'Phản bác' thành lập sàn giao dịch tiền số là có cơ sở
Việc thành lập các sàn giao dịch tiền số tại Việt Nam là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng từ góc độ pháp lý, kinh tế và xã hội.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam và sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2026. Một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ này đề xuất là chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech).
Tuy nhiên, về đề xuất này đã bị Bộ Tài chính “phản bác” và nhấn mạnh việc triển khai chính sách về tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính có nhiều nội dung cần nghiên cứu, liên quan đến nhiều bộ, ngành, có tác động đến đảm bảo an ninh tài chính. Theo đó, để đảm bảo khả thi, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định về thời gian thực hiện giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong thời gian thực hiện nêu trên.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Vũ Văn Tính – Cố vấn Công ty Luật TNHH SALUS - người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Tiến sĩ Vũ Văn Tính – Cố vấn Công ty Luật TNHH SALUS. Ảnh: Đ.N
Thưa tiến sĩ, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thí điểm thành lập sàn giao dịch tiền số tại Trung tâm tài chính ở Việt Nam liệu có khả thi? Quan điểm của tiến sĩ về vấn đề này như thế nào?
- Tiến sĩ Vũ Văn Tính: Chúng ta cần hiểu khái niệm tài sản mã hóa, tiền mã hóa, tiền số là gì? Đây là một dạng của tiền điện tử hoặc tiền kỹ thuật số hay tiền ảo - một tài sản kỹ thuật số được thiết kế để thực hiện chức năng như là một trung gian trao đổi thông qua việc sử dụng mật mã để đảm bảo các giao dịch của nó.
Cũng cần hiểu rõ, sàn giao dịch tiền số là nền tảng trực tuyến cho phép người dùng mua, bán, trao đổi các loại tiền số (tiền điện tử, tiền mã hóa) như Bitcoin, Ethereum, và nhiều loại khác. Đây là nơi kết nối người mua và người bán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch tiền số.
Và thường để kết luận về tính khả thi của đề xuất này cần xét trên nhiều yếu tố khác nhau như: Yếu tố pháp lý, yếu tố thị trường, yếu tố kỹ thuật, yếu tố tài chính.
Về yếu tố pháp lý: Để nói về tính khả thi của dự án sàn giao dịch tiền số, trước hết phải trả lời được câu hỏi: Pháp luật có cho phép triển khai mô hình sàn giao dịch tiền số chưa? Được biết, hiện theo khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định chỉ “Tiền giấy, tiền kim loại” mới được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Ngoài ra tại Công văn 5747/NHNN-PC năm 2017 NHNN cũng đã nói về vấn đề tiền điện tử (tiền ảo) như sau: “Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Như vậy, nếu muốn việc thành lập sàn giao dịch tiền số có tính khả thi thì trước hết Việt Nam cần sửa rất nhiều quy định pháp luật về tiền tệ, ngân hàng, thanh toán theo hướng cho phép sử dụng tiền số (crypto currency) trong thanh toán. Còn nếu không sửa được ngay thì Chính phủ có thể ra một quy chế thử nghiệm có kiểm soát trong một phạm vi thời gian nhất định.
Yếu tố thị trường: Theo phân tích và dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, thị trường tiền điện tử có rất nhiều tiềm năng phát triển. Thực tế, ngày càng nhiều người hiểu biết về tiền điện tử và công nghệ blockchain, dẫn đến sự quan tâm và tham gia vào thị trường.
Yếu tố kỹ thuật: Muốn sàn giao dịch tiền điện tử hoạt động tốt cần phải có công nghệ nền tảng. Đó là phải xây dựng hệ thống giao dịch ổn định, bảo mật, và có khả năng mở rộng. Việc sử dụng công nghệ blockchain và các giải pháp bảo mật là yếu tố then chốt. Ngoài ra, hệ thống cần phải có khả năng tích hợp, hỗ trợ nhiều loại tiền điện tử và tích hợp với các ví điện tử, ngân hàng, và hệ thống thanh toán.
