Phản bác các quan điểm sai trái về chính sách đất đai

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có nội dung về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Lợi dụng vấn đề này, các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị lại tìm cách 'mượn gió bẻ măng' để chống phá chính sách đất đai của Việt Nam.

Chúng ta đều biết, đất đai và sở hữu đất đai có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, có những ý kiến đòi Nhà nước ta phải thay đổi chính sách đất đai, công nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai. Đặc biệt, họ lợi dụng những sai phạm trong công tác quản lý đất đai tại một số địa phương trong thời gian qua ra sức tấn công, đòi thay đổi chính sách sở hữu đất đai toàn dân của nước ta.

Sở hữu toàn dân hay sở hữu tư nhân về đất đai đều có những mặt tích cực và hạn chế. Việc lựa chọn chính sách nào về đất đai phụ thuộc vào định hướng phát triển, yếu tố lịch sử, tình hình thực tiễn của mỗi quốc gia. Đánh giá về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai của nước ta cho thấy, đây là chính sách phù hợp với tình hình cũng như định hướng phát triển đất nước hiện nay.

Việc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân. Vì vậy việc xác lập chế độ sở hữu toàn dân là hoàn toàn đúng đắn chứ không phải sai lầm như các đối tượng chống phá đang cố tình lan truyền. Việc thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Trên thực tế, Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của cá nhân. Người sử dụng đất có quyền được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý còn đảm bảo việc sử dụng đất một cách hợp lý, đúng định hướng phát triển của đất nước và của từng địa phương. Hiện nay việc sử dụng đất phải đảm bảo các nguyên tắc: Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất; người sử dụng đất thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Việc quy hoạch đất đai phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển KTXH, quốc phòng, an ninh. Do vậy, nếu để sở hữu tư nhân về đất đai có thể sẽ kéo theo sự tích tụ đất đai tập trung vào một số cá nhân, tạo ra sự bất bình đẳng, làm gia tăng khoảng cách phân hóa trong xã hội, đặc biệt là việc đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đất đai là vấn đề nhạy cảm vì liên quan đến lợi ích của chủ thể được Nhà nước trao quyền sử dụng đất, liên quan trực tiếp đến các chương trình, dự án phát triển KTXH, quốc phòng, an ninh của đất nước. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đất đai là tôn trọng luật pháp, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai. Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII tiếp tục đưa ra các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng, những bất cập liên quan đến vấn đề đất đai, phát triển hoàn thiện thể chế để bảo đảm vận hành hiệu quả thị trường quyền sử dụng đất, nhằm đảm bảo sự công bằng cho mọi người dân và đảm bảo nguồn lực phục vụ sự phát triển của đất nước.

Với thực tiễn Việt Nam, vấn đề hiện nay không phải là thay đổi chính sách đất đai. Điều cần làm là hoàn thiện pháp luật để ngăn chặn, phòng ngừa các sai phạm trong quản lý đất đai.

Hoàng Bách

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-nha-nuoc/phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-ve-chinh-sach-dat-dai-159082.html