Phạm Quang Thư: Đời chiến binh của tôi dài theo đất nước

37 năm đời lính của Thượng tá Phạm Quang Thư bắt đầu từ Đường 9 Khe Sanh - Tây Nguyên đến 'miền Đông gian lao mà anh dũng' rồi xuống miền Tây Nam bộ... với biết bao thăng trầm, ký ức về những ngày chiến trận.

Sinh ra trong một gia đình rất nghèo ở xã Thọ Minh (nay là Thuận Minh), huyện Thọ Xuân. Phạm Quang Thư là con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em. "Nhà nghèo, chỉ có 1 bộ quần áo mỗi ngày tôi cuốc bộ 16km đến trường. Năm 1967, khi vừa 18 tuổi, tôi xin nhập ngũ. Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ đi theo ra tận bến đò Lược để tiễn tôi đi bộ đội. Mẹ đưa cho tôi 5 đồng. Hình bóng mẹ đứng lặng trên con đê làng... Trời mùa xuân mưa rả rích, tôi qua sông, ngoái đầu nhìn lại, mẹ tôi vẫn đứng đó dõi theo tôi...”, ông Thư chia sẻ.

Như lời hứa khi từ quê ra đi, “nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”, sau khi huấn luyện bộ binh, ông vào Đơn vị C7D6, E66-F304B, trực tiếp chiến đấu ở Đường 9 Khe Sanh. Trận đầu tiên ở Đường 9 Khe Sanh, xuân 1968 là dấu mốc đời quân ngũ của ông. Đến giữa năm 1968, đơn vị có lệnh vào chiến trường Tây Nguyên, chiến đấu ở Cao điểm 824, 826... Rồi ông có lệnh đi xuống đồng bằng Sông Cửu Long bám trụ, giữ đất giành dân và tiếp tục xuống An Giang, Rạch Giá chiến đấu cho đến ngày bị thương trở ra miền Bắc.

Chiến trường ác liệt. Tiểu đoàn ông ra đi từ Cán Khê (Như Thanh) mùa đông 1967 là 527 người; giải phóng miền Nam chỉ còn 27 người lành lặn.

Đi qua vùng ký ức của ông, đời quân ngũ gian khổ với mùa mưa Kon Tum 6 tháng trời, đói teo tóp, chỉ biết chặt cây búng báng, hái lá môn thục và đi mót sắn trong dân...; là những đêm cả tiểu đoàn im lặng đi trong ánh chớp của trời, tiếng kêu ù ù của máy bay B52 và tiếng pháo nổ đì đoàng từ các căn cứ của Mỹ bắn vào...; rồi những trận sốt rét rụng tóc không còn một sợi, môi đen kịt, da xám ngoét... nhưng vẫn dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh.

Trong những câu chuyện mà Thượng tá Phạm Quang Thư kể lại luôn là gương mặt đồng đội với những người lính như Tư Đức đánh trận đầu run quá mà tè ra quần; là khi đơn vị hết gạo, đói meo, đồng đội ông bí quá đã phải đưa ảnh bạn gái ra đổi người Pa Cô được một con gà và 2 balo sắn về cho đơn vị... Nhưng ở đó còn là những người vì hèn nhát mà “tự thương” và chạy theo địch...

Vừa kể, giọng nói vội vàng của Thượng tá Phạm Quang Thư khiến người đối diện như tôi nghĩ rằng chỉ cần dừng lại, là ông sẽ không thể kìm được cảm xúc; là nước mắt sẽ rơi khỏi đôi mắt trĩu nặng, chỉ chực khóc.

Trong 7 năm tương đương hơn 2.000 ngày ở chiến trường miền Nam, ông hiểu hoàn cảnh đồng đội mình, hiểu cái đói, cái khát, hiểu sự hèn nhát, sự ích kỷ... “Đó mới đúng là gương mặt chiến tranh. Không chỉ có màu hồng, không chỉ có chiến thắng. Trong chiến tranh ai mà chẳng sợ chết, nhưng ta quyết đánh vì ta không thể cúi đầu, vì ta có khát vọng sống, khát vọng hòa bình. Ngày giải phóng miền Nam chúng tôi đi giữa đường phố reo vang: Tổ quốc muôn năm; Hồ Chí Minh muôn năm... rồi gào lên tiếng gọi Bố ơi, Mẹ ơi... Chúng tôi là những người may mắn được nhìn thấy ngày chiến thắng”.

Nhưng, còn biết bao đồng đội của ông đã hy sinh. Đó là Quảng con trai độc nhất, chỉ huy khẩu đội đã bắn rơi 2 máy bay trực thăng và diệt được nhiều tên Mỹ - ngụy nhưng đã phải cho lựu đạn nổ, không để giặc bắt sống được. Đó là Lê Xuân Trường anh dũng hy sinh mà trong túi áo ngực vẫn còn tấm băng đen ngày để tang Bác Hồ được bọc kỹ trong túi nilon. Đó là Đỗ Xuân Tĩnh hy sinh trong khi đang chỉ huy tiểu đoàn diệt xe tăng địch. Là Đỗ Ngọc Lân bị mảnh rốc két cắm vào ngực, xuyên thấu tim... Và còn biết bao bà mẹ không còn đủ nước mắt để rơi...