Yếu tố tài chính: Chủ đầu tư phải có đủ vốn để xây dựng, vận hành và quảng bá sàn giao dịch. Mặt khác, phải tính được các nguồn doanh thu chính, chẳng hạn như phí giao dịch, phí rút tiền, hoặc dịch vụ premium. Nếu cân đối doanh thu và chi phí có lời thực sự thì mới đảm bảo tính khả thi và thu hút nhà đầu tư
Thực tế cho thấy, thời gian qua, với sức hấp dẫn của loại tiền này đã khiến nhiều nhà đầu tư “ôm mộng” rồi “vỡ mộng” khi tay trắng theo tiền số. Theo tiến sĩ, đâu là nguyên nhân của hiện tượng này và biện pháp phòng ngừa rủi ro là gì?
- Tiến sĩ Vũ Văn Tính: Theo tôi, việc nhiều nhà đầu tư bị mất tiền khi tham gia đầu tư, mua bán tiền số giai đoạn vừa qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có một số nguyên nhân chính như: Thứ nhất, thiếu khung pháp lý rõ ràng. Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, khung pháp lý cho tiền số chưa hoàn thiện, dẫn đến việc quản lý và bảo vệ nhà đầu tư còn hạn chế. Người dân dễ bị lợi dụng bởi các tổ chức, cá nhân không có giấy phép hoạt động hợp pháp.
Thứ hai, thiếu hiểu biết về thị trường tiền số và tâm lý đám đông. Nhiều người tham gia đầu tư tiền số mà không có kiến thức cơ bản về cách hoạt động của thị trường, công nghệ blockchain, hay các rủi ro liên quan. Việc thiếu hiểu biết dẫn đến quyết định đầu tư cảm tính, dễ bị lừa đảo hoặc thua lỗ do biến động giá.
Ngoài ra, nhiều người còn bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông và FOMO (Fear of Missing Out - Hội chứng sợ bỏ lỡ), tham gia đầu tư tiền số do tâm lý đám đông, sợ bỏ lỡ cơ hội kiếm lời, dẫn đến quyết định đầu tư thiếu cân nhắc. Điều này khiến họ dễ dàng rơi vào bẫy của các đối tượng có mục đích lừa đảo hoặc đầu tư vào thời điểm không phù hợp.

Việc thành lập các sàn giao dịch tiền số (tiền điện tử, tiền mã hóa) tại Việt Nam là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng từ nhiều yếu tố. Ảnh minh họa
Thứ ba, biến động giá lớn. Thị trường tiền số có tính biến động rất cao, giá trị của các đồng tiền số có thể tăng hoặc giảm mạnh trong thời gian ngắn. Nhiều người không lường trước được rủi ro này dẫn đến thua lỗ nặng khi giá giảm đột ngột.
Thứ tư, sàn giao dịch không uy tín, lừa đảo. Một số sàn giao dịch tiền số không được quản lý chặt chẽ, thậm chí là sàn lừa đảo, có thể đóng cửa hoặc biến mất cùng với tài sản của người dùng. Nhiều sàn giao dịch tiền số không minh bạch, thậm chí là lừa đảo (scam) được tạo ra chỉ để hút vốn từ nhà đầu tư. Các sàn này thường hứa hẹn lợi nhuận cao trong thời gian ngắn, nhưng sau đó biến mất cùng với tiền của nhà đầu tư. Việc bảo mật kém cũng khiến hacker dễ dàng tấn công và đánh cắp tiền từ các sàn này.
Thứ năm, quản lý rủi ro kém. Nhiều nhà đầu tư không có chiến lược quản lý rủi ro, đầu tư quá nhiều tiền vào một dự án hoặc đồng tiền số cụ thể. Khi thị trường đi xuống, họ có thể mất trắng số tiền đã đầu tư.
