Phân cấp, phân quyền địa phương bảo trì quốc lộ thế nào?
Tại Dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất phân cấp, phân quyền cho cấp tỉnh quản lý, bảo trì quốc lộ.
Báo Giao thông trao đổi với ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì (Tổng cục Đường bộ VN) về sự cần thiết của đề xuất này.
Vướng nhiều luật
Thưa ông, vì sao phải phân cấp cho địa phương quản lý, bảo trì quốc lộ?
Giải pháp này nhằm tăng cường huy động vốn, nguồn lực của địa phương tham gia đầu tư phát triển, quản lý, khai thác sử dụng và bảo trì hệ thống đường bộ quốc gia. Đồng thời, tạo điều kiện cho địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với lĩnh vực vận tải đường bộ.
Ngoài việc quản lý hành lang đất đai, xử lý tình trạng khẩn cấp, hiện nay chỉ có sở GTVT nhận ủy thác tham gia quản lý mà không có vai trò của tỉnh. Vai trò chỉ đạo thi công bảo trì quốc lộ, tỉnh đang đứng ngoài cuộc. Sau khi phân cấp, tỉnh có quyền và trách nhiệm sâu hơn. Việc phân cấp là gắn chính quyền địa phương vào quản lý bảo trì đường bộ.
Vậy việc phân cấp, phân quyền sẽ được thực hiện thế nào?
Dự thảo Luật Đường bộ bổ sung quy định phân cấp cho UBND cấp tỉnh quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình quốc lộ được phân cấp.
Đối với các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đi qua đô thị loại đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM thì phân quyền cho thành phố quản lý, bảo trì và thực hiện việc quản lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Dự thảo Luật cũng làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong việc quản lý khai thác, bảo trì đường bộ.
Việc phân cấp, phân quyền là cần thiết nhưng vì sao từ trước tới nay chưa được triển khai?
Đến thời điểm này, Bộ GTVT chưa phân cấp quản lý bảo trì được cho các địa phương vì nếu phân cấp, phân quyền ở thông tư do Bộ ban hành là dưới luật và nghị định nên khó thực hiện.
Việc phân cấp gặp không ít khó khăn, vướng mắc về pháp luật quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Giao thông đường bộ và các thủ tục phân bổ ngân sách.
Cụ thể các vướng mắc đó là thế nào, thưa ông?
Vướng mắc hiện nay là thẩm quyền giao ngân sách được quy định tại Luật Ngân sách.
Theo Luật Ngân sách, dòng tiền bảo trì quốc lộ thuộc vốn chi thường xuyên từ ngân sách Trung ương. Thẩm quyền giao ngân sách Trung ương lại thuộc Quốc hội và Thủ tướng. Về thẩm quyền của Thủ tướng, chỉ giao dự toán ngân sách cho cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ mà không giao được cho UBND tỉnh.
Dự toán ngân sách cho cấp tỉnh lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội giao cho HĐND tỉnh. Sau khi HĐND duyệt thông qua mới giao cho UBND, sau đó UBND mới giao sở, ngành.
Vướng nữa là hiện nay Luật Quản lý tài sản công đang quy định: Tài sản công đang ở cấp nào, cơ quan nào thì cơ quan đó phải quản lý sử dụng.
Đường quốc lộ là tài sản công thuộc Trung ương quản lý, được hạch toán tại Bộ GTVT và Bộ Tài chính là đầu mối quản lý tài sản công quốc gia. Bộ GTVT có trách nhiệm lập, bảo quản, sử dụng, khai thác đúng mục đích theo công năng của tuyến đường. Nếu phân cấp cho UBND tỉnh quản lý sẽ ngoài phạm vi của Luật Quản lý tài sản công.
Chính vì vậy, việc phân cấp đã được Chính phủ xác định từ cơ sở pháp lý ở cấp luật. Tại Nghị quyết số 04 ngày 10/1/2022 của Chính phủ về tăng cường phân cấp trong quản lý Nhà nước đã xác định việc phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo trì quốc lộ sẽ được thực hiện sau khi sửa Luật Giao thông đường bộ. Sau khi Luật Đường bộ có hiệu lực, đó sẽ là nền tảng pháp lý để triển khai thông tư phân cấp, phân quyền.
Cơ chế tài chính có gì khác?
Việc phân cấp sẽ khác gì so với hiện nay và sau khi phân cấp, cơ chế tài chính sẽ được thực hiện thế nào?
Trong số hơn 24.000km quốc lộ có đến 60% đang ủy thác cho các sở GTVT quản lý bảo trì. Theo cơ chế tài chính ủy thác hiện nay, Bộ GTVT xây dựng kế hoạch, lập danh mục và phân bổ nguồn vốn bảo trì hàng năm.
