liệt hơn thì theo tôi, tại Kỳ họp này, chúng ta sẽ có nghị quyết của Quốc hội để Kỳ họp định kỳ tháng 10 tới sẽ rà soát lại hết các quy định pháp luật. Nhưng chúng ta không nên cầu toàn, mà cần tháo gỡ những vướng mắc cơ bản nhất. Điểm nghẽn nào xác định được nguyên nhân thì có biện pháp tháo gỡ một cách chặt chẽ về mặt quy phạm pháp luật để các văn bản được sửa đổi, bổ sung có tính khả thi hơn.

Chúng ta không làm tất cả từ A đến Z song chúng ta phải làm được một số điểm cơ bản để thúc đẩy bộ máy làm việc hiệu lực, hiệu quả hơn, để xã hội vận động một cách bình thường và bảo đảm những điều kiện phát triển tối ưu nhất cũng như phát huy được nguồn lực, sự đồng thuận của toàn xã hội. Tôi nghĩ rằng khi chúng ta tháo gỡ được điểm này là chúng ta sẽ bảo đảm sự đồng thuận cao trong xã hội. Một chủ trương đúng đắn phải đi vào đời sống, tức là nó không nằm trên giấy mà có những chế định cụ thể, rõ ràng thì theo tôi nghĩ, các cơ quan chuyên môn chức năng của Quốc hội và của Chính phủ, cùng với sự góp ý, tham gia của Nhân dân, các chuyên gia sẽ thấy rõ được điểm nghẽn, điểm tắc để từ đó thu thập, tổng hợp, tiếp thu rồi trình các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ những điểm nghẽn cơ bản nhất.

Thời gian của năm 2025 không còn dài, đòi hỏi phải có sự quyết tâm chính trị cao nhất. Nhưng tôi tin rằng, chúng ta sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn như vừa qua đã tháo gỡ điểm nghẽn cho thị trường bất động sản của TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, miễn là có quyết tâm đi vào giải quyết một cách cụ thể, rõ ràng, khoa học, chặt chẽ, đừng để lợi dụng chính sách, tránh mọi việc tiêu cực có thể phát sinh.

-Để đưa Nghị quyết 66 vào cuộc sống thì Tổng Bí thư cũng đã nhấn mạnh phải tăng cường sự lãnh đạo và phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Phải cụ thể hóa chủ trương này, tức là từ Nghị quyết của Đảng thì pháp luật phải cụ thể hóa các chủ trương của Đảng. Tôi quan tâm ở điểm Đảng đã chỉ đạo, vậy cách làm việc của các cơ quan có thẩm quyền cần phải đồng bộ giữa vai trò của vai trò của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, HĐND, UBND các cấp. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, nguồn nhân lực phải nâng cao một bước về trách nhiệm với công việc của mình. Bản thân làm công tác pháp luật suốt 40 năm, tôi nhận thấy cũng cần phải quan tâm nâng cao vai trò, vị trí của công tác pháp chế, bảo đảm sự chuẩn mực thì hệ thống pháp luật sẽ được xây dựng ngày càng chất lượng hơn.

Đặc biệt, cần thu hút được đội ngũ làm công tác pháp luật, các chuyên gia đầu ngành về pháp luật để cùng nhau tham gia và bằng hành động cụ thể của mình sẽ đóng góp tiếng nói hết sức trách nhiệm đối với đất nước thì chất lượng xây dựng pháp luật trong tương lai sẽ tốt lên theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Chúng ta sẽ cố gắng hoàn thiện và hoàn thiện dần cơ chế, chính sách để bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trước mắt và cả lâu dài.

Muốn đạt được những chỉ tiêu mà Nghị quyết 66 đã đề ra, tôi cho rằng chúng ta phải có cơ chế, chính sách phù hợp; một hệ thống pháp luật phù hợp thì mọi tổ chức và cá nhân đều tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, khi đó kinh tế - xã hội của chúng ta sẽ hoạt động bình thường, ổn định và phát triển.

-Cùng với Nghị quyết 66, Tổng Bí thư đã có bài viết “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình”. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của bài viết ngay trước thời điểm khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV?

Bài viết như một lời hiệu triệu và gần như là một tuyên ngôn đối với nhiều người, rằng chúng ta phải quyết tâm, quyết tâm nhiều hơn nữa để với vai trò, trách nhiệm của từng người, từng cá nhân, từng tổ chức yêu đất nước và yêu Tổ quốc thì sẽ cố gắng quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ mà các Nghị quyết của Đảng đã đề ra. Qua tiếp xúc cử tri, tôi nhận thấy Nhân dân rất đồng tình, ủng hộ vì dù thời gian ngắn vừa qua, Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo làm cho nhiều ước mơ của người dân trở thành hiện thực và nhiều ước mơ đang từng bước trở thành hiện thực như người dân mong muốn được có cuộc sống hạnh phúc, doanh nghiệp mong được tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất, kinh doanh… Tất cả những điều đó đều xuất phát từ quyết tâm cao, dù mô hình mới có thể sẽ phát sinh những khó khăn, bất cập nhất định nhưng nếu có những chính sách pháp luật phù hợp, chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Thục Quyên (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phai-quyet-liet-thao-go-co-ban-nhung-diem-nghen-phap-luat-trong-nam-2025-post547820.html