Phạm Quốc Toàn - ngòi bút tuổi hai mươi!

Xin mượn ý của nhà thơ, nhà báo, Giám đốc Bảo tàng Báo chí HNBVN Trần Kim Hoa khi nói về khả năng lao động sáng tạo, sự bền bỉ, hiệu quả của một người làm báo mái tóc đã pha sương nhưng vẫn dồi dào bút lực như tuổi hai mươi của nhà văn - nhà báo Phạm Quốc Toàn.

Tôi biết Phạm Quốc Toàn từ những năm 70, khi anh công tác ở báo Quân đội Nhân dân, tôi là biên tập viên của Tạp chí Quân đội (nay là Quốc phòng toàn dân). Tuy là dân cùng quê, cùng làm báo, cùng là lính của Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam, song “Chí” tôi ở trong Hoàng Thành Thăng Long, còn “Báo” anh đóng bên ngoài, nhà số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội, nên ít gặp nhau.

Mãi đến sau này, khi tôi chuyển ngành về Báo Nghệ Tĩnh, rồi Hà Tĩnh được dẫn đoàn báo nhà đi dự các cuộc hội thảo báo chí khu vực miền Trung - Tây Nguyên ở mạn trong, tôi mới tiếp xúc, thân quen và cảm mến đồng nghiệp Phạm Quốc Toàn - Tổng Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu ở sự quảng giao, chu toàn, trọng thị khi tiếp đón báo bạn, đặc biệt là anh em Báo Hà Tĩnh, Nghệ An.

Nhà văn - nhà báo Phạm Quốc Toàn.

Cuộc đời làm báo của Phạm Quốc Toàn cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Từ một người lính thuộc Binh đoàn Trường Sơn, được quân đội cử đi đào tạo Đại học báo chí khóa 1 Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí - Tuyên truyền). Ra trường, anh cùng 8 người bạn thân cùng quê về đầu quân cho tờ báo Quân đội Nhân dân từ những năm đầu 1970.

Do có năng khiếu báo chí, say mê nghề nghiệp lại chịu khó tìm tòi, sáng tạo, Phạm Quốc Toàn tiến bộ rất nhanh so với bạn bè cùng trang lứa. Làm việc tại tờ báo lớn chỉ sau báo Nhân Dân, Phạm Quốc Toàn như một cây giống tốt được trồng trên mảnh đất màu mỡ, dưới trướng những người chỉ huy xuất sắc, những đồng nghiệp tài ba, nên chỉ khoảng ít năm sau đó, anh đã được đề bạt Phó Trưởng phòng Thời sự, được Tướng Trần Công Mân - Tổng Biên tập chấm vào vị trí kế cận trong số lãnh đạo cấp phòng nổi tiếng của tòa soạn.

Để tăng thêm sức nặng, vị thế của mình, những năm này, tòa soạn thường chủ trương không dùng tên tác giả chính mà ký dưới các bút danh chung, nhưng bình luận viên quốc tế mới ngoài tuổi 30 này lại là người đầu tiên được Tướng Mân cho ký tên thật của mình dưới các bài bình luận, như một thương hiệu.

Mọi chuyện đang diễn ra cực kỳ tốt đẹp, do hoàn cảnh riêng, vợ chồng anh chuyển vào sinh sống và làm việc tại vùng đất đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo sau này là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Một lần nữa, nếu anh thuận theo ý tổ chức, gia đình lại phải khăn gói làm một cuộc hồi hương Hà Nội vào cuối đời. Nhưng không, có lẽ số phận của anh đã bị buộc chặt vĩnh viễn vào vùng đất hào phóng nắng và gió biển với đầy ắp kỷ niệm nghề nghiệp này.

Hơn 20 năm (1987 - 2009) đảm nhiệm chức vụ Tổng Biên tập, tham gia cấp ủy tỉnh, Phạm Quốc Toàn đã đưa tờ báo đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành tờ báo Đảng địa phương có uy tín. Tờ báo Bà Rịa - Vũng Tàu từ khi có Tổng Biên tập mới Phạm Quốc Toàn những năm cuối 80 đã thật sự lột xác, ngày mỗi vươn lên chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong hệ thống báo Đảng bộ cả nước.

Ngoài tờ báo chính hằng ngày, anh còn cho ra ấn phẩm phụ Vũng Tàu Chủ Nhật, VDT (Văn hóa – Du lịch – Thể thao), với thông tin phong phú, đa chiều, hấp dẫn, phát hành ra toàn quốc. Với bản tính vui vẻ, chân thành kết giao rộng, từ ngày anh đảm nhiệm Tổng Biên tập, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành nơi quy tụ, họp mặt của bạn bè, đồng nghiệp cả nước.

Năm 1990, Phạm Quốc Toàn được bầu tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam và giữ cương vị này đến 5 nhiệm kỳ liền. Hai nhiệm kỳ cuối, anh được bầu làm Phó Chủ tịch Hội phụ trách phía Nam, đồng thời là Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo của Hội. Từ một tờ tạp chí của Hội, “nghèo nàn” về kinh phí, hạn chế về cả nội dung lẫn hình thức, anh đã cùng các đồng nghiệp dày công nghiên cứu tìm lối đi riêng, mở rộng mối quan hệ, nhanh chóng đưa tạp chí tiến lên về mọi mặt, rút ra khỏi sự bao cấp của Hội.

