Phải thay đổi tư duy làm nông nghiệp
Việt Nam có hơn 70% dân số làm nông nghiệp, nhưng chỉ đóng góp khoảng 20% GDP; trong khi ở những quốc gia phát triển, tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp chỉ chiếm 2%-4% dân số nhưng đóng góp đến 40% GDP.
Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cho biết, trong năm qua, KH-CN đã đóng góp tích cực vào quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo đó, KH-CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích bắp, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới, sử dụng giống của Việt Nam. Năng suất một số vật nuôi, cây trồng đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới: Lúa đứng đầu ASEAN; cá tra, hồ tiêu đứng đầu thế giới; cà phê, cao su đứng thứ 2 thế giới… Tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh. Số lượng máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp tăng 1,5% - 2% so với năm 2016. Xuất hiện các mô hình nuôi trồng thủy sản, sản xuất theo chuỗi giá trị về tôm, cá tra, nuôi giống tôm hùm…
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, nông nghiệp Việt Nam sau một thời gian dài tập trung vào tăng sản lượng và năng suất, đã thay đổi tập trung vào tăng chất lượng và chuỗi giá trị gia tăng. Để tăng cường tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, ngành nông nghiệp cũng đã tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết, làm cơ sở để thúc đẩy việc ứng dụng KH-CN, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất ở các mặt hàng có lợi thế. Sự tham gia vào sản xuất nông nghiệp của một loạt tập đoàn, doanh nghiệp lớn thời gian vừa qua; hay sự canh tác, nuôi trồng một số giống, cây, con đặc chủng để xuất khẩu đi những thị trường đặc thù là biểu hiện của sự thay đổi đó.
Song, Bộ KH-CN cũng nhận định, những kết quả đạt được thời gian qua chưa thể hiện hết tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Việt Nam có hơn 70% dân số làm nông nghiệp, nhưng chỉ đóng góp khoảng 20% GDP; trong khi ở những quốc gia phát triển, tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp chỉ chiếm 2%-4% dân số nhưng đóng góp đến 40% GDP. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WBG) cũng chỉ rõ, GDP nông nghiệp Việt Nam đang giảm, tốc độ tăng năng suất chậm lại, trong khi khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp đang nới rộng. Để có thể thay đổi được điều này, WBG đề nghị ngành nông nghiệp Việt Nam cần có một cách nhìn và cách làm khác, theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân. Qua đó, góp phần thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị vượt trội và hình thành một chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả cạnh tranh cung cấp sản phẩm có chất lượng.
Đánh giá ngành nông nghiệp trong nước dù có sản lượng cao nhưng năng suất lao động và khâu bảo quản sau thu hoạch đang rất thấp so với mặt bằng chung khu vực, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017 của Bộ KH-CN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ KH-CN phải tích cực góp phần vào việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, chú trọng việc đổi mới mô hình sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa. Cũng theo Thủ tướng, tại vùng có lợi thế phát triển các sản phẩm nông nghiệp như cây ăn quả, tôm cá ở ĐBSCL, cây công nghiệp ở vùng Đông Nam bộ, cần phải tập trung đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng KH-CN vào sản xuất, nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản... để hình thành các trung tâm, chuỗi kinh tế nông nghiệp trọng điểm.
Có thể khẳng định rằng, với nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, muốn phát triển bền vững, hình thành chuỗi nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; không có con đường nào khác ngoài việc thay đổi tư duy làm nông nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ những tiến bộ KH-CN vào sản xuất, bảo quản cũng như làm thị trường.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phai-thay-doi-tu-duy-lam-nong-nghiep-493547.html