Như trên tôi đã nói, khi phân cấp, Bộ GTVT sẽ không liên quan đến nguồn vốn mà sẽ trực tiếp chuyển về cho các tỉnh sử dụng quản lý bảo trì quốc lộ.
“
Dự thảo Luật Đường bộ cũng cho phép địa phương dùng ngân sách của mình để đầu tư quốc lộ. Quy định này giúp các địa phương có điều kiện chủ động bảo trì, đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ để thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, huy động được nguồn ngân sách dư của tỉnh để cùng Trung ương phát triển hạ tầng, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì (Tổng cục Đường bộ VN)
”
Sau khi Luật Đường bộ được ban hành, Bộ GTVT sẽ xây dựng Thông tư phân cấp cho địa phương quản lý bảo trì quốc lộ. Thông tư sẽ quy định mối quan hệ trong quản lý tài sản kết cấu hạ tầng. Bộ GTVT sẽ hạch toán, phân giao và tổ chức kiểm tra.
UBND tỉnh sẽ nhận quốc lộ qua địa phương và tổ chức quản lý bảo trì bằng nguồn vốn từ Bộ GTVT và chịu sự hướng dẫn của Bộ GTVT trong hạch toán tài sản. Quy định như trên mới đảm bảo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là tài sản chung của quốc gia.
Tiếp đó, Bộ Tài chính sẽ sửa đổi thông tư giao kế hoạch chi, trong đó sẽ giao vốn cho UBND tỉnh hoặc cơ quan được UBND tỉnh chỉ định tiếp nhận nguồn vốn Trung ương để bảo trì đường bộ. Khi đó, sở GTVT sẽ nhận chính thức thay vì hình thức ủy quyền từ Bộ GTVT như hiện nay.
Sau khi phân cấp, quyền tự chủ của cấp tỉnh trong sử dụng ngân sách Trung ương trong quản lý bảo trì quốc lộ sẽ cao hơn hiện nay. UBND tỉnh sẽ là chủ đầu tư dự án bảo trì và họ có quyền giao cho đơn vị nào đó thuộc tỉnh làm đại diện chủ đầu tư.
Phân quyền có được toàn quyền quyết định?
Có nghĩa là sau khi phân cấp, địa phương sẽ được toàn quyền trong quản lý bảo trì quốc lộ?
Không hẳn như vậy, đối với quốc lộ không qua đô thị đặc biệt chỉ phân cấp chứ không phân quyền.
Nếu quốc lộ qua địa phương nào địa phương đó quản lý toàn bộ sẽ cắt rời, không đảm bảo tính của hệ thống quốc lộ, vì 63 tỉnh thành là 63 hệ thống quốc lộ khác nhau. Ví dụ, một tuyến quốc lộ nối hai tỉnh mà địa phương này muốn đầu tư nâng cấp, địa phương kia thì không.
Minh chứng là cầu Như Nguyệt nối 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Trong khi Bắc Giang mong muốn mở rộng cầu để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhưng Bắc Ninh lại không vì việc mở rộng không tác dụng đối với họ.
Khi đó sẽ không cần phân cấp mà chỉ cần chuyển quốc lộ thành đường địa phương. Lúc này sẽ không sử dụng ngân sách quốc gia và không còn là tài sản Trung ương.
Phải giữ gìn hệ thống quốc lộ thống nhất nhưng sẽ phân cấp, phân quyền để quản lý sao cho hiệu quả. Khi hệ thống quốc lộ do Trung ương vẫn quản lý, vẫn chỉ huy thì phải được sửa cơ chế tài chính phân cấp trong Luật như trên tôi đã nói.
Nhiều ý kiến lo ngại, khi phân cấp, phân quyền và giao vốn, sẽ nảy sinh tình trạng địa phương sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích, ảnh hưởng tới chất lượng bảo trì các tuyến quốc lộ?
Nhiều người đang hiểu phân quyền là chuyển hết các quyền quản lý bảo trì hiện nay từ Trung ương cho địa phương. Nếu thực hiện phân quyền thì hệ thống quốc lộ sẽ bị chia cắt, mạnh tỉnh nào tỉnh đấy lo.
Dự thảo Luật Đường bộ chỉ phân quyền đối với các tuyến quốc lộ đi qua các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM để họ chủ động phát triển chính quyền đô thị.
Phân cấp là có nghĩa là quyền đó thuộc Trung ương nhưng phân một số quyền hạn cho địa phương thực hiện. Phân cấp cho địa phương quản lý bảo trì quốc lộ, không có nghĩa là giao tất cả.
Trên cơ sở cân đối nguồn ngân sách, Trung ương vẫn phải duyệt danh mục bảo trì hàng năm, điều phối bằng kế hoạch bảo trì, hướng dẫn thực hiện chung và kiểm tra đôn đốc. Không phải là chuyển tiền rồi họ muốn làm gì cũng được.