Phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng, ngành nông nghiệp chịu thiệt đơn thiệt kép
Tại Tọa đàm 'Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp' do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay (14/6), ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: '10 năm không được áp thuế GTGT, ngành nông nghiệp vừa thiệt đơn vừa thiệt kép, và người nông dân là đối tượng gánh chịu'.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam
Cụ thể, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng “không chịu thuế GTGT” theo Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014 số 71/2014/QH13 (Luật 71). Vì vậy, các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào là hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. Chính vì không được khấu trừ nên các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm, tức là tính vào giá thành sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón lên.
“Phân bón là vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp, chiếm 40-60% giá thành của các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời là sản phẩm thiết yếu đầu vào không thể thiếu. Do đó, người nông dân phải chấp nhận mua phân bón với giá thành cao hơn”, ông Ngọc cho biết.
Một tác động nữa là giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng thì bất lợi trong cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu. Mỗi năm, ngành nông nghiệp tiêu thụ 11-12 triệu tấn phân bón, trong đó các sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại nhập khẩu.
“Khi nhập khẩu phân bón, doanh nghiệp sản xuất trong nước đối diện tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng, vì bên nước khác chịu thuế GTGT nên được khấu trừ và giá nhập vào thấp hơn so với giá sản xuất trong nước. Vậy nên nói quy định không áp thuế GTGT đã tạo thiệt đơn thiệt kép cho cả doanh nghiệp và người nông dân", ông Ngọc cho biết.
Nhìn sang thị trường quốc tế, 60% lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu là từ Nga và Trung Quốc. Nga có chính sách thuế GTGT 20%, Trung Quốc là 11% và dự kiến giảm xuống 9%. Các nước xung quanh Việt Nam như Malaysia, Indonesia, Thái Lan đều coi phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT. Ví dụ Thái Lan là 8%, Malaysia cũng xấp xỉ.
“Cả thế giới đều như vậy, không trừ quốc gia nào. Tư duy của họ là sản xuất nông nghiệp - đối tượng cần được ưu tiên, cần được phát triển một cách bền vững để tạo nền tảng cho xã hội. Tại Việt Nam, chúng ta coi trọng nông nghiệp, nhưng những chính sách cụ thể cần phải học tập, nghiên cứu thêm vì hội nhập ngày càng sâu rộng”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Hiện tại, theo chương trình sửa đổi các luật thuế trong năm 2024, dự án Luật thuế Giá trị gia tăng (Thuế GTGT) sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10/2024).
Một nội dung được quan tâm đặc biệt trong Dự thảo Luật là chuyển mặt hàng phân bón và các loại máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sang áp dụng 5% thuế GTGT, thay vì thuộc nhóm đối tượng “không chịu thuế” như hiện nay. Đây cũng là nội dung được các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị nhiều năm qua nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, hỗ trợ nông dân giảm chi phí sản xuất, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho ngành sản xuất phân bón trong nước phát triển bền vững, đồng thời thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT.
Chia sẻ thêm về câu chuyện này, ông Ngọc cho biết, Hiệp hội Phân bón Việt Nam xác định phải kiên trì tham gia và đấu tranh để sửa đổi Luật thuế 71 theo hướng mặt hàng phân bón sẽ được áp thuế GTGT.
“Với việc Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi đã đưa quy định này vào, chúng tôi nhìn thấy những triển vọng. Các doanh nghiệp phân bón trong 10 năm chịu thiệt thòi hơn 10.000 tỷ đồng, nhưng nếu bây giờ thay đổi, số tiền đó có thể sử dụng để đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng phân bón và mang tới sản phẩm tốt hơn cho người nông dân.
Ví dụ đơn giản, trước kia mỗi vụ người nông dân cần bón phân 5-6 lần, nhưng bây giờ chất lượng tốt hơn, cũng sản phẩm đó nhưng chỉ cần bón 3 lần, vậy là đã rút ngắn được rất nhiều thời gian, công sức, tiền của.
Trong thời buổi cạnh tranh hội nhập như hiện nay, nông sản Việt Nam muốn giữ vững lợi thế cạnh tranh của mình, không có cách nào khác là phải đổi mới thực sự, mà trước hết cơ hội để đổi mới tới từ nguồn đầu vào đang chiếm 40-60% giá thành sản phẩm. Giá thành đầu vào giảm xuống, chất lượng được nâng lên sẽ đáp ứng hơn nữa yêu cầu phát triển nền kinh tế nông nghiệp xanh sạch, an toàn, bền vững.
Chúng tôi nghĩ đây là cơ hội cho ngành phân bón, cho bà con nông dân và cả nền kinh tế nông nghiệp của chúng ta”, ông Ngọc nhấn mạnh.