Phân bón văn Điển: Vững thương hiệu 'phân bón nội, chất lượng quốc tế'

Để giữ vững thương hiệu phân bón Văn Điển 'sản phẩm nội, chất lượng ngoại', Công ty luôn xác định chất lượng sản phẩm là ưu tiên hàng đầu.

Năm 2022 sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Văn Điển gặp không ít khó khăn khi tình hình thế giới có nhiều tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước. Vào thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và lan rộng, hầu hết cán bộ công nhân viên đều phải cách ly tại nhà, xung đột Nga - Ukraina dẫn tới tình trạng khan hiếm nguyên nhiên vật liệu, đẩy giá thành các loại vật tư tăng cao 10 - 20%.

Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển tăng cao làm tăng chi phí khác khiến mặt bằng giá phân bón tăng trong khi đó giá nông sản còn ở mức thấp đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ phân bón.

Tuy nhiên để giữ vững thương hiệu phân bón Văn Điển “sản phẩm nội, chất lượng ngoại”, công ty xác định chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu. Các nguyên liệu đầu vào như quặng Apatit, Sepnetit luôn đảm bảo tốt nhất, máy móc thiết bị duy trì hoạt động tốt nhất, để sản xuất ra sản phẩm phân lân và phân đa yếu tố NPK có hiệu quả cao trên đồng ruộng được bà con nông dân ưa dùng.

Công ty đã áp dụng tổng hợp khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hóa lò cao, tuyển chọn nguyên liệu, nhiên liệu, kỹ thuật nấu quặng, chọn thời gian đủ quặng tan chảy lỏng để chuyển hóa hoàn toàn chất khoáng khó tiêu từ quặng sang chất khoáng dễ tiêu trong phân lân; đây chính là "Bí quyết nhà nghề" của nhà máy phân lân nung chảy Văn Điển.

Phân lân nung chảy Văn Điển luôn đứng đầu về chất lượng (như khả năng hấp thụ của cây trồng đạt 100% ở mọi vùng thổ nhưỡng đặc biệt đất chua, bạc màu, đất phèn, đất đồi núi dốc) không có chất độc hại, thân thiện môi trường, an toàn tuyệt đối cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững với chất lượng phân lân cấp nhà nước; mang thương hiệu: phân bón “nội”, chất lượng “quốc tế”, phục vụ SX trong nước và xuất khẩu.

Ngay từ đầu năm 2022, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp trong sản xuất, tiết giảm chi phí, tiêu thụ, duy trì thị trường, Công ty cũng chú trọng củng cố hệ thống phân phối sản phẩm sẵn có tại các vùng miền, triển khai thêm các đại lý phân phối, khách hàng mới cũng như duy trì chính sách chăm sóc khách hàng truyền thống.

Ngoài ra, Công ty còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ các xã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, sử dụng hiệu quả phân bón Văn Điển với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Năm 2022 Công ty đã phát triển thêm 5 đại lý mới ở các địa phương như Bình Thuận, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình,...

Đáng chú ý, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng sản lượng sản xuất cả năm 2022 đạt 223.900 tấn phân bón các loại đạt sản lượng giao của tập đoàn Hóa chất Việt Nam; sản lượng xuất khẩu vẫn ở mức gần 15.000 tấn, chủ yếu xuất trực tiếp, chỉ có 3.200 tấn xuất khẩu ủy thác.

Năm 2023, Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Văn Điển được giao sản xuất 225.000 tấn, trong đó phân lân các loại 190.000 tấn, phân NPK các loại 35.000 tấn, tổng doanh thu 1.1258,723 tỷ đồng. Nộp ngoài ngân sách nhà nước 24,434 tỷ đồng.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Công ty đã phát động thi đua, trong đó công đoàn đóng vai trò nòng cốt; các tổ công đoàn xây dựng kế hoạch từng phân xưởng, từng phòng bản giao ước thi đua lập thành tích chào xuân Quý Mão và đại hội công đoàn công ty nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ngay trong tháng 1, tháng 2, tháng 3 Công ty tập trung mọi nguồn lực máy móc thiết bị để sản xuất theo kế hoạch 60.000 tấn phân lân thực hiện kế hoạch SX trong nước và xuất khẩu; sản xuất 9.000 tấn NPK các loại phục vụ bà con nông dân gieo cấy vụ lúa xuân 2023 ở các tỉnh phía Bắc và nông dân các tỉnh Trung Nam Bộ, Tây Nguyên.

Với những nỗ lực phát triển không ngừng, từ sản phẩm phân lân duy nhất, Công ty đã sản xuất ra hàng chục loại phân lân có chất lượng khác nhau và trên 60 loại phân đa yếu tố, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Thương hiệu phân bón Văn Điển đã khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, sản phẩm đã được lưu hành trên cả nước: miền Bắc khoảng 30 - 35%, miền Nam khoảng 30 - 35%, miền Trung - Tây Nguyên khoảng 35 - 40%. Không những vậy, Công ty còn dành khoảng 10% xuất khẩu sang nhiều nước có yêu cầu khắt khe như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia

Trọng Hòa

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phan-bon-van-dien-vung-thuong-hieu-phan-bon-noi-chat-luong-quoc-te-102614.htm