Phải sớm khai thác điện gió ngoài khơi Cần Giờ

Điện gió ngoài khơi Cần Giờ có thể cung cấp điện cho đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ, khu đô thị lấn biển Cần Giờ... thậm chí xuất khẩu.

Ngày 4-4, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển điện gió ngoài khơi Cần Giờ”. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần sớm triển khai điện gió ngoài khơi Cần Giờ để khai thác tiềm năng khổng lồ, đáp ứng nhu cầu net zero vào năm 2050.

Có thể thấy tiềm năng điện gió là rất lớn, đảm bảo cung cấp năng lượng dồi dào, thậm chí có thể xuất khẩu, dễ dàng chuyển đổi năng lượng xanh. Qua thảo luận, dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ có nhiều thuận lợi, ưu điểm, đồng thời có thể giảm tới 25 triệu tấn carbon, đáp ứng nhu cầu net zero vào năm 2050. Việc cần làm sau buổi hội thảo hôm nay là đề xuất các cơ chế, chính sách, các vướng mắc cần tháo gỡ. Trong các báo cáo phải nêu rõ làm dự án này sẽ được gì, mất gì để tiến hành đầu tư, làm sao tác động thấp nhất, khai thác công suất cao nhất của dự án.

GS-TS NGUYỄN VĂN PHƯỚC, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM

Gió thổi qua là mất nên đừng lãng phí

Ông Đặng Quốc Toản, đại diện Công ty Năng lượng châu Á - đơn vị đề xuất dự án, cho biết phát triển điện gió ngoài khơi Cần Giờ có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới, đây là cơ sở để TP.HCM đạt được net zero. Có thể thấy gió cứ thổi qua là đã mất mà chúng ta chưa sử dụng được nguồn năng lượng này để phục vụ quốc gia.

“Mỏ tài nguyên gió cần sớm được sử dụng, càng sớm càng tốt và nó sẽ giúp tiết kiệm năng lượng cho quốc gia. Quy mô điện gió ngoài khơi ở phía Nam có thể phát triển 2.000-
2.500 MW, đây là dự án mang đến tiềm năng khổng lồ nhưng để phát triển vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, hội thảo này là dịp chúng ta thảo luận, đưa ra những ý kiến, kiến nghị để sớm triển khai, tận dụng nguồn năng lượng gió ngoài khơi Cần Giờ. Chúng ta không thể lãng phí thêm nữa” - ông Toản nhấn mạnh.

Đánh giá về vai trò của dự án, ông Toản cho biết Việt Nam cần tận dụng nguồn năng lượng xanh, tái tạo và trong tương lai có thể cung cấp năng lượng cho tuyến đường sắt Bắc - Nam, từ đó tiết kiệm nguồn tiền khổng lồ.

Điện gió ngoài khơi Cần Giờ sẽ có khả năng cung cấp điện cho siêu cảng xanh Cần Giờ - đây là dự án sử dụng nguồn điện xanh, nhiên liệu sạch và green hydrogen, ammonia với tổng diện tích xây dựng khoảng 571 ha, cảng có khả năng khai thác siêu tàu container, tàu trung chuyển 65.000 tấn, sà lan 8.000 tấn.

Dự án điện gió này cũng có thể cung cấp điện cho dự án siêu đô thị lấn biển Cần Giờ với tổng diện tích được phê duyệt là 2.870 ha. Dự án này sử dụng nguồn điện xanh và nhiên liệu xanh từ điện gió ngoài khơi Cần Giờ và green hydrogen. Tiếp đến là tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ cũng sẽ được sử dụng nguồn năng lượng này.

 Dự án điện gió Tân Ân tại huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Ảnh: THÁI AN

Dự án điện gió Tân Ân tại huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Ảnh: THÁI AN

Cần nhiều cơ chế

Tuy nhiên, để làm được điện gió ngoài khơi Cần Giờ ông Toản đề xuất TP.HCM cần đưa vào đề xuất, kiến nghị để TP có một số thẩm quyền trong vùng biển - ngoài 60 hải lý. Đây là cơ sở để cho đơn vị đề xuất được khảo sát dự án, đánh giá tác động môi trường, xin bổ sung vào quy hoạch chung.

“Hiện Nghị quyết 98 cũng có một số cơ chế để phát triển TP, vì vậy TP cần sớm đề xuất để điều chỉnh quy hoạch chung, trong đó cần sớm đưa dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ vào quy hoạch” - ông Toản đề nghị.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, chia sẻ Bình Thuận có nhiều đơn vị đã nghiên cứu, tham gia vào năng lượng sạch từ những ngày đầu. Hiện nay cần có chính sách để phát triển năng lượng sạch, cơ chế đấu thầu, quy hoạch không gian điện… Bên cạnh đó, kỹ thuật - lưới điện Việt Nam còn yếu, khó “tiêu hóa” nguồn điện, trong khi điện gió có thể cung cấp gấp 10 lần công suất như vậy. Do đó, các doanh nghiệp rất mong Chính phủ sớm chỉ đạo giải quyết các khó khăn trên. Việt Nam đang bắt nhịp xu thế thế giới - chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Tuy chúng ta đi sau nhưng có thể tiếp thu, học hỏi và tận dụng công nghệ tiên tiến từ các nước trên thế giới.

“Chúng ta cần xin cơ chế đặc thù, chính sách cho TP giống như Nghị quyết 98 để có thể làm sớm, đi đầu. Nếu không có cơ chế đặc thù thì khó có thể làm nhanh dự án điện gió khổng lồ này” - ông Thịnh nói.

GS-TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM, nói: “Nguồn năng lượng dầu mỏ ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, năng lượng gió sẽ càng nâng cao giá trị. Tôi mong các nhà đầu tư, chuyên gia lập rõ những kiến nghị của mình. Với vai trò là Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM, chúng tôi sẽ kiến nghị TP.HCM, Chính phủ, đồng thời tiếp nhận ý kiến của người dân về nguồn năng lượng sạch này, mong rằng có thể sớm phục vụ TP và đất nước”.•

Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ có vị trí, diện tích khoảng 325.123 ha thuộc vùng nam Biển Đông với quy mô công suất khoảng 6.000 MW. Dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ chia làm bốn giai đoạn đầu tư từ năm 2025 đến 2040, giảm phát thải hơn 200 triệu tấn carbon trong vòng đời của dự án. Nhà máy sẽ cung cấp nguồn điện sạch vào lưới điện quốc gia, điểm đấu nối tại trạm BA 500 kV Đa Phước, sản xuất green hydrogen, ammonia và cung cấp điện sạch cho đường sắt tốc độ cao chạy tàu của dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phai-som-khai-thac-dien-gio-ngoai-khoi-can-gio-post783905.html