Phân biệt giữa bệnh bạch hầu và cảm cúm thông thường

Thời gian vừa qua, cộng đồng đặc biệt lo ngại khi hệ thống giám sát dịch ghi nhận ca tử vong tại Nghệ An và ca dương tính do tiếp xúc gần ca bệnh. Tuy nhiên, không ít trường hợp người bệnh nhầm lẫn giữa bạch hầu với các chứng cảm cúm hoặc viêm, sưng amidan thông thường. Sự nhầm lẫn tai hại này dẫn đến điều trị sai hướng khiến bệnh ngày càng trầm trọng. Do đó, chúng ta cần phân biệt bệnh bạch cầu và cảm cúm thông thường.

Bệnh bạch hầu được ghi nhận là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính dễ lây lan. Nguyên nhân chính gây bệnh là do các vi khuẩn cùng tên. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và có thể dẫn đến tử vong chỉ trong 7 – 10 ngày.

Triệu chứng khởi phát của bệnh gần giống với các bệnh cảm cúm thông thường, sau đó, các biểu hiện tăng nặng dần. Người bệnh có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, uể oải, ớn lạnh sống lưng. Sau đó, có dấu hiệu viêm họng nhẹ hoặc ho với tần suất dày đặc, tiếng ho hơi khàn. Người bệnh bị sưng hạch bạch huyết ở cổ hoặc dưới cằm, cảm thấy háo nước và chảy dãi thường xuyên. Tuy nhiên, không phải người mắc bạch hầu nào cũng xuất hiện các triệu chứng cụ thể trong thời gian khởi phát. Các bệnh nhân có sức khỏe bình thường, chỉ xuất hiện mảng bám tại họng hoặc amidan nhưng không gây đau đớn. Đây chính là lý do khiến một số bệnh nhân không phát hiện được sớm.

Có thể thấy, các triệu chứng lâm sàng ban đầu của bệnh bạch hầu cơ bản tương tự như của cảm lạnh, viêm họng, viêm amidan. Tuy nhiên, đối với người bị viêm họng hay viêm amidan, bệnh nhân nhanh chóng chuyển sang giai đoạn sốt cao. Phổ biến nhất là sốt cao về đêm. Viêm họng khiến người bệnh bị khô môi, lưỡi, khoang miệng có mùi khó chịu, đau rát họng khi nuốt thức ăn rắn. Đặc biệt, bệnh nhân viêm họng có triệu chứng tắc mũi hoặc chảy nước mũi. Bệnh nhân viêm họng hoặc amidan sưng thành các hạch quanh cổ, dưới tai hoặc ở góc hàm.

Triệu chứng riêng của bệnh bạch hầu là phần giả mạc xuất hiện tại họng rất dày, bám chắc, gần như không tách được ra khỏi niêm mạc họng. Trong khi đó, bệnh nhân viêm họng hay amidan thông thường, nếu có xuất hiện giả mạc thì cũng có thể lấy ra dễ dàng. Lớp giả mạc này không dày hoặc sẫm màu như bạch hầu.

Tôi cho rằng, việc tự phân biệt bạch hầu thông qua việc quan sát giả mạc hoặc theo dõi các triệu chứng có thể không chính xác hoàn toàn. Do đó, nếu bạn nghi ngờ bản thân mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Các bác sĩ sẽ giúp chúng ta đưa ra chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị phù hợp.

Tường Vy (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phan-biet-giua-benh-bach-hau-va-cam-cum-thong-thuong-388000.html