Phải thể hiện được tính nhân văn đối với người chưa thành niên chấp hành án

Việc tổng hợp hình phạt theo Điều 103 Bộ luật Hình sự 2015 tạo ra sự chênh lệch, thiếu công bằng rất lớn nên cần quy định như trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên…

Thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên sáng 23-10, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cơ bản đồng tình với dự thảo Luật trình Quốc hội lần này và Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Góp ý về một số nội dung trong Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, Khoản 4 điều 4 Dự thảo quy định “người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng gồm học sinh trường giáo dưỡng và người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng”. Nghĩa là, tất cả học sinh trường giáo dưỡng đều là người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng.

Tuy nhiên, theo khoản 4 điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính, học sinh trường giáo dưỡng còn bao gồm một số trường hợp người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật mà không phải là tội phạm. Nếu quy định như khoản 4 Điều 4 dự thảo thì nhóm này cũng là đối tượng “người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng”.

Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính chính xác, đại biểu đề nghị quy định rõ nội dung này, có sự phân biệt giữa học sinh trường giáo dưỡng là đối tượng chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng và đối tượng chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu thảo luận

Về tổng hợp hình phạt, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự hiện hành có trường hợp tạo ra sự chênh lệch, thiếu công bằng rất lớn như Báo cáo tổng kết đã nêu. Vì vậy, đại biểu nhất trí với quy định về việc tổng hợp hình phạt tù trong dự thảo Luật bởi nó vừa có tính nhân văn đối với người phạm tội là người chưa thành niên, vừa đảm bảo tính công bằng và tính răn đe khi áp dụng tổng hợp hình phạt.

Về xem xét dấu vết trên thân thể, trưng cầu giám định, Khoản 1 Điều 153 dự thảo quy định, việc xem xét dấu vết trên thân thể của người chưa thành niên là bị hại phải có sự tham gia của người đại diện của họ. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, điều này là rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người bị hại là người chưa thành niên.

‘Theo tôi, nên cân nhắc xem xét quy định thêm về sự đồng ý của chính người chưa thành niên là người bị hại nếu người đó ở độ tuổi đã có những nhận thức nhất định (có thể từ 13 tuổi trở lên) đối với việc xem xét dấu vết trên thân thể, đặc biệt đối với những khu vực, bộ phận nhạy cảm, riêng tư. Điều này thể hiện sự tôn trọng cũng như tránh gây những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đối với người bị hại là người chưa thành niên’ - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Đối với việc thi hành án phạt tù của người chưa thành niên, đại biểu đề nghị bổ sung quy định “ưu tiên cho người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ gần gia đình, địa phương cư trú”. Điều này thể hiện tính nhân văn, tạo điều kiện cho gia đình thăm nom, gặp gỡ, động viên người chưa thành niên phạm tội, góp phần cải thiện tâm lý của người chưa thành niên theo hướng tích cực.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phai-the-hien-duoc-tinh-nhan-van-doi-voi-nguoi-chua-thanh-nien-chap-hanh-an-post593352.antd