Phân công rõ, phân cấp mạnh, tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp có vốn nhà nước phát triển

Mục tiêu xây dựng Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là phân công rõ, phân cấp mạnh, tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp có vốn nhà nước phát triển, hoạt động bình đẳng trước pháp luật.

Chiều ngày 13/6/2024, tại trụ sở Bộ Tài chính, Cục Tài chính doanh nghiệp tổ chức hội thảo khoa học nhằm trao đổi, làm rõ các nội dung chính sách để đưa vào nội dung chi tiết Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13.

Tham dự cuộc họp có 20 chuyên gia, nhà khoa học đến từ Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Học viện Tài chính, Vụ Pháp chế...

Quang cảnh hội thảo khoa học. Ảnh: Đức Minh

Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã giới thiệu khái quát quá trình xây dựng Dự án Luật, cũng như những nội dung cơ bản trong chính sách được Chính phủ trình Quốc hội, trên cơ sở đó cụ thể hóa thành nội dung thảo luận.

Theo ông Bùi Tuấn Minh, dự thảo Luật tập trung vào 6 nhóm chính sách đề xuất, bao gồm: Chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Chính sách về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Chính sách về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; chính sách về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chính sách về quản trị doanh nghiệp.

Đề cập tới một số nội dung mới, điểm thay đổi căn bản trong Dự án Luật, ông Minh cho biết, ngay từ khâu đặt vấn đề, cơ quan soạn thảo đã lựa chọn công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải xây dựng theo hướng quản lý dòng vốn đầu tư, nhà nước quản lý với vai trò là người đầu tư vốn, chứ không thực hiện quản lý pháp nhân doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, điểm thay đổi căn bản của dự án Luật là đưa ra hệ thống quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hình thức phân công rõ, phân cấp mạnh. Qua đó, nhà nước sẽ đầu tư vốn thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, chứ không phải nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn sẽ là chủ thể được nhà nước giao cho đầu tư tại doanh nghiệp.

Điểm mới của Dự án Luật là công tác quản lý theo phân cấp. Điều đó có nghĩa là nhà nước sẽ không trực tiếp quản lý doanh nghiệp, mà do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý vốn của nhà nước thông qua doanh nghiệp đầu tư trực tiếp. Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp quản lý vốn của mình ở tại các doanh nghiệp.

“Vai trò của nhà nước chỉ là chủ sở hữu vốn, không phê duyệt những nội dung mang tính chất sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp” - ông Minh nhấn mạnh.

Thông tin với các đại biểu, ông Minh cho biết, Dự án Luật thay thế Luật số 69 sẽ đưa vào toàn bộ tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Tại hội thảo, các chuyên gia, cá nhân, lãnh đạo cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình xây dựng Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tập trung trao đổi, đóng góp làm rõ thêm những vấn đề liên quan tới Dự thảo Luật với 92 điều, 9 chương./.

Đức Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phan-cong-ro-phan-cap-manh-tao-co-so-phap-ly-de-doanh-nghiep-co-von-nha-nuoc-phat-trien-152941.html