Thượng tá Phạm Quang Thư chia sẻ: Bao nhiêu năm sau đó tôi vẫn giật mình thon thót vì những trận bom B52, những tiếng gầm rú xe tăng. Chiến tranh không trừ ai, hòn tên mũi đạn không trừ ai. May mắn trở về, với những vết thương trên da thịt nhưng đau đớn nhất trong ông là vết thương lòng với đồng đội và người thân của họ. “Năm tháng qua đi, nỗi buồn chiến tranh vẫn không nguôi ngoai vì quá nhiều đồng đội đã hy sinh ở chiến trường. Bởi thế mà trong chặng đường sau chiến tranh, tôi phải “trả nợ” ân nghĩa đó”.

Hầu hết những người đi qua chiến tranh đều muốn làm được gì đó cho đồng đội mình. Thượng tá Phạm Quang Thư may mắn hơn. Những lời hẹn “Nay mai thống nhất nước nhà, Long sẽ về Hà Nội học tiếp đại học Tổng hợp Văn và sẽ vào Tây Nguyên để viết về những người lính chống Mỹ ở Kon Tum”; “Ngày thống nhất Bắc Nam sẽ về thăm quê nhau..." không thực hiện được, nhưng ít nhất ông còn sống sót để có nhiều lần quay lại An Giang, Kiên Giang gặp những bà má đã cưu mang mình và đồng đội.

Sau ngày bị thương, ông được đưa ra Bắc rồi đi phục vụ thương binh liệt sĩ. Năm 1985, ông về Thanh Hóa làm công tác chính sách, thuộc Phòng Chính trị - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Từ năm 1986 đến 2000, ông là trợ lý rồi Phó Ban, Trưởng Ban Chính sách; Bí thư kiêm Đội phó Đội quy tập mộ liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại tỉnh Hủa Phăn (Lào); Đội trưởng đội quy tập mộ liệt sĩ trong nước: Bát Mọt (Thường Xuân), đường 15, dốc Bò Lăn, Bãi Trành – Như Xuân; đường 217 Quan Hóa – Quan Sơn – Na Mèo; Cành Nàng – Bá Thước. Những công việc đó khiến ông được “gặp” nhiều mảnh đời, nhiều đồng chí, đồng đội của mình đã hy sinh. Bàn chân ông đã đặt lên bao cánh rừng, bao con sông, con suối ở nước bạn Lào để tìm những người lính...

“Thanh Hóa có 58 nghìn liệt sĩ thì có 4.425 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong 10 năm làm Trưởng Ban Chính sách tôi đến hầu hết các gia đình có con hy sinh. Các mẹ chỉ có khát vọng duy nhất là biết được nơi chôn cất chồng con mình. Ai mà không xúc động khi nghe mẹ Trương Thị Dư ở làng Yên Duệ, xã Quảng Yên (Quảng Xương), có chồng và 3 người con trai hy sinh. Ai mà không rơi lệ khi nghĩ về hình ảnh người vợ đi tìm mộ chồng, các con đi tìm mộ bố”.

Sau khi rời quân ngũ, ông tiếp tục tham gia công tác tại Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Từ đây, những câu chuyện của thảm họa sau chiến tranh lại là sự ám ảnh rất khác với ông. “Đời lính chiến đã khổ rồi, nhưng khi về không ít người còn khổ hơn. Nỗi đau đớn vì những vết thương chiến tranh không là gì so với việc hằng ngày nhìn con cháu không thể lớn lên, không thể thành người bình thường. Đây là nỗi đau sau chiến tranh, là thân phận người lính sau chiến tranh, dẫu cho Đảng, Nhà nước rất chăm lo nhưng không thể bù đắp hết được”, ông Phạm Quang Thư cho biết.

Trực tiếp tham chiến và chứng kiến những nỗi đau mất mát ấy, vì thế trong ông luôn có sự thôi thúc viết ra những câu chuyện đời mình. Từ chiến trường, trong hành trang của ông luôn có cuốn nhật ký ghi chép lại từng thời điểm, từng sự việc, và gương mặt đồng đội. “Nếu như tôi không viết lại những câu chuyện đó, không kể lại cho đồng chí của mình, và đặc biệt không để cho con cháu mình biết những trận đánh, những ký ức ở chiến trường thì bụi thời gian sẽ mờ đi. Những kỷ niệm máu xương ấy, thế hệ trẻ hôm nay không bao giờ phải chứng kiến nhưng chúng cũng nên hiểu và biết về sự hy sinh của thế hệ đi trước”, ông Phạm Quang Thư chia sẻ về “căn nguyên” ra đời của cuốn sách “Những ký ức còn lại” (NXB Thanh Hóa, 2024).

Dành 5 năm để ghi lại chuyện đời mình. “Mỗi khi cầm bút viết là tôi khóc, khóc nhiều lắm, đến nỗi hai đứa con phải ngăn tôi đừng viết nữa... Nhưng làm sao tôi có thể không viết. Phải viết ra thì tôi mới nhẹ lòng”.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/pham-quang-thu-doi-chien-binh-cua-toi-dai-theo-dat-nuoc-31960.htm