Nhà báo, nhà thơ Trần Kim Hoa - nguyên Phó Tổng Biên tập của Tạp chí, hiện nay là Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam kể lại về người sếp cũ của mình: “Tạp chí ra mỗi tháng một số, không kể trang thông tin điện tử nguoilambao.vn, trong bối cảnh tiền ít, người nhiều, Hội nghèo, ngân sách hằng năm cấp cho tờ tạp chí lý luận của Hội ít đến nỗi không đủ trang trải chi phí cho một kỳ xuất bản trong tổng số 12 kỳ mỗi năm, Tổng Biên tập Phạm Quốc Toàn tự mình nhiều lúc kiêm luôn cả thư ký tòa soạn, kiêm phóng viên và kiêm cả.... đọc duyệt bài. “Tiện thể” ông kiêm luôn cả phần việc phát hành tạp chí tới một số cấp Hội, hội viên trong Nam ngoài Bắc, kiêm luôn phần tiếp thị, kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè, doanh nghiệp quảng cáo cho tạp chí”.

Một số tác phẩm của nhà văn - nhà báo Phạm Quốc Toàn.

Nhiều đồng nghiệp, cộng tác viên cho biết, khi còn làm Tổng Biên tập hoặc mãi đến sau này, Phạm Quốc Toàn đi đâu cũng không quên mang theo chiếc máy laptop bên mình, tự đánh lấy bản thảo bài viết, thao tác các kỹ thuật cần thiết trên máy tính, thành thạo như một nhân viên văn phòng. Báo Bà Rịa – Vũng Tàu hồi anh làm Tổng Biên tập là một trong những đơn vị tiên phong của ngành báo chí trong việc áp dụng tin học hóa vào các khâu viết bài, biên tập, thiết kế, trình bày báo, in báo và cuối cùng là đưa ra các ấn phẩm của mình lên trên mạng truyền thông báo chí.

Những năm gần đây tuy tuổi cao, sức khỏe có phần hạn chế nhiều, anh vẫn là người quảng giao, nghĩa tình, ngọn cờ quy tụ, xông xáo, năng động với nghề, thủy chung với bạn bè. Có dịp là anh lại vi vu vào Nam ra Bắc thăm hỏi, vấn an các sếp cũ, thầy, cô một thời dạy dỗ mình, hoặc về quê tìm lại hơi ấm, tình cảm chốn cội nguồn, nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng anh nên người có ích.

Tuy không còn tại chức, đã được Nhà nước cho nghỉ ngơi 12 năm rồi, nhưng anh vẫn không ngừng nghiệp viết lách. Vẫn vẹn nguyên một tác phong nhà báo lính, đi đâu cũng kè kè một laptop, một máy ảnh chuyên nghiệp, sẵn sàng ghi lại những điều mắt thấy, tai nghe bằng hình ảnh, bằng máy vi tính, để rồi đều dặn có bài in trên các báo, có sách mới tặng bạn bè.

Anh có một sức lao động, sáng tạo đáng nể. Bằng ấy năm nghỉ hưu, cho ra đời 20 đầu sách, với đủ các thể loại văn học, báo chí - ký sự, chuyện ký, bút ký chân dung, du ký, tiểu luận, tiểu phẩm, tản văn, tiểu thuyết, truyện ngắn mà cuốn nào cũng dày dặn, có sức cuốn hút người đọc; có những cuốn được chuyển ngữ, phát hành ở nước ngoài.

Đọc các bài viết của anh trong các tập sách hoặc trên các tờ báo càng thấy rõ, ở anh, tất cả đều đậm chất xứ Nghệ, quyết liệt, pha chút tiết tháo thầy Đồ, lắng đọng, sâu sắc, thủy chung, đôn hậu, đầy trách nhiệm. Nhà báo lão thành, người có vị trí, uy tín cao trong làng báo Việt Nam, Hữu Thọ đã nhận xét trên báo Nhân Dân: “Cuốn “Tôi nói bằng mồm tôi” (của PQT) là một tập hợp các tiểu phẩm báo chí của anh viết ra đã chạm vào một loạt vấn đề gai góc của xã hội. Nhưng ở “thể loại châm chọc này” lại thấy rõ tấm lòng của ngòi bút. Anh miêu tả những chuyện tiêu cực đau lòng nhưng không cay cú, vùi dập mà hướng tới những gì tốt đẹp, cho nên chạm vào nỗi đau lòng mà vẫn ấm áp, không làm mất niềm tin, đó cũng là bản sắc của ngòi bút Phạm Quốc Toàn”.

Phạm Quốc Toàn thời nào, làm sếp cũng như làm lính, là nhà báo hay làm dân cũng giao du rộng, kết bạn nhiều và đã là bạn thân thì anh rất trân quý, quan tâm. Không chỉ trong nước mà anh còn nhiều bạn đồng nghiệp cố tri ở nước ngoài. Trường hợp với nhà báo Thái Lan Bandlit Rajavatanadhamin là một ví dụ.

Ông nguyên là Tổng Biên tập Báo Bangkok Post (Bưu điện Băng Cốc), nguyên Chủ tịch Liên đoàn Báo chí Thái Lan, Chủ tịch danh dự Liên đoàn Báo chí các nước ASEAN. Thông qua sự gắn bó về tình bạn này, anh đã kết nối bền chặt giới báo chí hai nước Việt - Thái, tạo điều kiện cho các Hội Nhà báo địa phương cả nước giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm báo của nhau.

Đã vào tuổi mùa Thu cuộc đời nhưng nhà văn - nhà báo tuổi Trâu vàng này (1949) vẫn sức khỏe dẻo dai, cần mẫn sáng tạo trên cánh đồng chữ nghĩa, tiếp tục cho ra đời nhiều trang viết sâu sắc, đầy trách nhiệm, nghĩa tình.

Nguyễn Khắc Hiển (Nguyên TBT Báo Hà Tĩnh)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/pham-quoc-toan--ngoi-but-tuoi-hai-muoi-post187929.html