Phân bổ thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT để đạt kết quả tốt

Trong giai đoạn nước rút, thí sinh cần tăng cường tự học. Tìm ra phương pháp học phù hợp và phân bổ thời gian hợp lý sẽ giúp ôn luyện hiệu quả hơn.

Thầy Hồ Văn Quang hướng dẫn học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC.

Thầy Hồ Văn Quang hướng dẫn học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC.

Áp dụng nhiều phương pháp ôn tập

Thầy giáo Hồ Văn Quang, giáo viên Vật lý, Trường Quốc tế Song ngữ Học viện Anh quốc (UKA) Gia Lai, tỉnh Gia Lai, đã có những chia sẻ hướng dẫn thí sinh ôn thi tốt nghiệp THPT về phương pháp ôn tập và phân bổ thời gian ôn tập hợp lý.

Thầy Quang nhấn mạnh, không chỉ môn Vật lý mà cũng như các môn khác, trong giai đoạn ôn thi nước rút, học sinh nên phân bổ thời gian học và nghỉ ngơi một cách hợp lý. Điều này giúp các em tránh được căng thẳng và tăng cường khả năng tập trung ôn tập những kiến thức mình đã tích lũy được.

Ở giai đoạn này, thí sinh cũng cần ghi nhớ phương châm: “Học đến đâu làm bài chắc đến đó”. Có như vậy, thí sinh sẽ không mất thời gian ôn luyện cho một vấn đề. Mỗi chủ điểm kiến thức có thể ôn luyện cuốn chiếu và dành thời gian để củng cố các kiến thức khác hoặc thử sức với những bài tập khó hơn.

Nhắc đến phần kiến thức khó, thầy Quang gợi ý khi ôn luyện nội dung này, học sinh nên tìm hiểu rõ bản chất của vấn đề để có hướng giải đúng. Một vấn đề phức tạp là tổ hợp của nhiều vấn đề đơn giản, nếu thí sinh có thể bóc tách được bài toán thành từng phần nhỏ, các em có thể nâng cao khả năng tư duy, xử lý bài toán khó và củng cố những kiến thức đã học.

Tuy nhiên, việc ôn luyện các dạng bài khó sẽ tốn nhiều thời gian và đặc biệt là gây áp lực, gia tăng căng thẳng cho thí sinh. Vì vậy, thầy Quang đưa ra lời khuyên trong giai đoạn này, học sinh có thể học theo nhóm. Việc học nhóm giúp các em trao đổi, tranh luận, học hỏi lẫn nhau để giải quyết các bài toán khó nhằn. Điều đó cũng giúp giải tỏa áp lực thi cử trong học tập và ghi nhớ kiến thức tốt hơn.

Trong quá trình ôn thi tốt nghiệp, luyện đề là một hoạt động thường xuyên, phổ biến. Theo thầy Quang, ở mỗi giai đoạn, học sinh sẽ cần phương pháp luyện đề khác nhau nhằm tăng cơ hội tích lũy kiến thức và kỹ năng xử lý đề thi.

Với giai đoạn nước rút, thầy Quang gợi ý thí sinh nên so sánh cách đặt vấn đề của các câu ở các đề thi khác nhau khi cùng hỏi về một nội dung kiến thức. Từ đó, thí sinh cần rút được kinh nghiệm, nắm chắc kiến thức, tránh làm bài theo cảm tính và hiểu rõ bản chất của vấn đề được hỏi. Như vậy, các em cũng sẽ nhanh chóng tìm ra được phương pháp giải phù hợp cho dạng bài.

Ngoài ra, trong quá trình làm bài thi với đặc điểm cấu trúc của đề đã sắp xếp theo mức độ khó tăng dần, thí sinh nên lựa chọn làm bài từ trên xuống. Đặc biệt lưu ý không làm các câu hỏi khó trước. Trong 30 câu đầu, nếu giải lần đầu chưa tìm ra đáp án, thí sinh nên bỏ qua để làm câu khác sau đó quay lại làm các câu còn bỏ dở khi còn thời gian.

Thí sinh cần phân bổ thời gian ôn tập hợp lý để giảm căng thẳng và nâng cao hiệu quả ôn tập.

Thí sinh cần phân bổ thời gian ôn tập hợp lý để giảm căng thẳng và nâng cao hiệu quả ôn tập.

Phân bổ thời gian hợp lý

Tương tự, cô giáo Vũ Thị Thùy Trang, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Hàng Hải, TP Hải Phòng, lưu ý thí sinh việc nắm được cấu trúc đề thi là một trong những bước cơ bản nhất để biết cách phân bổ thời gian ôn luyện cũng như thời gian làm bài sao cho hợp lý và đạt hiệu quả tốt nhất. Thí sinh nên ôn luyện bám sát theo đề minh họa do Bộ GD&ĐT công bố.

Bên cạnh đó, thời gian này thí sinh không nên đặt nặng áp lực lên bản thân, khiến việc học trở nên căng thẳng và giảm mức độ tập trung. Với môn Tiếng Anh, khi ôn luyện, thí sinh có thể chia nhỏ thời gian như 60 phút luyện đề, 30 phút chữa đề... để dành cho bản thân quãng nghỉ sau một thời gian tập trung cao độ.

Theo cô Trang, ngoài luyện đề, học sinh có thể chuyển sang các phương pháp ôn tập khác như học từ mới, xem lại các câu sai khi làm đề hay nghe nhạc, xem phim tiếng Anh vừa để trau dồi từ mới vừa để thư giãn. Mỗi thí sinh, tùy thuộc vào điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, sẽ cần phân bổ thời gian hợp lý để tối ưu hóa việc ôn luyện.

Ví dụ, thí sinh còn yếu từ vựng nên dành nhiều thời gian để trau dồi từ mới bằng nhiều phương pháp như học thuộc, luyện các bài tập về từ vựng, đọc sách, báo bằng tiếng Anh. Còn thí sinh yếu kỹ năng đọc hiểu có thể luyện các bài đọc nhiều thời gian hơn các phần kiến thức khác.

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT rất quan trọng, là cột mốc để chuyển giao giai đoạn học tập. Học sinh cần xây dựng tinh thần tốt, không nên quá căng thẳng để có thể tự tin vượt qua kỳ thi. Hãy xem các bài thi, môn thi giống như các buổi kiểm tra học kì trên lớp để tìm được sự bình tĩnh, thoải mái và tập trung tốt hơn”, thầy Hồ Văn Quang, giáo viên Trường Quốc tế Song ngữ Học viện Anh quốc (UKA) Gia Lai nhắn nhủ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, có tổng số 1.025.166 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, số thí sinh tự do chiếm 4,71% (48.309 thí sinh); thí sinh chỉ xét tốt nghiệp chiếm 7,14% (73.232 thí sinh); thí sinh chỉ xét tuyển sinh chiếm 3,34% (34.203 thí sinh); thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh chiếm 89,52% (917.731 thí sinh).

Phạm Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phan-bo-thoi-gian-on-thi-de-dat-ket-qua-tot-post641094.html