Phân cấp quản lý quốc lộ từ ngày 1/1/2025: thuận lợi cho phát triển hạ tầng
Từ ngày 1/1/2025, theo quy định tại Luật Đường bộ, quốc lộ được phân quyền cho UBND cấp tỉnh, TP chịu trách nhiệm quản lý. Dự kiến, có khoảng 17.500km quốc lộ được phân cho các địa phương để chủ động hơn trong công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng, phát triển hạ tầng.
Gỡ vướng nguồn lực
Theo quy định tại Luật Đường bộ 2024, Bộ GTVT quản lý tổng thể mạng lưới đường bộ quốc gia, trực tiếp quản lý và đầu tư các tuyến cao tốc và quốc lộ trọng yếu, liên quan đến bảo đảm quốc phòng - an ninh; thanh tra kiểm tra, giám sát công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì quốc lộ ở địa phương; UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý đường tỉnh, quốc lộ đi qua đô thị loại đặc biệt; quốc lộ khi được phân cấp.
Với hơn 25.700km quốc lộ hiện có, các chuyên gia cho rằng, việc phân quyền cho các địa phương quản lý quốc lộ là hợp lý nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng tính chủ động trong công tác duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đường, tránh được tình trạng đường hư hỏng, hay xảy ra tai nạn nhưng chậm khắc phục do phải đợi ngân sách phân bổ hoặc gặp cảnh chủ đầu tư chây ì...
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, thực tế việc ủy quyền này là cần thiết vì tận dụng được bộ máy và tổ chức của cơ quan chuyên môn địa phương tham gia công tác quản lý, bảo trì quốc lộ cũng như huy động được nguồn lực tại chỗ để bảo đảm giao thông khi xảy ra sự cố, thiên tai, bão lụt; đáp ứng các yêu cầu về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phát triển hạ tầng khu vực.
Nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục đường bộ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, năm 2024 mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành GTVT đã hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quyết liệt triển khai công tác phân cấp, phân quyền toàn diện trên các lĩnh vực công tác; thực hiện đổi mới mạnh mẽ, triệt để công tác quản lý các dự án sửa chữa đường bộ; tập trung mọi nguồn lực, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Sang năm 2025, Cục Đường bộ Việt Nam cần tiếp tục rà soát cập nhật hệ thống các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về đường cao tốc, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cầu, đảm bảo vận hành an toàn công trình.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu Cục đường bộ quyết liệt triển khai phân cấp quản lý quốc lộ từ ngày 1/1/2025; Triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị tiếp nhận, đảm bảo thống nhất với các quy định hiện hành.
Trong phân bổ ngân sách quản lý, bảo trì đường bộ phải tập trung cho các địa phương khó khăn, nhất là những địa phương vùng miền núi. Các dự án bảo trì cần đảm bảo có quy mô lớn, không sửa chữa manh mún, nhỏ lẻ. Sau khi phân cấp phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng bảo trì đường bộ.
Tăng tính chủ động
Để thực hiện việc phân cấp phân quyền, Cục Đường bộ xây dựng tiêu chí và danh mục các tuyến sẽ bàn giao cho các các tỉnh thành nơi có quốc lộ đi qua địa bàn quản lý. Dự kiến, sẽ phân cấp cho UBND các tỉnh thành quản lý trên 17.543km.
Theo các chuyên gia, bài học kinh nghiệm thành công của mô hình phân cấp phân quyền đã thể hiện rõ qua việc triển khai xây dựng mạng lưới đường cao tốc. Trước đây các tuyến cao tốc liên vùng đều đặt Bộ GTVT ở vai trò là "tổng tư lệnh". Trong khi nhu cầu phát triển cao tốc để phát triển kinh tế giai đoạn này rất lớn, khắp mọi miền trên cả nước.
Vì vậy Chính phủ đã có chủ trương phân cấp cho các địa phương chủ trì triển khai các đoạn, các tuyến cao tốc qua địa bàn. Đến nay, chủ trương phân cấp cho địa phương làm đường cao tốc đã đạt những kết quả rất khả quan, mạng lưới cao tốc nước ta đang dần hoàn chỉnh. Bên cạnh đầu tư các tuyến đường mới, nhiều địa phương đã chủ động duy tu bảo đảm tuyến đường phục vụ tốt nhu cầu giao thông, giao thương, liên kết vùng, phát triển kinh tế xã hội và hạ tầng khu vực.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, việc phân cấp quốc lộ về địa phương vừa giúp tăng tính chủ động vừa giúp các địa phương nâng cao trách nhiệm giám sát quản lý đối với các tuyến đường, tránh được tình trạng chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý.
Tuy nhiên, để chất lượng duy tu bảo trì quốc lộ giữa các địa phương được đồng đều, cơ quan quản lý nhà nước cần đề ra các tiêu chuẩn chất lượng để làm căn cứ trong trường hợp các địa phương thực hiện nhiệm vụ được phân cấp không đáp ứng quy định pháp luật hoặc thực hiện chưa đảm bảo yêu cầu trong duy tu bảo dưỡng, Bộ GTVT sẽ quyết định việc thu hồi phân cấp lại quyền quản lý quốc lộ.
Đánh giá đường bộ giữ vai "xương sống" của ngành GTVT, thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh tiếp tục yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý đường bộ, phối hợp với các địa phương nâng cao chất lượng công tác bảo trì để đảm bảo hệ thống quốc lộ luôn êm thuận, thông suốt, đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.