Như vậy, nếu đề cập đến tính khả thi thì đầu tiên phải sửa đổi rất nhiều quy định pháp luật trong đó có sửa Luật Ngân hàng nhà nước theo hướng công nhận và cho phép lưu hành các loại tiền số. Tuy nhiên, khả năng này là không cao vì tiền số chưa được coi là một công cụ thanh toán hợp pháp tại nhiều quốc gia chứ không phải chỉ Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, tiền kỹ thuật số là một xu thế trong tương lai? Vậy thưa tiến sĩ, Việt Nam có nên thành lập sàn giao dịch tiền số không, đặc biệt đặt trong bối cảnh phải đảm bảo về an ninh tài chính?
- Tiến sĩ Vũ Văn Tính: Tôi cho rằng, tiền số chưa hẳn là xu hướng phát triển tất yếu, nhưng nó đang trở thành một xu hướng nổi bật trong thời đại công nghệ số, bởi các lý do sau đây: Do sự phát triển của công nghệ blockchain: Công nghệ blockchain, nền tảng của tiền số, được coi là một trong những phát minh quan trọng nhất của thế kỷ 21. Nó mang lại tính minh bạch, bảo mật và phi tập trung, giúp giải quyết nhiều vấn đề trong các lĩnh vực như tài chính, logistics, y tế, và quản lý dữ liệu. Tiền số là ứng dụng đầu tiên và nổi bật nhất của blockchain và như vậy sự phát triển của blockchain sẽ tiếp tục thúc đẩy tiền số phát triển.
Bên cạnh đó, do xu hướng toàn cầu hóa và số hóa toàn cầu: Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, tiền số không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch quốc tế và thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế. Mặt khác, thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang kỷ nguyên số, với sự gia tăng của các giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử và nền kinh tế số. Tiền số, với khả năng giao dịch nhanh chóng, xuyên biên giới và chi phí thấp, phù hợp với xu hướng này.
Ngoài ra, nhu cầu về tài chính phi tập trung (DeFi) ngày càng gia tăng. Hệ thống tài chính truyền thống có nhiều hạn chế như phụ thuộc vào trung gian, chi phí cao và thiếu minh bạch. Tiền số và các ứng dụng tài chính phi tập trung (DeFi) hứa hẹn giải quyết những vấn đề này. DeFi đang thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng toàn cầu, cho thấy tiềm năng của tiền số trong việc thay đổi cách thức hoạt động của hệ thống tài chính.
Trước thực tế này, với câu hỏi, Việt Nam có nên thành lâp sàn giao dịch tiền số không? Tôi cho rằng, việc thành lập sàn giao dịch tiền số đòi hỏi phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng rất nhiều khía cạnh như chính trị, kinh tế, công nghệ và các rủi ro pháp lý, xã hội...
Về mặt cơ hội, có thể thấy, việc thành lập sàn giao dịch tiền số sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua thuế và các khoản phí. Điều này cũng giúp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ trong nước, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Tuy nhiên, việc thành lập sàn giao dịch tiền số cũng đặt ra rất nhiều rủi ro và thách thức: Đó là rủi ro về an ninh tài chính, thách thức về hành lang pháp lý, về kỹ thuật và áp lực từ cộng đồng quốc tế. Theo đó, việc Bộ Tài chính "phản bác" thành lập sàn giao dịch tiền số là có cơ sở khi còn nhiều nội dung cần nghiên cứu trước khi ban hành chính sách.
Và để có thể thành công trong việc thực hiện sàn giao dịch tiền số, tôi cho rằng, Việt Nam cần thực hiện một số việc như xây dựng khung pháp lý rõ ràng, đầy đủ, bao gồm các quy định về bảo vệ nhà đầu tư, chống rửa tiền và quản lý rủi ro.
Bên cạnh đó, cần triển khai mô hình thí điểm có kiểm soát dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng về rủi ro và lợi ích của tiền số để người dân có thể đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt. Đặc biệt, cần tăng cương hợp tác quốc tế: Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước và hợp tác với các tổ chức quốc tế để quản lý hiệu quả thị trường tiền số.