Phạm Thị Trân – người thắp lửa đầu tiên cho chiếu Chèo Việt

Ngày 15/4, tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình tổ chức hội thảo khoa học đặc biệt nhằm tôn vinh thân thế, sự nghiệp của một nữ nhân kiệt xuất: Ưu bà Phạm Thị Trân, người được hậu thế trìu mến gọi là 'Bà tổ của nghệ thuật Chèo Việt Nam'.

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật hát chèo tại hội thảo. (Ảnh: YẾN TRINH)

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật hát chèo tại hội thảo. (Ảnh: YẾN TRINH)

Hội thảo do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc tổ chức, quy tụ đông đảo các nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu cùng những người tâm huyết với nền văn hóa dân tộc.

Dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, Viện Văn học phát biểu tham luận về “Cội nguồn văn hóa Ninh Bình và sự xuất hiện tổ Chèo Ưu bà Phạm Thị Trân” tại hội thảo. (Ảnh: YẾN TRINH)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, Viện Văn học phát biểu tham luận về “Cội nguồn văn hóa Ninh Bình và sự xuất hiện tổ Chèo Ưu bà Phạm Thị Trân” tại hội thảo. (Ảnh: YẾN TRINH)

Đồng chí Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, nhấn mạnh: Hội thảo không chỉ là dịp để soi chiếu lại cuộc đời và đóng góp của một người phụ nữ kiệt xuất thời Đinh, mà còn là cơ hội để khơi dậy dòng chảy di sản - nơi Chèo không chỉ là một loại hình sân khấu dân gian, mà còn là tiếng lòng của người Việt qua bao thế hệ.

Nghệ thuật Chèo - hơi thở của đồng bằng Bắc Bộ

Nếu Quan họ là lời mời gọi tha thiết bên triền sông, nếu Ca trù là tiếng ru thầm thì trong không gian thanh tịnh, thì Chèo là nụ cười, là tiếng lòng chân quê vang vọng từ sân đình làng cổ, là tấm gương phản chiếu cuộc sống, đạo lý, tình cảm của con người Việt Nam.

Với chất dân gian mộc mạc, ngôn từ dí dỏm, nghệ thuật hát Chèo đã trở thành loại hình nghệ thuật sân khấu đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ - nơi cây lúa nước sinh sôi cũng như Chèo thấm đẫm trong nếp sống, nếp nghĩ của người nông dân Việt.

Và giữa không gian ấy, hình bóng Ưu bà Phạm Thị Trân như một ngọn đèn soi rọi thuở sơ khai, người đầu tiên "lên chiếu", biến tiếng hát dân dã thành nghệ thuật, biến thân phận người phụ nữ thành biểu tượng. Bà không chỉ là bà tổ của Chèo, mà còn là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử được phong quan, một dấu mốc đáng tự hào cho giới nữ lưu thời phong kiến.

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: YẾN TRINH)

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: YẾN TRINH)

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Huỳnh Thành Đạt , Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, xúc động chia sẻ: “Ưu bà Phạm Thị Trân không chỉ là người khởi dựng sân khấu dân tộc, mà còn để lại một di sản văn hóa vô giá. Chính phủ đã quyết định lấy ngày giỗ bà - 12/8 âm lịch làm Ngày Sân khấu Việt Nam, để tôn vinh những người gìn giữ nghệ thuật dân tộc".

Hội thảo cũng là dịp để các đại biểu nhìn lại những giá trị lâu bền mà bà để lại: từ hình tượng vai hề trong Chèo cổ, sáng tạo đặc sắc của bà, đến cội nguồn văn hóa Ninh Bình gắn với triều đại Đinh Tiên Hoàng, từ vai trò của nghệ sĩ trong việc kế thừa di sản đến hướng đi phát triển du lịch văn hóa thông qua nghệ thuật Chèo.

Không chỉ là nghệ thuật, mà là hồn dân tộc

Chèo từ lâu không chỉ là một hình thức giải trí dân gian, mà đã trở thành ngôn ngữ tâm hồn của người Việt, nơi đạo làm người được nhắn gửi, nơi tiếng cười dân dã hòa quyện với triết lý nhân sinh. Trong Chèo, có giọt nước mắt cho nỗi oan khuất, có tiếng cười cho thói đời trớ trêu, có tình người, tình quê nồng đượm, có lòng thủy chung, hiếu nghĩa được nâng niu.

Toàn cảnh hội thảo khoa học “Thân thế, sự nghiệp Ưu bà Phạm Thị Trân”. (Ảnh: YẾN TRINH)

Toàn cảnh hội thảo khoa học “Thân thế, sự nghiệp Ưu bà Phạm Thị Trân”. (Ảnh: YẾN TRINH)

Từ mảnh chiếu năm xưa nơi Phạm Thị Trân cất tiếng hát đầu tiên, Chèo đã vượt thời gian để đến với ngày hôm nay, nơi các nghệ sĩ vẫn tiếp tục thắp lên ngọn lửa truyền thống, để tiếng trống Chèo còn vang mãi nơi sân đình, để nghệ thuật dân tộc không chỉ sống trong bảo tàng, mà hiện hữu trong trái tim mỗi người Việt.

Hội thảo khép lại, nhưng những giá trị mà Ưu bà Phạm Thị Trân để lại thì còn mãi. Đó là sự sống động, trường tồn của một loại hình nghệ thuật mà người Việt có thể tự hào gọi tên: Chèo, linh hồn của đồng bằng Bắc Bộ, linh hồn của dân tộc.

VĂN LÚA - YẾN TRINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/pham-thi-tran-nguoi-thap-lua-dau-tien-cho-chieu-cheo-viet-post872526.html