Phấn đấu giảm chi phí, nâng quy mô của logistics trong GDP
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 diễn ra vào sáng 2/12 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả đạt được, tăng tính chủ động, tự lực, tự cường trong phát triển, phải giảm chi phí logistics trong GDP của đất nước xuống 15% và phấn đấu nâng quy mô của logistics trong GDP đạt con số 20%.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics. Với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics đã có những bước phát triển khá ấn tượng: tăng bình quân 14-16%/năm, từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế trong khu vực và thế giới.
Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ 3 mục tiêu mà ngành cần phát triển trong thời gian tới, cụ thể: phấn đấu giảm chi phí logistics trong GDP của đất nước từ 18% xuống 15% trong năm 2025; nâng quy mô của logistics trong GDP từ 10% lên 20%; tốc độ tăng trưởng của ngành logistics từ 15% nâng lên 20%.
Thủ tướng cũng chỉ rõ một số nhiệm vụ ngành phải thực hiện đó là: đột phá về thể chế, giảm chi phí đầu vào; xây dựng quản trị thông minh; phát triển đồng bộ hạ tầng hiện đại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, vẫn còn những hạn chế, tồn tại liên quan tới nhận thức về ngành logistics và tiềm năng, vị trí của Việt Nam trong lĩnh vực này. Chí phí logistics còn cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; quy mô của ngành so với quy mô GDP Việt Nam và quy mô ngành logistics toàn cầu (lên tới 9.000 tỷ USD) còn hạn chế. Nguồn nhân lực còn yếu và thiếu; doanh nghiệp phát triển chưa mạnh, chưa có cơ chế để phát triển; mối liên kết giữa các phương thức vận tải với kho bãi còn hạn chế; hạ tầng logistics còn lạc hậu.
Tại Diễn đàn, nhiều đề tài thiết thực, mang tính thời sự đã được các diễn giả trình bày như: Tiềm năng, lợi thế xây dựng và phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Hành trình vươn ra biển lớn: Hệ sinh thái hàng hải Việt Nam kết nối các khu thương mại tự do; Ứng dụng công nghệ và giải pháp tài chính trong vận hành khu thương mại tự do và thúc đẩy phát triển logistics.
Bên cạnh cơ hội, một số ý kiến cho rằng, chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao… là những điểm nghẽn mà thời gian tới, ngành logistics cần được tháo gỡ để tăng tốc, phát triển tương xứng.