Phân cấp, ủy quyền cho các địa phương để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông
Theo đại biểu Đinh Tiến Đũng (Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội), cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương triển khai thực hiện các dự án đầu tư PPP, quyết định toàn diện để hạn chế việc xin ý kiến các bộ, ngành.
Chiều 27/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương
Nhiều đại biểu cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết là cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách thí điểm thực hiện các cơ chế phù hợp để tạo đột phá cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là đường bộ; huy động mọi nguồn lực của xã hội thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo chính sách 1 trong Tờ trình của Chính phủ, đối với các dự án giao thông đường bộ, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức này không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án có danh mục tại Phụ lục số 01 kèm theo.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, cần bỏ danh mục tại Phụ lục số 01 kèm theo trong Nghị quyết này, bởi trên thực tế, tất cả các dự án giao thông trọng điểm đều được hưởng cơ chế đầu tư PPP.
Đại biểu Đinh Tiến Dũng dẫn ví dụ Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, mặc dù đã triển khai thực hiện trước khi Nghị quyết ban hành nhưng đương nhiên được hưởng chính sách mới của Nghị quyết này. Theo đại biểu, các dự án đầu tư PPP cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương triển khai thực hiện, quyết định toàn diện để hạn chế việc xin ý kiến các bộ, ngành; đi kèm với đó là các hướng dẫn, quy định của pháp luật.
Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cho rằng, các dự án giao thông trọng điểm phải được hưởng cơ chế đặc thù và theo hình thức PPP, chứ không phải không nằm trong phụ lục thì các địa phương lại đi xin - cho. Mục đích của chính sách này nhằm tạo động lực hơn nữa trong việc thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân, bảo đảm hiệu quả tài chính dự án, hấp dẫn các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho hay, thời gian qua, các dự án đầu tư công triển khai chậm là do vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như các thủ tục đầu tư. Trong bối cảnh đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, việc thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là rất cần thiết.
Về hình thức đầu tư PPP, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trên thực tế có nhiều dự án phải giải phóng mặt bằng lớn nên việc cố định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án không quá 70% tổng mức đầu tư như quy định tại Nghị quyết là không hợp lý.
Theo đại biểu, cần phải tách phần giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án để việc huy động vốn đầu tư cũng như đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Trong đó, phần bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư do Nhà nước triển khai thực hiện và không tính vào tổng số vốn đầu tư của dự án.
Tồn tại liên quan đến cơ chế chính sách
Còn theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội), thời gian qua, việc triển khai đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong thực tiễn thực hiện vẫn còn một số vấn đề tồn tại liên quan đến cơ chế chính sách trong đầu tư, thủ tục đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư.
“Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán sau thiết kế cơ sở đối với Tiểu dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tham gia trong tổng thể dự án PPP vẫn còn một số quy định chưa rõ ràng về trách nhiệm. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Bên cạnh đó, cơ chế quản lý tài chính, thanh toán đối với vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án đầu tư theo phương thức PPP theo các quy định còn một số tồn tại. Việc giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án qua nhiều địa phương có một số nội dung cần được cập nhật, bổ sung” - đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) cho rằng, Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung này và đề nghị Chính phủ cân nhắc quy định bổ sung mở rộng đối tượng, đảm bảo theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời tránh việc áp dụng cơ chế thí điểm cho nhiều dự án, vượt quá khung khổ phạm vi thí điểm được Quốc hội quyết định mà chưa có đánh giá tác động cụ thể về nguồn lực của nhà nước và năng lực, khả năng tổ chức triển khai của các địa phương.
Theo đại biểu, Nghị quyết thí điểm đến hết năm 2025, thời gian thí điểm không dài nên cần thiết xác định ngay các dự án đang vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tạo động lực phát triển. Sau thời gian thí điểm sẽ tổng kết để kiến nghị, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Đồng tình tăng tỷ lệ vốn Nhà nước lên 70% tổng mức đầu tư dự án
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đánh giá cao việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, cho rằng đây là cơ sở pháp lý quan trọng, cần thiết để triển khai các dự án giao thông trọng điểm, với sự phân cấp, phân quyền mạnh từ Trung ương cho địa phương.
Về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư PPP, đại biểu đồng tình với đề xuất tăng tỷ lệ vốn Nhà nước lên 70% tổng mức đầu tư dự án. Vì hiện nay đa số các dự án đầu tư đều phải giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư, hỗ trợ cho người dân... cần vốn lớn, trong khi đó, một số dự án kêu gọi đầu tư rất khó, nên việc tăng vốn Nhà nước đầu tư là cần thiết. Đại biểu cũng cho rằng, về thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ đi qua các địa phương, việc phân cấp là cần thiết, sẽ giúp tháo gỡ đươc nút thắt, điểm nghẽn hiện nay.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) cũng cho rằng, việc đề nghị tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư PPP đầu tư không quá 70% là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Theo đại biểu, có thể thấy khi thực hiện các dự án giao thông đường bộ, chi phí để thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm tổng mức đầu tư rất lớn. Do đó, nếu không tăng nguồn vốn đầu tư của nhà nước thì cũng sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có nêu “thực tế triển khai thời gian qua cho thấy các dự án giao thông PPP gặp khó khăn nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách của Nhà nước thiếu ổn định nhưng chưa có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư một cách thỏa đáng...”.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ủy ban Kinh tế cần tăng cường giám sát về những bất cập, hạn chế liên quan đến cơ chế, chính sách cho hình thức đầu tư PPP, làm rõ còn những khó khăn nào để kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, từ đó có những điều chỉnh, tăng hiệu quả của các dự án giao thông PPP.